Hồi sinh sau dịch COVID-19: Để đường đời bớt chông chênh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau đại dịch COVID-19, hơn 2.500 trẻ em mồ côi tại TPHCM rất cần sự chung tay của cả xã hội để đường đời của các em bớt chông chênh.

Vừa sinh ra đã mồ côi…

Ở tuổi trên 60, bà Lưu Tuyết Thủy (ngụ TPHCM) lại một lần nữa bắt đầu hành trình “làm cha làm mẹ” bởi cách đây gần 8 tháng, đại dịch COVID-19 đã cướp đi con gái của bà sau khi cô cháu ngoại Nguyễn Phúc Nhật Vy chào đời. “Ngày Nhật Vy cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày chia tay vĩnh viễn ba mẹ vì COVID-19. Phận làm cha làm mẹ, hai vợ chồng tôi lại lần nữa làm cha làm mẹ với cháu Vy”, bà Thủy kể và cho biết, bà đã đặt tên ở nhà cho Nhật Vy là bé No bởi ông bà muốn cháu sau này lớn lên được no đủ vì không biết ông bà có thể nuôi nấng bé đến lúc nào.

Hồi sinh sau dịch COVID-19: Để đường đời bớt chông chênh ảnh 1

Ba bà cháu Nguyễn Thị Liên nương tựa nhau trong căn nhà trọ lụp xụp

Đồng cảnh ngộ, bé Bình An con anh Lê Văn Tài (quê ở Tiền Giang, đang làm việc ở TPHCM) lúc cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc chia tay mẹ. Nỗi đau mất vợ quá lớn, kèm với đó là cảnh gà trống nuôi con thơ khiến anh Tài gặp vô cùng khó khăn. May mắn thay, ông bà ngoại và cậu mợ ở Đồng Tháp đã chia sẻ, đón bé Bình An về chăm lo để anh Tài chuyên tâm công việc. “Mỗi lần nhắc lại nỗi đau là một lần rưng rưng nước mắt, chỉ mong sao cuộc sống sớm ổn định để nhanh chóng đón con gái Bình An về ở cùng ba”, anh Tài kể.

Với bé No hay Bình An, một lần mồ côi là quá đủ nhưng với ba chị em Tuyết Nghi, Nhật Hạ và Thiện Lâm, đại dịch COVID-19 khiến các bé vốn đã mồ côi cha mẹ, nay lại mồ côi thêm lần nữa khi người thân yêu đang nuôi dưỡng mình ra đi vì đại dịch. Cách đây 6 năm, người mẹ ruột sinh ra ba chị em Tuyết Nghi ra đi vì bệnh ung thư. Cả ba được dì hai (chị ruột của mẹ) đón về nuôi dưỡng. Thế nhưng, tháng 8/2021, COVID-19 đã cướp đi người mẹ nuôi của các em.

Lần này, anh Long (người cậu ruột) làm nghề giao hàng đang có ba người con đứng ra cưu mang ba chị em Tuyết Nghi. Trong căn nhà nhỏ giữa lòng thành phố sầm uất, gánh nặng đè lên vai người cậu khi phải lo cơm ăn, áo mặc cho 3 con của mình và 3 đứa cháu.

Tương lai những đứa trẻ mồ côi…

Trong căn nhà khá khang trang ở Khu phố 2, (P. An Phú Đông, Q. 12), bà Lê Thị Kim Hương gần 70 tuổi ngoài các công việc thường ngày thì nay phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ chăm lo bàn thờ và “làm cha” của hai đứa trẻ bởi cách đây hơn nửa năm, chồng và con trai đã ra đi vì dịch COVID-19. Nỗi đau mất chồng, mất con là quá lớn nhưng bà lão tóc bạc vẫn gắng gượng để chăm lo cho hai cháu nội, một cháu đang học lớp 12, một cháu đang học lớp 10.

“COVID-19 khiến hai trụ cột chính của gia đình ra đi khiến căn nhà giờ đây chỉ còn cái vỏ bên ngoài. Cuộc sống của ba bà cháu nay chỉ còn trông cậy vào 6-7 triệu đồng tiền cho thuê 2 căn phòng trọ. Từ ngày mất bố, cả hai ít nói, ít giao tiếp hẳn, đi học về là vào phòng. Với cháu lớn, sắp tới thi đại học nhưng cháu cũng rất mông lung, chưa biết chọn ngành nào, trường nào để học”, bà Hương tâm sự.

Cách đó không xa (cũng ở trong Khu phố 2, P. An Phú Đông) là hoàn cảnh của ba bà cháu bà Nguyễn Thị Liên. Dịch COVID-19 đã cướp đi người con trai, người cha của hai đứa trẻ Đào Nguyễn Như Ý và Đào Nguyễn Anh Vũ. “Mẹ bỏ theo người khác cách đây 4 năm, khi ấy Như Ý chỉ mới 8 tuổi còn Anh Vũ cũng chỉ lên 2. Thấy ba cha con cực khổ, tôi đón về căn nhà trọ lụp xụp ở chung để phụ giúp lo cho cháu”, bà Liên rưng rưng kể.

Giờ đây, người bà ngót 65 tuổi vẫn hàng ngày lặn lội, đội nắng đội mưa đi phụ hồ. Với Như Ý, dù chỉ mới 12 tuổi nhưng dịch bệnh nghỉ học dài ngày, cộng với buồn chuyện gia đình khiến em cũng không còn tâm trí để học. Cô bé nghỉ học đi làm công cắt chỉ cho xưởng may gần nhà với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, phụ bà lo cho cậu em Anh Vũ sẽ nhập học lớp 1 vào tháng 9 tới.

Bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch P. An Phú Đông, Q.12 cho hay, đợt dịch vừa qua, trên địa bàn phường có 4 trường hợp mồ côi cha mẹ. “Với những trường hợp này, phường đã trực tiếp hỗ trợ mỗi em 1 triệu đồng/ tháng, dự kiến sẽ kéo dài đến khi các em đủ 18 tuổi. Ngoài ra, phường cũng tiếp tục vận động các mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ, chăm lo cho các em, hy vọng sẽ bù đắp được phần nào thiếu thốn”, bà Lan nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.