Hơn 80% học sinh giáo dục thường xuyên trượt tốt nghiệp

Hơn 80% học sinh giáo dục thường xuyên trượt tốt nghiệp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 kết thúc với con số không vui ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong đó thấp nhất là Trung tâm GDTX huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng: Chỉ có 18,18% đỗ, tỷ lệ trượt là 81,82%.

> Nên trả kỳ thi THPT về cho địa phương

> Vì sao điểm thi tốt nghiệp Địa lý năm nay thấp? 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 kết thúc với con số không vui ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong đó thấp nhất là Trung tâm GDTX huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng: Chỉ có 18,18% đỗ, tỷ lệ trượt là 81,82%.

Thí sinh Âu Trường An, một trong những người hiếm hoi đỗ tốt nghiệp tại TTGDTX huyện Mỹ Xuyên
Thí sinh Âu Trường An, một trong những người hiếm hoi đỗ tốt nghiệp tại TTGDTX huyện Mỹ Xuyên.

Bận công tác nên… không học nổi

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ một số thí sinh (TS) hệ GDTX ở huyện Mỹ Xuyên. Nói về chuyện thi cử, tất cả đều ngại ngần bởi: “Hay ho gì mà nói, ngượng với con cháu lắm vì toàn trượt không hà!”.

Theo các TS, đa số họ là công chức xã, bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe, trí lực cũng có phần “sa sút” nên rất khó đạt yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp này. Thậm chí có người đã dự thi đến lần thứ 4, thứ 5 nhưng vẫn chưa đạt.

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ đỗ thấp, một giáo viên ở một trường THPT của huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Các TS dự thi là cán bộ cấp xã, thậm chí có cả ở cấp huyện được tuyển dụng từ xưa. Phần lớn đã lớn tuổi, lại bận công tác nên họ rất khó theo học, nếu có học thì cũng bữa được bữa không, không theo kịp chương trình nên việc thi rớt là dễ hiểu”.

Một TS ở xã Hòa Tú 2 cho biết: “Chúng tôi cũng muốn học nhưng do trường ở địa phương không mở lớp học hay ôn thi mà tập trung về huyện học tại trung tâm GDTX. Trong khi đó, đường sá đi lại khó khăn, công tác bận rộn, rồi nhiều lý dó khác nữa nên chúng tôi không thể khăn gói lên huyện theo học được nên kết quả thi không được tốt”.

Lý giải nguyên nhân TS rớt nhiều, một lãnh đạo Trường THPT Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên) cho rằng: “Hầu hết TS ở hệ này không học đầy đủ, kịp thời chương trình. Họ đi thi theo dạng ghi tên dự thi nên rất khó đỗ”.

Được biết, chủ trương của địa phương là tập trung học, ôn thi cho những TS hệ GDTX tại địa phương nhưng “do số lượng TS đăng ký học quá ít nên chúng tôi không thể mở lớp được. Vì vậy thi không đạt kết quả cũng là điều dễ hiểu” - lãnh đạo Trường THPT Hòa Tú nói thêm.

Cơ sở cũng ngại…dạy

Theo công bố của các tỉnh thành, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của hệ GDTX giảm mạnh.

Cập nhật tới thời điểm này cho thấy, “kỷ lục” đỗ thấp nhất thuộc về Trung tâm GDTX huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) với tỷ lệ 12,5% (trượt 87,5%).

Tại Đà Nẵng cũng ghi nhận trung tâm GDTX Hòa Vang có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 28,73% (trượt 72,7%).

Một số nguyên nhân khác cũng được nhiều giáo viên đề cập tới: Thứ nhất, việc quy định không cho phép trung tâm GDTX tổ chức riêng một hội đồng thi như trước đây nên kỷ luật phòng thi nghiêm túc và bài bản hơn, chịu sự giám sát tốt hơn của giám thị nên TS không thể “quay” tài liệu để làm bài. Thứ hai, chất lượng đầu vào của TS hệ này cơ bản là thấp.

Một giáo viên ở Trường THPT Mỹ Xuyên nói vui: “Nếu thực sự có học lực trung bình hay yếu một chút thì đã đỗ rồi chứ không phải thi tới 4-5 lần”.

Một giáo viên ở thị xã Vĩnh Châu làm nhiệm vụ coi thi nói vui: “Với nhiều TS hệ GDTX, cho họ đưa tài liệu vào phòng thi chưa chắc đã biết sử dụng thì làm sao làm bài tốt được”. Điều này cũng cho thấy thực tế rất đáng lo ngại về trình độ của công chức cấp xã ở vùng sâu.

Tuy nhiên, với nhiều cán bộ giáo dục ở hệ bổ túc thì lỗi một phần cũng do cơ sở giáo dục. Bà Trương Thị Bích Ngân - cán bộ đào tạo Trung tâm GDTX huyện Châu Thành (Sóc Trăng)- đơn vị có tỷ lệ đỗ khá cao, cho biết: “Thực ra TS chỉ cần cố gắng một chút, các trung tâm tổ chức cho họ học đầy đủ chương trình, đúng bài bản như ở hệ giáo dục THPT. Kết thúc chương trình cũng cần tổ chức ôn tập cho các TS để họ có thể làm bài đạt kết quả cao”.

Trong số 6/33 TS ở Trung tâm GDTX huyện Mỹ Xuyên đỗ tốt nghiệp, TS Âu Trường An, công tác tại phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tôi biết thi ở hệ GDTX không dễ như trước đây nên ngoài giờ làm việc, tôi tranh thủ tự học bài, tìm tài liệu để tham khảo thêm. Vì vậy, kết thúc kỳ thi tôi cũng thấy yên tâm”.

Theo Sao Khuê
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG