'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi

0:00 / 0:00
0:00
'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi
TPO - Về phương án "hồi sinh" dự án bò nghìn tỷ ở Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và người dân mong muốn Sở, Ban ngành cần thẩm định kỹ về tính khả thi, hiệu quả của dự án. 

Dự án lắm bê bối!

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà được UBND Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với nguồn vốn 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò/năm, xây dựng trên diện tích 2.000ha tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 1

Chuồng không nhà trống bên trong dự án.

Dự án từng kỳ vọng sẽ phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động. Thế nhưng chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, dự án buộc dừng lại do không có hiệu quả. Năm 2017, chủ đầu tư chuyển đổi sang trồng chuối khi chưa được ngành chức năng cho phép. Nhưng dự án trồng chuối chưa kịp “khai sinh” thì đã “khai tử”.

Việc tái cơ cấu lại dự án bò sau nhiều năm bỏ hoang, ông Trần Văn Luận, thôn trưởng thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, dự án chăn nuôi bò nằm ở vùng thượng nguồn, sát nhà máy nước sạch đập Đá Hàn, vì thế nguy cơ ảnh hưởng môi trường rất lớn. Đặc biệt, đất đai dân bị thu hồi rất nhiều để "nhường" cho dự án, nhưng hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí, dân bức xúc.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Luận bức xúc khi nhắc đến dự án bò đầy tai tiếng.


“Trồng cỏ, nuôi bò, trồng chuối đã thất bại, nay nếu trồng dứa và ngô thì cũng không khả thi. Vì đất đai đây cằn cỗi, dốc đứng, một trận mưa nước đổ ào từ trên xuống thì hư hỏng hết hoa màu. Dân đây họ bức xúc, không ai tin tưởng vào sự phát triển của dự án nữa. Chúng tôi mong muốn dừng dự án lại", ông Luận nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho rằng, từ khi dự án đi vào hoạt động đến nay, chưa có đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương. Trong khi đó hàng trăm ha diện tích đất rừng của người dân đã bị thu hồi để nhường cho dự án.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 3

Dự án bò Bình Hà nhìn từ bên ngoài.

Ông Thành nói thêm, về phương án tái cơ cấu lại dự án, quan điểm địa phương đồng tình ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên khởi động mang lại hiệu quả như thế nào mới là chính. Bởi từ lâu nay dự án không khả thi gây mất tình hình an ninh, trận tự trên địa bàn.

“Nếu khởi động lại dự án mà không lấp kín hết diện tích thì phải thu hồi trả lại cho dân. Ngoài ra ưu tiến 80% lao động là người địa phương, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án, cùng với đó ngành chức năng phải thường xuyên tăng cường kiểm tra xem quy mô hoạt động có hiệu quả hay không. Tránh để lặp lại thất bại tương tự”, ông Thành nói.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 4

Cây cỏ mọc um tùm bên trong dự án bỏ hoang nhiều năm.

Còn ông Nguyễn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh cho biết, phía địa phương đồng tình "hồi sinh" lại dự án. Tuy nhiên, về tính khả thi của dự án, ngành chức năng cần thẩm định kỹ.

“Ở địa phương, chủ đầu tư đã trồng khoảng 50ha dứa, ngoài ra cũng đang chỉnh trang để tái đàn bò. Dự án lâu nay bỏ hoang gây ảnh hưởng lớn đến địa phương, mong rằng việc tái cơ cấu lại dự án phải được thẩm định chặt chẽ”, chủ tịch UBND xã Kỳ Tây cho hay.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 5

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đóng tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên).

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 6

Cảnh hoang tàn bên trong dự án

Cần đánh giá kỹ hiệu quả dự án

Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đưa ra phương án kinh doanh theo hai lĩnh vực chính là trồng ngô và trồng dứa; nuôi bò và trồng cỏ với tổng mức nhà đầu tư đưa ra dự kiến là khoảng 1.800 tỷ đồng. Hiện đã có hai đối tác là Công ty cổ phần Đỗ Lạng Sơn và Công ty Do Holdings ký kết hợp tác sản xuất trong lĩnh vực kinh doanh trồng ngô và trồng dứa. Tuy nhiên, hiện tại việc thẩm định năng lực của hai đối tác phụ thuộc hoàn toàn vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và chủ đầu tư dự án là Công ty Bình Hà.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 7

Giống bò từng được chủ đầu tư nhập về chăn nuôi, nhưng không mang lại hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có công văn gửi Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về làm rõ các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương Dự án Nuôi bò giống và bò thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, do dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn rất lớn, trong khi đó chủ đầu tư chỉ mới giải trình được phần tài sản cố định của Công ty (khoảng 700 tỷ đồng) và các đối tác dự kiến tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ dứa, ngô.

Chủ đầu tư chưa làm rõ được nguồn vốn đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi 35.000 con bò thịt, thị trường đầu ra của sản phẩm bò thịt; chưa nêu rõ năng lực tài chính, kinh nghiệm của các đối tác dự kiến tham gia hợp tác đầu tư với Công ty.

'Hồi sinh' dự án bò Bình Hà: Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu thẩm định tính khả thi ảnh 8

Dự án bò Bình Hà nhìn từ bên ngoài.

“Chính vì thế chưa có đủ cơ sở để đánh giá về tính khả thi và hiệu quả của dự án sau khi điều chỉnh”, Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị các Sở, Ban ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư làm rõ các nội dung trong phương án kinh doanh, để đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng tránh việc giao đất tiếp nhưng sau này lại phải đi xử lý hệ lụy.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.