Vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho tiền tuyến lớn miền Nam |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường Trường Sơn đóng vai trò to lớn, giúp hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia.
Cách đây 50 năm, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương: “Mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để đảm bảo chi viện cho cách mạng miền Nam”.
Ngày 19/5/1959, Tổng Quân uỷ Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn), làm nhiệm vụ mở đường giao thông quân sự vào miền Nam, dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa cán bộ, bộ đội hành quân vào chiến trường...
Qua 16 năm mở đường (1959 - 1975), bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển, chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hoá và 5,5 triệu tấn xăng dầu.
Cùng với đó, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã đảm bảo cho 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương, bệnh binh.
Đến năm 2020, Đường Hồ Chí Minh sẽ được kéo dài và mở rộng hoàn chỉnh toàn tuyến, với đường cao tốc và đường ô tô thường qua 30 tỉnh có chiều dài 3.167km, nối dài từ Pắc Bó, Cao Bằng đến Năm Căn, Cà Mau.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư tới chúc mừng Hội thảo. Bức thư nêu rõ: “Đường chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, một kỳ tích của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Con đường huyền thoại đó là tuyến giao thông chiến lược huyết mạch, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, đồng thời là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch”.