Hồng Vân Nuage Rose: Tự sự trôi dạt xứ bèo

TP - Tác giả của “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” mới được NXB Trẻ giới thiệu không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Tác phẩm tạo hiệu ứng tốt ở Pháp và ở Việt Nam nhưng nữ Việt kiều Nuage Rose (tên Việt: Hồng Vân) vẫn không có ý định lấy nghiệp văn làm điểm tựa. Văn chương với bà giống như cuộc dạo chơi của áng mây hồng trên bầu trời tự do.

Nuage Rose (Hồng Vân) trông trẻ hơn tuổi với vóc dáng thon thả và khuôn mặt rặt nét tây. Nhưng chị khẳng định: “Tôi hoàn toàn thuần Việt”. Sinh năm 1960 tại Hà Nội, năm 1983, tròn 23 tuổi, Nuage Rose từ biệt quê hương. 34 năm ở nước ngoài, dù nỗ lực giữ gìn cũng khiến tiếng Việt của chị rơi rụng. Trong câu chuyện giữa chúng tôi, có một số câu hỏi chị chưa hiểu ngay nghĩa, chỉ đến khi người hỏi diễn đạt theo một cách giản dị hơn chị mới “à” một tiếng và hồ hởi trả lời. Đó cũng là nguyên nhân vì sao tác giả “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” không thể dịch tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của mình ra tiếng Việt. Chuyện chuyển ngữ đành gửi gắm dịch giả Quỳnh Lê: “Ngôn ngữ tiếng Việt của tôi không đủ dịch. Phải có người dịch giúp, sau đó tôi mới đọc xem có hợp với phong cách của tôi không và chỉnh”. Để có “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” bằng tiếng Việt ưng ý, chị đã bỏ không ít thời gian cùng dịch giả chỉnh sửa.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Hiện nay, những cuộc ra mắt sách bung nở như… phong trào kinh doanh trên mạng xã hội, thành ra bạn đọc bị “bội thực”, lãnh cảm với những thông tin xung quanh nó. Thế nên một cuộc ra mắt sách khiến cả tác giả lẫn độc giả phải rơi nước mắt như “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” thuộc “hàng hiếm”: “Hôm ấy tôi xúc động vô cùng. Đến bây giờ vẫn còn nổi gai ốc. Ở Châu Âu mình kể chuyện những ngày đói khổ trong chiến tranh thì người ta thích. Nhưng khi sách được dịch ra tiếng mẹ đẻ, lại ra mắt ngay tại Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên, khiến tôi lo lắng. Cuốn sách phải có gì đó để xứng  với Hà Nội chứ? Ở đây, ai cũng biết những câu chuyện tôi kể, có gì lạ lẫm đâu? Tôi lo đến mức mất ngủ nhiều đêm và đề nghị NXB Trẻ bỏ đi một số chuyện như chuyện tôi kể ngày tết ăn thịt gà. Nhưng các em biên tập viên nhà xuất bản lại động viên tôi: Cách kể của chị khác”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ về cuốn sách của Nuage Rose như sau: Nhiều chi tiết như chuyện cổ tích, thiện ác rõ ràng, ác thì ác tới tận cùng, không thể tưởng tượng nổi. Nữ đạo diễn khẳng định: Bất cứ lứa tuổi, bất cứ thế hệ nào cũng sẽ tìm thấy điều mình quan tâm và thích thú qua hồi tưởng của Nuage Rose về cuộc sống thiếu thốn, cùng cực của cư dân miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (1964-1975). Một tin vui được nữ tác giả chia sẻ: “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã được đưa vào chương trình học của một số trường quốc tế Pháp tại Việt Nam. Nuage Rose đã có những buổi giao lưu cùng học trò quốc tế. Những bạn nhỏ ở các nước phát triển rất thích cuộc phiêu lưu của “ba áng mây” và có những cảm nhận thú vị khiến tác giả xúc động.

Nuage Rose

Quên chuyện giải thưởng đi

“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã được Ban độc giả và NXB Hội nhà văn ở  Pháp trao giải thưởng “Được yêu thích nhất năm 2013” (Coup de Coeur) và đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều hội chợ sách uy tín ở châu Âu,  trước khi NXB Trẻ đưa về Việt Nam.  Có lẽ, do thói quen coi trọng giải thưởng ở ta khiến tác giả ái ngại, chị đề nghị: “Đừng nhắc đến chuyện giải thưởng”. Nuage Rose có lí do riêng: “Đối với tôi, câu chuyện giải thưởng không quan trọng vì nhiều cuốn có giải mọi người vẫn không thích đọc”. Ngay trên trang cá nhân, chị đã phải cải chính thông tin xung quanh giải thưởng để độc giả Việt tránh hiểu sai: “Sau khi đọc báo chí và được phỏng vấn, tôi hiểu ra một sự so sánh không tương đương: Hội nhà văn (Hội nhà văn ở Pháp-pv) không có cùng một nghĩa với Hội ở Việt Nam”. Hội nhà văn ở Pháp không phải một tổ chức chính thức, không được chính phủ “rót tiền”,  kể cả nhà xuất bản cùng tên cũng hoạt động độc lập. Sau khi nói về sự khác nhau giữa Hội ở ta với Hội ở tây, chị vào vấn đề chính: “Các giải thưởng có rất nhiều, có giải “chính thức”, có giải không. Các tổ chức, các tập đoàn tự do cho ý kiến và cho giải. Không có sự ép buộc hay áp lực của ai hết”. Và tác giả khẳng định: “Giải lớn nhất mà tôi Đã và Đang được: Là độc giả yêu và quý cuốn sách của tôi, SAU KHI ĐỌC”. Có vẻ Nuage Rose rất cảnh giác với “hiệu ứng đám đông” của độc giả Việt nên nhấn mạnh: Hãy quên chuyện giải thưởng đi. Hãy đọc sách đã, rồi mới nói đến chuyện yêu quí cuốn sách này. Qua đây, lại nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Rừng Na uy” của Hakumi Murakami. “Rừng Na uy” vốn đã là tác phẩm được đánh giá cao nhưng có lẽ để rút kinh nghiệm từ lần xuất bản không thành công trước đó, khi bản dịch của Trịnh Lữ ra mắt độc giả, sách đính kèm “quảng cáo” trên bìa: “Cứ bảy người Nhật có một người đọc Rừng Na uy”. Lần này thì “Rừng Na uy” lên cơn “sốt” thật. Đọc sách vì bản thân cuốn sách đáng đọc, không phải câu chuyện đơn giản với một bộ phận đôc giả Việt.

Ảnh bìa sách.

Viết giấu giếm như… buôn lậu

Nuage Rose (Hồng Vân) chưa bao giờ có ý định trở thành nhà văn. Trước khi ra nước ngoài, chị tốt nghiệp khoa tiếng Pháp- ĐH Tổng hợp Hà Nội. Yêu thích văn chương, yêu thích tiếng Pháp nên khi sang Pháp chị tiếp tục việc hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ văn học cổ điển Pháp. Nhưng văn học không nuôi sống được chị, nên chị tiếp tục học thêm một nghề khác: Kỹ sư công nghệ thông tin. Nuage Rose đã trải qua nhiều công việc khác nhau: Tùy viên kinh tế thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, rồi làm việc cho Đại sứ quán Pháp tại Singapore với vị trí tổng thư ký văn phòng Asean. Ở Pháp chị từng là nhân viên tòa thị chính, nhân viên bộ Tư Pháp, hiện chị đang làm việc trong một ngân hàng ở Paris. Tình yêu văn chương sống dậy trong chị khi tuổi đã xế chiều, nhu cầu tự thân thúc đẩy chị phải viết, viết để giãi bày tâm tư: “Lúc đầu tôi không chủ tâm viết sách, không có ý định xuất bản. Tôi muốn viết cho những người thân, ông ngoại, bố, mẹ và cả những người nông dân đã cưu mang chị em tôi. Thế rồi những bức thư tình yêu ấy cứ nối dài, từ một bức thư tình yêu thành hai bức thư tình yêu, thành ba bức thư tình yêu… Cuối cùng thành một chuỗi những bức thư tình yêu”.

Trong rất nhiều cuốn tự truyện đã ra mắt ở Việt Nam thì “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” có đặc điểm khác biệt ở thể loại. Nó thuộc thể loại tự truyện hư cấu: “Tôi không muốn để là hồi ký vì hồi ký phải chính xác tuyệt đối mà tôi thì không thể nhớ chính xác tuyệt đối, cũng không có ý định phải kể những gì chính xác tuyệt đối, mà chỉ muốn nói tâm trạng của mình”. Tuy nhiên, tất cả những gì liên quan đến lịch sử cuộc chiến tranh, liên quan đến đất nước, được chị cam đoan: Tôn trọng hoàn toàn. Chị chỉ cho phép mình sáng tạo khi dẫn dắt, đưa đẩy từ chuyện nọ sang chuyện kia.

Nuage Rose không thể nói chính xác cuốn tự truyện lấy của chị bao nhiêu thời gian: “Nghề của tôi không phải nhà văn mà là một nghề công sở làm cho các cơ quan, ban, ngành. Hồi đó, tôi viết giấu giếm như một người đi buôn lậu. Ban ngày đi làm công sở. Tối về phục vụ cơm nước cho gia đình. Khi cả gia đình chìm vào giấc ngủ tôi mới đóng cửa phòng làm việc viết gần như suốt đêm. Trong suốt 3,4 năm trời, đêm nào tôi cũng thức tận 3,4 giờ sáng”. Các con của chị là những độc giả đầu tiên được đọc “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”. Những người thân khích lệ chị nên in thành sách. Chị bắt đầu gửi bản thảo tới các nhà xuất bản nhưng thường bị trả lại, bởi chị không phải nhà văn chuyên nghiệp, càng không phải một người có tên tuổi. Đến một ngày, hạnh phúc đã mỉm cười với người dành tình yêu vô tư cho văn chương. Nuage Rose không được phép tiết lộ lượng phát hành của cuốn sách tại Pháp nhưng chị cho biết, chính nhà xuất bản ở Pháp đã không lường được lượng bạn đọc lớn thế. Tại những hội chợ sách ở Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ… sách của chị bán được.

Nuage Rose đã viết xong cuốn tự truyện thứ hai. Một nhà xuất bản ở Pháp đã mua bản quyền nhưng khi đón nhận những tín hiệu tốt lành từ độc giả Việt chị lại muốn sách xuất bản ở Việt Nam trước khi xuất bản ở Pháp: “Nếu cuốn đầu viết về giai đoạn 1964-1975 thì cuốn thứ hai sẽ đi vào giai đoạn sau chiến tranh”. Với Nuage Rose hai cuốn tự truyện là đủ. Bắt đầu từ cuốn thứ ba chị sẽ viết tiểu thuyết. Vì tình yêu của người đọc, chị quyết định dành một nửa thời gian cho việc viết, một nửa thời gian cho việc kiếm sống: “Ở Pháp cũng như ở Việt Nam, các nhà văn sống được bằng nghề viết chỉ tính được trên đầu ngón tay. Dù ở Pháp nhuận bút cao hơn nhưng vẫn không sống được”. Nuage Rose không đi theo xu hướng nào trong văn chương: “Tôi muốn tự do, muốn giữ đầu óc và trái tim tự do. Không muốn trói buộc mình vào xu hướng nào dù sách bán chạy”. Hiện nay có hai nhà xuất bản ở Thụy Sỹ đặt chị viết nhưng chị từ chối vì “viết theo đơn đặt hàng tôi không làm được”.

“Tôi muốn tự do, muốn giữ đầu óc và trái tim tự do. Không muốn trói buộc mình vào xu hướng nào dù sách bán chạy”

Nuage Rose     

Hà Nội xưa không mùi bún chả

Tôi hỏi chị: “Liệu sau khi nghỉ hưu chị có về Việt Nam sống và viết?”.  Chị đáp: “Hai đứa con của tôi đã về Việt Nam sống rồi nhưng tôi chưa về hưu nên câu hỏi đó chưa dám trả lời”.

Hà Nội ngày hôm nay đã thay đổi quá nhiều so với Hà Nội trong ký ức của Nuage Rose: “Nhiều khi đi ngủ trong đầu tôi hiện về những con phố Hà Nội ngày xưa. Một Hà Nội yên ả, không nghe thấy một tiếng gì khác ngoài tiếng ve sầu, đường phố chỉ có vài cái xe đạp. Mùi vị ngoài phố chỉ có mùi hoa sữa, không có mùi bún chả, không có mùi mắm tôm bún đậu”.