Hơn 20 người bị vùi khi mót quặng

Hơn 20 người bị vùi khi mót quặng
TP - Chiều tối qua, trao đổi với Tiền Phong, ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, vụ sạt lở đất đá ở xã La Pán Tấn sáng 7-9, khiến hơn 20 người chết, mất tích.

> Tranh cướp quặng vàng, hai người nhập viện

Vụ sạt lở diễn ra khoảng hơn 10 giờ sáng hôm qua, khi một nhóm người dân của xã La Pán Tấn vào khu vực khai khoáng (thuộc Cty TNHH Thịnh Đạt) để mót, nhặt quặng. Do mưa lớn từ hôm trước, làm đất đá chuồi, sập taluy khiến nhóm người bị vùi lấp.

“Huyện đã chỉ đạo đi hỏi người thân các hộ trong xã để kiểm đếm người, bước đầu xác định khoảng hơn 20 người bị lấp. Đến 19 giờ hôm qua, đã tìm thấy 14 thi thể, trong đó có 13 người là dân địa phương, một người là bảo vệ của Cty Thịnh Đạt”- ông Giàng A Tông nói.

Sau khi có thông tin, huyện đã huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, người dân… đi bộ đến hiện trường (do xe không vào được), huy động phương tiện cơ giới tại chỗ của Cty TNHH Thịnh Đạt để tìm kiếm cứu nạn. Từ trung tâm xã vào điểm sạt lở phải đi bộ mất khoảng 2 tiếng rưỡi, trời mưa, đường núi khó đi, sóng điện thoại chập chờn, nên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo huyện Mù Cang Chải, khu vực bị sạt lở được cấp phép cho Cty TNHH Thịnh Đạt. Tuy nhiên do vào mùa mưa, khả năng sạt lở cao, nên Cty đã tạm dừng hoạt động. Huyện, xã cũng đã có chỉ thị, cấm người dân vào khu vực khai khoáng vào mùa này, vì nguy cơ sạt lở rất lớn, tuy nhiên, nhiều người dân ở đó vẫn cố tình vào khu vực khai khoáng.

Thanh Hóa: Thêm ba người chết sau mưa lũ

Thêm ba người chết do mưa lũ làm đất sạt lở vùi lấp xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh và Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đưa số người chết và bị thương vì mưa lũ trên địa bàn tỉnh lên 6 người.

Ông Lê Văn Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: 2 người chết do mưa lũ làm đất sạt lở vùi lấp. Nước lũ đã cuốn trôi 26 nhà, hư hỏng, sập nhiều nhà, hơn 1.000ha lúa, hoa màu bị phá hỏng hoàn toàn; hệ thống đường giao thông từ thị trấn đi xã Yên Khương, Lâm Phú sạt lở, chia cắt. Ước tính thiệt hại cả huyện hơn 2 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Sơn - Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc cho biết: Mưa lũ đã cuốn trôi, làm chết 1 người. Nhiều tài sản, hoa màu, các công trình thiệt hại với ước tính hơn 13 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, tình trạng nước ngập không còn nhưng do nước lũ về nhanh người dân không kịp di chuyển tài sản, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Nghệ An: 3.667 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu hư hại

Báo cáo nhanh của Ban PCLB tỉnh Nghệ An cho thấy, đến ngày 7-9, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn toàn tỉnh, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu hư hại.

Sở Giao thông vận tải Nghệ An ngày 7-9 cho biết, tỉnh lộ 534 nước ngập sâu 0,85m tại Km10+800; Cầu tràn Hiếu ngập sâu 4,2m, gây ách tắc giao thông; cầu Tràn Dinh bị ngập trên 1,6m tại Km56+900.

Toàn tỉnh có 3 căn nhà bị lũ cuốn trôi; 3.667 ngôi nhà ngập chìm trong nước, trong đó có 4 xóm của xã Long Thành, huyện Yên Thành bị lũ cô lập. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ với hàng chục ngàn hécta lúa ngập nước, thiệt hại rau màu; Vỡ đập Khe Su tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

Theo Ủy ban Quốc gia TKCN, đến 18 giờ hôm qua, mưa lũ trên địa bàn từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh làm 11 người chết, trong đó, Ninh Bình 1 người, Thanh Hóa 4, Nghệ An 4, Hà Tĩnh 2), một người mất tích (Thanh Hóa).

Việc tìm kiếm 7 người mất tích trên tàu vận tải Hoàng Thịnh, biển kiểm soát NĐ 2222 (9 thuyền viên) chưa có kết quả. Lúc 18h15 ngày 6-9, tàu Cảnh sát biển đã xuất phát và có mặt ở hiện trường lúc 23h cùng ngày, phối hợp với tàu SAR 411 tìm kiếm cứu nạn 7 thuyền viên mất tích của tàu trên. Hiện tàu cảnh sát biển và tàu SAR-411 vẫn tiếp tục tìm kiếm.

Ngoài ra, đến sáng qua 7-9, các lực lượng TKCN cũng cứu thành công tàu cá QNa 36568 bị hỏng máy (chiều 6-9), trôi dạt cách cửa Sót (Hà Tĩnh) khoảng 1 hải lý.

Bắc Trung Bộ lụt lớn, lũ tiếp tục lên

Hà Nội (TP) - Đợt mưa to đến rất to mấy ngày qua khiến các tỉnh Bắc Trung Bộ lụt lớn và lũ các sông tiếp tục lên dù mưa bắt đầu giảm, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 5-9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Tính đến trưa 7-9, lượng mưa đo được phổ biến từ 150- 400mm, một số nơi cao hơn như Cửa Đạt 457mm, Vinh 496mm, Đô Lương 514mm.

Mưa đã gây một đợt lũ lớn và rất lớn trên các sông suối, mực nước vượt báo động I đến xấp xỉ báo động III; ngập lụt diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng. Tại thành phố Vinh chỉ trong vòng 12 giờ (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối 6-9) lượng mưa đo được xấp xỉ 300 mm đã gây ngập lụt từ 0,3 đến 1 m.

Từ trưa 7-9, mưa đã giảm đáng kể. Từ hôm nay (8-9), mưa dứt hẳn, trời nắng ráo. Tuy nhiên lũ trên các sông vẫn còn tiếp tục lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG