Hơn hai tháng sau khi lũ đi qua tại một số tỉnh miền Trung, những mất mát thiệt hại nặng nề vẫn còn nguyên dấu ấn, trong đó có ngành Giáo dục. Nhiều trường học vẫn phải đối diện với cơ sở vật chất bị phá hủy, các giờ học của giáo viên và học sinh thiếu thốn về thiết bị, đồ dùng giảng dạy.
Đồ dùng, đồ chơi trường mầm non hư hỏng do ngập trong bùn lũ. |
Khó thêm khó
Cuối tháng 12, én đã về, cây đã khoác lên mình màu xanh và các trường học nằm 2 bên bờ sông Ngàn Phố (Hương Sơn), Ngàn Trươi (Vũ Quang), Ngàn Sâu (Hương Khê) đã hồi sinh sau lũ. Con đường đến trường bùn đất được dọn dẹp, bước chân học sinh đã bớt đi nỗi gian
truân. Những thiệt hại, mất mát đã dần dần được bù đắp. Nhưng với giáo dục, thiệt hại lớn nhất sau lũ là một số trường như Mầm non Hà Linh, Tiểu học Hà Linh, Hương Thuỷ, Hương Đô (Hương Khê - Hà Tĩnh)... ở vùng rốn lũ vốn đã khó khăn, lại thêm nhiều thiết bị dạy học hoặc bị nước lũ cuốn trôi hoặc chôn vùi xuống bùn đất.
“Đổi mới phương pháp dạy học mà dạy - học chay là không thể được. Trước tình hình đó, chúng tôi đã tìm mọi cách để huy động các nguồn lực như huy động cán bộ, giáo viên làm đồ dùng dạy học, huy động các trường tiết kiệm mua sắm thiết bị và liên hệ với các nhà hảo tâm, nhưng kết quả thấp.
Nguồn tự làm đồ dùng rất khiêm tốn và chỉ đáp ứng được rất nhỏ những đồ dùng đơn giản như tự vẽ bản đồ, làm đồ dùng từ mảnh xốp, lon bia cho các cháu mầm non, mẫu giáo. Còn ở cấp Tiểu học, sách vở, thiết bị giảng dạy, máy móc để trình chiếu... các thầy cô không thể tạo ra được” - Thầy Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng GD & ĐT Hương Khê trao đổi.
Mặt khác, để huy động nhân dân cùng vào cuộc xã hội hóa giáo dục trong thời điểm này cũng chỉ đạt hiệu quả phần nào. Bởi đa số phụ huynh đều là nông dân nghèo, cũng chịu thiệt hại nặng nề từ cơn lũ nên việc đóng góp cũng khó khăn. Có chăng các phụ huynh chỉ có thể giúp đỡ các nhà trường bằng những ngày công lao động dọn dẹp vệ sinh, sơn sửa... lại trường lớp.
Chính vì vậy, sau lũ không chỉ những trường nằm trong vùng rốn lũ mà nhiều trường học bị thiệt hại do lũ cũng đứng trước thách thức về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học thiếu đồng bộ, không đáp ứng được dạy học. Những đồ dùng còn lại bị chắp vá, sử dựng vào giảng dạy sẽ không mang lại hiệu quả cao. Ảnh hưởng tới tâm lý giảng dạy của giáo viên cũng như sự tiếp nhận và hiệu quả học tập của học sinh.
Yêu cầu đòi hỏi khắc phục về thiết bị giảng dạy của các trường học sau lũ là vô cùng cấp thiết song cái khó bó cái khôn, đòi hỏi sự đồng hành của các cấp, ngành, người dân trong xã hội.
Đồng hành cùng giáo dục
Như hiểu được những khó khăn của thầy và trò vùng lũ, nhiều cá nhân và tập thể đã mang đến những tình cảm chân thành, cùng đồng hành hỗ trợ với ngành Giáo dục.
Có những chuyến xe chở thiết bị về Hương Sơn, đến Sơn Trà chưa thông tuyến do quãng đường tránh bị ngập mà cầu cũ đã hỏng nên đành phải quay trở lại đi đường khác. Hoặc có những chuyến chở thiết bị đến Kỳ Anh, Hương Sơn hay Hương Khê trời mưa như trút, nên công tác bảo vệ thiết bị vô cùng gian nan. Lại có khi đến cơ sở đường hẹp, xe không vào được tận trường, mọi người lại phải tăng bo, bốc dỡ, khuân vác thiết bị |
Chia sẻ lý do dành nguồn tài trợ lớn đầu tư mua sắm thiết bị cho các trường mầm non, tiểu học, bà Diệu Tâm – Đại diện Công ty TNHH Vũ Hương (Nghệ An) và Phúc Hưng (TP.HCM), hai đơn vị đã dành gần 6 tỷ đồng tiền thiết bị dạy học trao cho các trường mầm non, tiểu học bị ngập lũ và các trường miền núi vùng sâu, khó khăn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cho biết: “Tôi đã đến nhiều trường học ở Nghệ An và Hà Tĩnh sau lũ, chứng kiến những ngôi trường ngập sau lũ, chứng kiến cảnh các cô giáo gạt bùn phơi sách, phơi đồ dùng dạy học bị ướt, chứng kiến gương mặt hốc hác của các cô giáo vùng lũ, những giọt nước mắt đầy trách nhiệm của họ khóc khi mất hết đồ dùng dạy học nên chúng tôi quyết định dành kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học hỗ trợ các trường khó khăn. “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vì vậy chúng tôi cũng thể hiện tinh thần đó bằng hành động cụ thể”.
Tới Hà Tĩnh những ngày sau lũ, tận mắt được chứng kiến nhiều cầu cống bị như hỏng, nhiều đoạn đường tắc nghẽn do sạt núi... mới thấy hết những khố khăn do thiên nhiên đem lại cho con người. Chính vì vậy, việc vận chuyển những thiết bị dạy học đến với các trường mầm non, tiểu học ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu đã khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Cũng chính bởi những khó khăn như vậy nên mặc dù đã cuối tháng 12 và sắp bước vào dịp lễ Tết song các trang thiết bị hỗ trợ cho các trường mầm non, tiểu học tại một số huyện ở miền Trung vẫn đang hối hả trên đường đến tận trường và bàn giao tới tận tay các thầy cô giáo và học sinh mau chóng ổn định hoạt động dạy và học.
Cánh én mùa xuân
Cho đến nay, đã có 156 trường học mầm non, tiểu học ở 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh được tặng thiết bị dạy học từ các nhà hảo tâm. “Thiết bị này đồng bộ, được sản xuất theo chương trình sách giáo khoa cải cách nên rất dễ sử dụng. Đặc biệt thiết bị không chỉ dùng cho giáo viên mà đến tận tay từng học sinh”. Thầy nguyễn Quốc Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học (Sơn Lộc, Can Lộc) nhấn mạnh.
Còn cô Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Nam Đàn cho biết: “Những đồ dùng, thiết bị dạy học đã đến với chúng tôi sau lũ, kịp thời động viên, khuyến khích chúng tôi nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là góp phần làm sinh động, tạo nên hứng thú cho HS học tập”.
Thầy Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng GD & ĐT Hương Khê đã ví von hình ảnh những thiết bị dạy học ấy như những cánh én mùa xuân về với vùng đất lũ. Con đường truyền dạy và đến với tri thức của giáo viên, học sinh vùng rốn lũ đã được tiếp sức và hồi sinh đúng lúc, hiệu quả và vô cùng cần thiết.
Theo Giáo dục thời đại