Hơn 2.000 cầu dân sinh xoá cảnh cô giáo chui túi nilong, đu dây vượt suối

Cầu thôn Sát bê tông cốt thép kiên cố được xây dựng với chi phí chỉ 3,7 tỷ đồng nhưng giúp xoá cảnh sang suối bằng bè, lũ lên bị cô lập
Cầu thôn Sát bê tông cốt thép kiên cố được xây dựng với chi phí chỉ 3,7 tỷ đồng nhưng giúp xoá cảnh sang suối bằng bè, lũ lên bị cô lập
Sau sự kiện cô giáo chui túi nilong để quá suối tới trường (năm 2014), và hàng loạt phản ánh người dân phải đu dây vượt suối, chương trình cầu dân sinh đã ra đời và từng bước xoá bỏ cảnh tượng đó, gần 2.000 cầu đã được xây dựng trên cả nước và dự kiến sẽ có thêm hơn 2.400 cầu nữa sẽ được xây dựng.

Hết cảnh đau thương

Chúng tôi tới Thôn Sát (xã Ban Công, Bá Thước, Thanh Hóa), cây cầu dân sinh mới khánh thành ít ngày vẫn thoảng mùi sơn bắc qua suối Nủa. Phía dưới gầm cầu vẫn còn neo lại vài bè mảng của người dân được kết bằng thân cây luồng. Đó là phương tiện sang suối của hơn 500 hộ với hơn 4.500 nhân khẩu thuộc 4 thôn của xã trước khi có cây cầu bê tông kiên cố được dựng lên.

“Những bè mảng đó chỉ dùng được những khi suối cạn, còn khi nước lên, lũ về có khi còn trôi mất mảng nên không ai dám sang suối. Khổ nhất là những em học sinh, khi nước lên, thấy trường bên này sống chỉ cách 100m mà không sang được lớp. Còn người dân muốn đưa nông sản đi bán phải thuê người bốc vác thủ công xuống bè rồi từ bè lên bờ, nên chi phí cao”, Chủ tịch UBND xã Ban Công - Vi Văn Toản nhớ lại.

Từ ngày cầu Thôn Sát khánh thành, với chi phí đầu tư 3,7 tỷ đồng, dài hơn 77m, đã nối thông người dân của 4 thôn trong xã Ban Công với phần còn lại và tỉnh lộ đảm bảo giao thương thông suốt bất kể nắng, mưa. Ông Toản hy vọng dự án tiếp tục để đầu tư thêm 2 cầu rất cần thiết nữa tại xã.

Tương tự, cầu thôn Tân Hồ (xã Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang hoàn thiện những công việc cuối cùng để khánh thành. Dù cầu chưa khánh thành, nhưng người dân đã xin được mở rào chắn để qua lại thay vì đánh liều sang suối như trước đây. Đó là vào tháng 9/2003, bốn học sinh thôn Tân Hồ chết đuối do chìm đò khi vượt sông tới trường, cả xóm bao trùm khăn tang, cũng chỉ bởi chưa có cầu.

“Khi chưa có cầu, người dân muốn sang vùng canh tác, hay đưa người quá cố sang nghĩa trang chôn cất phải đi bằng thuyền tự đóng. Khi nước lên đành ở nhà chờ nước rút. Đã rất nhiều tai nạn xảy ra khi vượt suối, như năm 1984, chị dâu tôi cũng mất vì chìm đò, hay vụ đắm đò chở học sinh năm 2003. Dù ai cũng sợ khi đi đò sang sông, nhưng vì miếng cơm manh áo và con chữ, họ lại tặc lưỡi qua sông. Nhưng từ nay có cầu, những tai nạn đó sẽ không còn nữa”, ông Nguyễn Dung (71 tuổi, thôn Tân Hồ, xã Sơn Tân) chia sẻ.

Hơn 2.000 cầu dân sinh xoá cảnh cô giáo chui túi nilong, đu dây vượt suối ảnh 1

Những cây cầu dân sinh giúp xoá bỏ cảnh đu dây sang suối, bị cô lập mỗi mùa mưa lũ, rủi ro tính mạng mỗi khi đi đò sang sông

Cầu nhỏ ý nghĩa lớn

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, làm mới 2.174 cầu khu vực miền núi. Tới nay đã triển khai đồng loạt tại 51 tỉnh thành.

Sau 3 năm thực hiện, đã khởi công xây dựng 1.972 cầu dân sinh (đạt 91% kế hoạch), trong đó hoàn thành 1.200 cầu (đạt 55%). Dự kiến, hết năm nay sẽ hoàn thành thêm 600 cầu nữa. Dự kiến hết năm 2019, tổng giá trị giải ngân cho các cầu dân sinh đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Là một trong những đơn vị đại diện cho chủ đầu tư thực hiện cầu dân sinh, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Theo đánh giá của WB và các địa phương, cho đến nay dự án cầu dân sinh triển khai rất hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi đi lại cũng như sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa. Các điểm vượt sông, suối mất an toàn giao thông đã được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Hơn 2.000 cầu dân sinh xoá cảnh cô giáo chui túi nilong, đu dây vượt suối ảnh 2

Nhu cầu cả nước vẫn cần đầu tư thêm hơn 2.400 cầu dân sinh. Ảnh cầu thôn Tân Hồ (xã Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

“Nhờ vào việc kết hợp Nhà nước, chính quyền và người dân cùng làm các cầu dân sinh, kết quả đạt được của dự án LRAMP là tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu so với nhu cầu thực tế là rất lớn, trong khi ngân sách của các địa phương mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ,” ông Hải thừa nhận, và hy vọng thêm nhiều cầu nữa được dựng lên xoá thế cô lập của các vùng bị suông suối ngăn cách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, từ sự hiệu quả của dự án, đề xuất của các địa phương, Tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị bổ sung Dự án LRAMP giai đoạn 2 vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2015 và đề xuất tiếp tục vay vốn ODA của WB. Trong đó, hợp phần xây dựng cầu dân sinh có tổng mức đầu tư dự kiến cần hơn 6.000 tỷ đồng đề xây thêm khoảng 2.438 cầu.

Theo Quyết định 2529/QQD-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020. Chương trình dự kiến xây dựng 4.145 cầu dân sinh, tổng vốn đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Trong đó, Dự án LRAMP sử dụng vốn vay ODA của WB và vốn đối ứng của Việt Nam đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng để xây dựng khoảng 2.174 cầu; đầu tư nâng cấp hơn 676km đường địa phương với số vốn hơn 3.200 tỷ đồng…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.