Đó là thông tin tại buổi họp báo thường kỳ BHXH Việt Nam ngày 29/11, do ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cung cấp.
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đây là những con số rất đáng suy ngẫm về tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Mặc dù, tình trạng trục lợi quỹ BHYT đã có sự kiểm soát nhưng thực tế vẫn diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điều đó cho thấy “cuộc chiến” chống trục lợi quỹ BHYT vẫn còn nhiều gian nan.
Trường hợp như bệnh nhân M.B.N. (ở TPHCM), đi khám hơn 200 lần, với số tiền BHYT chi trả là 143,2 triệu đồng.Mặc dù, BHXH TPHCM đã có nhiều biện pháp gặp gỡ nói chuyện, trao đổi, chia sẻ nhưng bà M.B.N. vẫn xem việc đi khám bệnh BHYT như một nghề. Các cơ sở y tế khám chữa bệnh đã “nhẵn mặt” bệnh nhân N. nhưng vẫn phải tiến hành khám bệnh.
Ông Phạm Lương Sơn, cho biết thêm, tính đến tháng 11/2017 có hơn 41 nghìn người được quỹ BHYT chi trả từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, đặc biệt có 27 người được quỹ BHYT chi từ 1 – 4,5 tỷ đồng (trong số này chủ yếu là những bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư máu).
Lũy kế đến hết tháng 10/2017, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 217.783 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 34.171 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 105.736 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 4.850 tỷ đồng và chi KCB BHYT 73.026 tỷ đồng.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN gần 80 triệu người, trong đó, số BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người, đạt 95,2% so với kế hoạch giao, chiếm 24,2% so với lực lượng lao động, tăng 555 nghìn người (tương ứng với 4,4%) so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện: 220 nghìn người, đạt 58,9% so với kế hoạch giao, tăng 23.500 người (12%) so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Nguyễn Trí Đại, trưởng ban thu BHXH Việt Nam đánh giá, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt kết quả quá thấp. Trong 10 tháng đầu năm 2017, chỉ tăng được hơn 23 nghìn người. Vì vậy, cần phải có nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội nhằm đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.