Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Hợp tác chớp thời cơ
Giữa bối cảnh nhiều khó khăn vây bủa hiện nay, những người nông dân và quản lý sản xuất nông nghiệp xem ra lại bình tĩnh hơn cả.
Dẫn chúng tôi đi xem cánh đồng mẫu tự phát của người dân xã Viên Bình rộng gần 1.500 ha, sản xuất lúa thơm ST5, ông Trần Nhiễu (Viên Bình, Trần Đề, Sóc Trăng) cánh đồng này tiêu biểu của mô hình nông dân hợp tác trong thời buổi khó khăn. “Nhờ cùng nhau làm một loại giống, chung lịch thời vụ nên giảm được nhiều chi phí. Làm đồng loạt nên chi phí cày bừa rẻ hơn làm riêng lẻ khoảng 150.000 đ/ha. Khi thu hoạch các chủ máy gặt đập liên hợp thầu cả cánh đồng, giảm giá thu hoạch 200.000 – 250.000 đ/ha. Thương lái đến mua lúa, có thể gom cả nghìn tấn nên trả giá cũng cao hơn bán nhỏ lẻ”, ông Nhiễu chia sẻ.
Thu hoạch lúa ở Sóc Trăng. Ảnh: Gia Thọ |
Không quy mô như Viên Bình, nông dân ở ấp Mỹ Đức (Mỹ Tú, Sóc Trăng) hợp tác làm lúa giống. Ông Nguyễn Quốc Khởi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Mỹ Đức, cho biết: “Hợp tác ứng dụng khoa học kỹ thuật làm lúa giống, bán được giá cao hơn lúa thường 1.000 -1.500 đ/kg, bảo đảm lợi nhuận một vụ 30-40 triệu đồng/ha”. Vụ đông xuân 2010-2011, thực hiện biện pháp “ứng dụng kết hợp liên hoàn các chế phẩm hữu cơ, sinh học trong canh tác lúa và quản lý dịch hại tổng hợp” tiết kiệm thêm 1-1,5 triệu đồng/ha chi phí phòng trừ dịch hại. Tổ hợp tác còn đầu tư máy cày, lò sấy lúa giúp nông dân có thêm lợi nhuận 300.000 – 400.000 đ/ha/năm. Tổng cộng, lợi nhuận của bà con nông dân ở đây tăng thêm 20-30% so với làm ăn riêng lẻ.
Chủ tịch UBND xã Viên Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) phấn khởi nói, nông dân ở xã làm lúa xác nhận giống ST5 theo quy trình kỹ thuật được khuyến cáo, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên lời bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha/vụ. Xã viên của HTX Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Biên (Ngã Năm, Sóc Trăng) đồng lòng làm lúa thơm ST20, năng suất 7-8 tấn/ha, giá 7.500 đ/kg.
Theo Tổ chức Lương nông thế giới FAO, giá lương thực hiện đã tăng cao nhất trong thời gian qua, vượt cả mức giá khủng hoảng năm 2008, nhất là ở khu vực châu Á và dự đoán sẽ còn tăng. Chỉ số giá các loại ngũ cốc như bắp, bột mì đã tăng tới 70%. Nguyên nhân được cho là do một loạt thiên tai ở nhiều nơi, như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán ở Úc, cháy rừng ở Nga. FAO còn cảnh báo nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc sẽ tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định khả năng giá gạo sẽ còn tăng. Do đó, từ cuối tháng 2-2011, VFA đã linh hoạt điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo và chỉ đạo 60 doanh nghiệp mua lúa tạm trữ theo giá thị trường nhưng không dưới 5.000 đ/kg. Theo VFA, dự kiến xuất khẩu gạo quý 1 đạt khoảng 1,6 triệu tấn, quý 2 là 2 triệu tấn. Như vậy, chỉ 6 tháng đầu năm đã xuất 3,6 triệu tấn.
Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chính thức thông báo: vụ đông xuân ở ĐBSCL được mùa được giá. Thị trường nông sản năm nay rất tốt. Cơ hội để hạt gạo Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới. Chính phủ chỉ đạo, nắm lấy cơ hội bằng việc tăng 1 triệu tấn lúa từ 150.000- 200.000ha lúa vụ 3; tạo mọi điều kiện về vật tư, kỹ thuật để nông dân tăng diện tích.
Ông Trương Văn Sáu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định: “Phải tận dụng cơ hội, không chậm trễ bỏ lỡ như năm 2008, trước mắt cần tăng diện tích vụ thu đông”.
Xuân Trường-Phương Nam