Hôm nay chấm thi tốt nghiệp: Các địa phương chống tiêu cực thế nào?

Chấm thi tự luận Ảnh: Diệp An
Chấm thi tự luận Ảnh: Diệp An
TP - Ngày 11/8, theo kế hoạch, các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp đợt 1 chính thức chấm thi.

Hôm qua, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra thi của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết, chiều nay, Hội đồng chấm thi của tỉnh rọc phách bài thi tự luận (môn Ngữ văn) và bắt đầu chấm bài thi trắc nghiệm (8 môn còn lại). Bài thi tự luận được chấm chính thức từ ngày 13/8 với 90 cán bộ tham gia chấm, dự kiến hoàn thành trong 1 tuần.

Theo bà Tuyến, các phòng chấm tự luận hay trắc nghiệm, phòng hội đồng đều có camera giám sát 24/24h trong suốt quá trình chấm thi. Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nói: “Tiêu cực của Hòa Bình năm 2018 xảy ra lúc chấm thi.

Khâu tổ chức thi có thể an toàn, nhưng làm thế nào để chấm thi cũng an toàn, không xảy ra tiêu cực nữa, tôi cũng rất lo. Tuy vậy, tôi cũng tin tưởng quy chế thi năm nay rất chặt chẽ, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra. Chúng tôi xin hứa với Bộ, Thủ tướng là cố gắng hoàn thành kỳ thi đảm bảo kết quả khách quan, trung thực”.

Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, cho biết, hôm nay, thành phố cũng tổ chức chấm thi, dự kiến 20/8 sẽ chấm xong, 27/8 công bố điểm. Theo ông Tiến, Sở tổ chức làm phách bài thi tự luận hai vòng. Toàn bộ cán bộ làm phách vòng hai sẽ được cách ly đến khi kết thúc chấm. Trong quá trình chấm thi, lực lượng PA03-Công an Hải Phòng sẽ giám sát chặt chẽ. Đối với bài thi tự luận, chấm lượt đi và lượt về độc lập. Nếu có thay đổi hoặc có điều bất thường, Hội đồng sẽ rà soát vòng ba và có thể kiểm tra đối chứng giữa lượt chấm đi và lượt chấm về.

Nâng cấp phần mềm, siết quy trình chấm thi

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, về chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã gửi phần mềm cho các địa phương từ sớm. Việc chấm thi trắc nghiệm được đảm bảo cả mặt kỹ thuật lẫn quy trình. Về mặt kỹ thuật, bài thi trắc nghiệm được thực hiện trên máy.

Năm nay, Bộ GD&ĐT nâng cấp phần mềm chấm thi theo hướng thông minh hơn, vấn đề bảo mật thông tin được nâng lên một bước. Phần mềm còn hỗ trợ phát hiện lỗi, sai sót. Theo đó, các bài thi được đánh phách điện tử. “Tất cả dữ liệu đầu vào, dữ liệu trung gian, dữ liệu đầu ra trong quá trình chấm thi đều được mã hoá, mã chỉ được giải bởi những người có trách nhiệm với bộ công cụ tương thích.

Một lưu ý nữa là tất cả mọi tác động trên phần mềm đều bị lưu vết để sau này hỗ trợ việc tìm lại lịch sử hoạt động phần mềm để xử lý khi cần thiết”, ông Trinh nói. Về mặt quy trình, năm nay, Bộ GD&ĐTđã hoàn thiện thêm một bước. Kế thừa hiệu quả năm ngoái, máy sẽ quét từng túi bài thi với tốc độ cao. Ngay sau đó, bài thi quét xong sẽ được niêm phong lại ngay. Quá trình đó có sự chứng kiến của thanh tra và sự giám sát của lực lượng an ninh.

Ông Trinh cho biết, để tránh sai sót ở khâu cập nhật điểm như năm ngoái tại địa phương, năm nay, Bộ nâng cấp phần mềm, có thêm phần phát hiện, sửa lỗi trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm bằng máy. Bộ GD&ĐT yêu cầu các hội đồng thi cập nhật lên hệ thống thi tình trạng vắng thi, bị đình chỉ thi của thí sinh. Việc này liên quan thống kê điểm thi của thí sinh sau này, ông nói.

Hôm qua, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, bài thi tự luận sẽ được chấm 2 vòng độc lập và có bộ phận kiểm tra 5% số bài đã chấm. “Chúng tôi rất quan tâm đến những bài thi điểm thấp (1-2 điểm) và điểm cao (9-10 điểm)”, ông nói. 
NGUYỄN DŨNG

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.