Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 1.000m3 gỗ công sản phơi nắng mưa dẫn đến mục nát gần hết
Hơn 1.000m3 gỗ công sản phơi nắng mưa dẫn đến mục nát gần hết
TPO - Sau một thời gian dài để hơn 1.000m3 gỗ công sản bị mục nát do không được bảo quản, UBND huyện Ea Súp đã quyết định chi hơn 114 triệu đồng làm kinh phí để kiểm đếm, xác định lại khối lượng.

Ngày 9/10, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk cho biết, huyện đã lên phương án tổ chức kiểm đếm lại số lượng gỗ (hơn 1.000m3 gỗ-PV) do doanh nghiệp trực tiếp trục vớt tại lòng hồ Ea Súp hạ.

Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại ảnh 1

UBND huyện Ea Súp xin kinh phí để kiểm đếm, xác định lại khối lượng gỗ mục nát

“Kế hoạch kiểm đếm lại đã có nhưng do giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phước Lợi đang ở vùng dịch Đồng Nai, nên chúng tôi chưa thể tiến hành kiểm đếm để xác định lại khối lượng. Quan điểm của chúng tôi làm đúng theo quy định của pháp luật”, ông Nhiệm cho hay.

Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại ảnh 2

Trong số hơn 1.000m3 gỗ công sản, hầu hết đã bị mục nát

Cũng theo ông Nhiệm, hơn 1.000m3 gỗ này, tài sản phần lớn của doanh nghiệp nằm trong đó (kinh phí trục vớt khoảng hơn 1 tỷ đồng-PV). Sau khi bán đấu giá xong lô gỗ trên, trừ đi chi phí của doanh nghiệp, số còn lại là tiền của nhà nước.

Trước đó, UBND huyện Ea Súp trình văn bản xin ý kiến Thường trực Huyện ủy và HĐND huyện Ea Súp sử dụng hơn 114 triệu đồng từ kinh phí ngân sách dự phòng năm 2021 để thực hiện kiểm đếm, xác định lại khối lượng gỗ đã trục vớt từ lòng hồ Ea Súp hạ. Mục đích của việc làm này là để đánh giá lại chất lượng của số lượng gỗ hiện có đang cất giữ tại nhà của một hộ dân ở thị trấn Ea Súp.

Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, UBND huyện đã ra quyết định chi khoản tiền nói trên để thực hiện nhiệm vụ.

Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại ảnh 3

Quản lý tài sản công theo kiểu "cha chung không ai khóc" khiến hơn 1.000m3 gỗ bị mục nát

Trước đó, báo Tiền Phong đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về việc hơn 1.000m3 gỗ công sản mục nát do chính quyền tắc trách.

Hồ sơ thể hiện, năm 2011 DNTN Phước Lợi (tại thôn 7, thị trấn Ea Súp) có tờ trình UBND huyện Ea Súp xin trục vớt, tận thu gỗ cành ngọn còn sót lại ở hồ Ea Súp hạ và được chính quyền đồng ý. Tổng khối lượng được trục vớt hơn 1.000m3 gỗ, từ nhóm II đến nhóm VIII. Tổng giá trị tài sản gần 1,9 tỷ đồng.

Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại ảnh 4

Phần lớn gỗ không còn giá trị sử dụng

Tuy nhiên, số gỗ khi được vớt lên không được bảo quản ở các kho bãi, mà để tại vườn nhà dân phơi nắng mưa. Cùng với yếu tố tác động của môi trường, lượng lớn gỗ đã bị hao hụt và cách quản lý của chính quyền địa phương theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến hơn 1.000m3 gỗ trên mục nát gần hết.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát số 6 (HĐND huyện Ea Súp), hiện toàn bộ số gỗ trục vớt này còn khoảng 350m3. “Do tài sản không còn nguyên trạng, đa phần bị mục nát… nên việc tổ chức kiểm đếm, đánh giá lại chất lượng gỗ còn lại gặp nhiều khó khăn”- báo cáo nêu.

Hơn 1.000m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát: Chi thêm ngân sách kiểm đếm lại ảnh 5

Hiện trạng hơn 1.000m3 gỗ công sản ở huyện Ea Súp

Trong khi đó, DNTN Phước Lợi liên tục gửi đơn yêu cầu UBND huyện Ea Súp hoàn trả tiền công mà họ đã trục vớt số gỗ trên theo thỏa thuận trước đó.

MỚI - NÓNG