Hơn cả nỗi đau

Hơn cả nỗi đau
TP - Phẫn nộ, là thái độ của mọi người khi xem đoạn clip hành hạ trẻ em được đưa lên mạng hôm 24-11. Đoạn băng ghi lại cảnh người phụ nữ bạo hành bằng nước một cách dã man đối với đứa trẻ mới 3 tuổi. Địa điểm xảy ra được xác định tại một nhà giữ trẻ ở Bình Dương.

> Tạm giữ hình sự bảo mẫu 'phù thủy' 

Những hành động phi nhân tính của người phụ nữ, đặc biệt khi đứa trẻ khóc ngất không thành tiếng và bất lực khi cố vùng vẫy khỏi sự hành hạ, khiến nhiều độc giả nhói đau đến mức không đủ can đảm để xem hết đoạn băng, mặc dù chỉ vỏn vẹn 1 phút 16 giây.

Không phải đến bây giờ, việc hành hạ dã man trẻ em, đặc biệt các em nhỏ, mới được phanh phui. Còn nhớ, vụ hành hạ trẻ em tại một nhà trẻ tư ở Đồng Nai cách đây chưa lâu khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Kẻ độc ác đã nhận sự trừng phạt thích đáng của luật pháp.

Những tưởng, đó là bài học nhớ đời cho kẻ khác, nào ngờ… Những vụ hành hạ trẻ em vẫn thường diễn ra đâu đó. Điều đặc biệt, nó xuất hiện khá phổ biến ở môi trường giáo dục, hay ở những nơi được cho là chốn bảo bọc, chăm sóc trẻ em.

Nỗi đau này không phải của bản thân trẻ hay gia đình trẻ bị bạo hành mà là của cả cộng đồng. Cộng đồng đau đớn, và vụ hành hạ trẻ em ở Bình Dương này là đỉnh của nỗi đau.

Trong sự bàng hoàng xót xa, mọi người tự hỏi: Chúng ta đang bất lực với nạn bạo hành trẻ em? Và, điều gì đang và sẽ xảy ra với con em chúng ta? Nhìn một cách thấu đáo, sẽ không khó khăn để nhận thấy có nhiều điều thật không ổn trong quản lý cũng như vấn đề đạo đức, lương tâm của những người trông trẻ.

Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta đang thiếu một hệ thống tiêu chí chuẩn mực về điều kiện mở lớp, mở cơ sở giữ trẻ; về tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức của người trông trẻ…Bên cạnh đó, chúng ta thiếu cả sự quản lý giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với hoạt động này.

Cùng với đó, sự mất cân đối giữa phát triển và hệ thống an sinh giáo dục là nguyên nhân quan trọng khiến cho nạn bạo hành không được chấm dứt hay hạn chế. Nhà máy, xí nghiệp, công sở mở ra nhanh chóng, trong khi trường học và tiện ích khác phục vụ cho người lao động và gia đình họ không phát triển theo kịp.

Nhu cầu gửi trẻ cao, trong khi nhà giữ trẻ không đảm bảo yêu cầu khiến nhiều ông bố bà mẹ phải trao những đứa con yêu của mình vào tay những cơ sở, cá nhân thiếu năng lực chuyên môn, phẩm chất, tình người.

Những bất cập trên không kịp thời khắc phục, điều tệ hại sẽ tiếp tục dội lên đầu con em chúng ta - những đứa trẻ non nớt vốn và luôn cần được bảo bọc.

Những khuyết tật của cộng đồng hôm nay sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ tương lai. Sẽ khó có một lớp trẻ lành lặn đúng nghĩa trong tương lai, nếu chúng được sống trong một quá khứ khuyết tật và nhiều nỗi đau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG