Hội phết Hiền Quan: Vỡ trận, chấn chỉnh cách nào?

Dù được tuyên truyền tốt, hội Phết Hiền Quan 2018 vẫn vỡ trận. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Dù được tuyên truyền tốt, hội Phết Hiền Quan 2018 vẫn vỡ trận. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
TP - Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) khép lại bằng trận tranh cướp phết, chúi đầy kịch tích chiều 28/2, dù không đến mức đổ máu nhưng vẫn trong tình thế “vỡ trận”.

LẠI VỠ TRẬN

Gần 3h chiều sau các nghi thức tế lễ trong đền, đoàn rước phết bắt đầu rình rang băng qua con đê để ra bãi phết. Bãi phết năm nay vẫn là cánh đồng năm ngoái, được quây lại bằng những sợi dây mềm để ngăn người không phận sự. Ban tổ chức lựa ra 200 người chia làm hai đội thắt đai xanh, đỏ để tranh phết. Thể lệ được đọc ròng rã trong suốt thời gian diễn ra hội. Trước đó chiều 12 tháng Giêng, đoàn rước Hiền Quan rước ba quả phết ra bãi cho dân tranh cướp. Trong hơn tiếng đồng hồ chiều 13 tháng Giêng, đám đông tranh cướp xong ba quả phết và ba quả chúi.

Trong tinh thần quyết tâm siết quản lý lễ hội, ngày 28/2 Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thuỷ ký công văn khẩn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị tăng cường biện pháp an ninh, đảm bảo an toàn cho hội phết thậm chí còn mạnh dạn đề nghị dừng tổ chức nếu để xảy ra mất an toàn. Chính quyền UBND xã Hiền Quan, huyện Tam Nông và Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ trước lễ hội lên nhiều phương án, tăng cường lực lượng công an, quân đội bảo vệ đội phết, người dân. Ấy thế nhưng vỡ trận vẫn hoàn vỡ trận.

Khi đoàn rước phết từ đường ra, người dân vẫn đứng nghiêm chỉnh lắm, tuy nhiên ngay khi phết rời tay cụ tiên chỉ rơi xuống bãi phết cả đám đông hỗn loạn lao vào cướp. Người xem chả còn nhìn ra đội đai xanh đai đỏ đâu sất. Thanh niên cởi trần, nhiều người lộ hình xăm trổ ngổ ngáo hung hăng trong đám đông hỗn loạn. Trong lúc vác máy ảnh cố theo kịp đám đông, phóng viên còn thoáng thấy một cậu thanh niên co chân đạp vào người kế bên vì “ân oán” ngoài đời.

 Năm ngoái, cánh phóng viên đứng trên bờ đê xem cũng được một phen hoảng loạn vì đám người lao ào ào vượt qua con mương, càn quét lên bờ đê sang cả bên bãi sông. Năm nay chuyện phá rào dây mềm, tràn qua mương, qua ao bèo để bay theo quả phết lên đê nhanh chóng lặp lại. Có người xem hội cũng chịu tai bay vạ gió: Quả phết trong lúc tranh cướp bay ngay vào giữa trán nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Có người đen đủi hơn còn rơi cả máy ảnh trị giá vài chục triệu đồng xuống bùn, rồi thân thể bầm dập vì đám đông như vũ bão. Đám đông cướp phết sau một hồi hăng tiết chẳng khác nào đoàn quân thất trận: Từ đầu chí cuối như trâu đầm, ngồi phệt xuống thửa ruộng thở dốc. Trước khi về nhà, cả đám nhảy ùm xuống ao bèo rũ bùn. Có thanh niên rầu rầu vì không cướp được phết, bù lại lãi được con cá quả khá to bắt được trong lúc… tắm.

CHẤN CHỈNH

“Những hình ảnh bạo lực khi tranh phết do báo chí phản ánh như mọi năm đúng là chưa khắc phục được”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương nói với Tiền Phong. Ai kỳ vọng sự đổi thay sẽ sớm thất vọng khi tận thấy hoặc nhìn hình ảnh đám thanh niên ở Hội phết Hiền Quan, bởi khi tranh cướp người ta vẫn trèo lên nhau, giằng, ẩn mặt, thụi nhau cốt để cho đối phương rời quả phết. “Cái được nhất của BTC năm nay là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết chỉ người được chọn mới được cướp. Địa phương cũng tăng cường lực lượng công an để giữ an ninh. Để xảy ra đánh nhau thực sự thì không có, nhưng tranh nhau quyết liệt vẫn xảy ra”, bà Ninh Thị Thu Hương nói.

Nhà nghiên cứu dân gian Bùi Trọng Hiền phân tích, bản chất thời trung cổ “đả thương nhau là bình thường” nhưng ngày nay trở nên phản cảm. “Chúng ta lỡ phục dựng lễ hội phết cùng với cả nghìn lễ hội trong cả nước, làm sống dậy niềm tin thánh thần thời trung cổ kèm theo nhiều hành vi mê tín dị đoan, vì vậy xử lý gần như vô phương. Người dân và cộng đồng muốn giữ, xã hội nhìn vào thì phản cảm bởi trước mỗi tín ngưỡng mỗi người  nhìn một góc độ khác”, anh nói. Nếu không có sự thay đổi về cách thức tổ chức, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng không còn cách nào khác là “bó tay”.

“Muốn giải quyết triệt để, tôi nghĩ phải xây dựng đề án phục dựng lễ hội đúng truyền thống”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở nói. Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc. Trước hết là xét về quy mô lễ hội, theo bà Ninh Thị Thu Hương BTC như hiện nay làm không xuể: Số lượng người đổ về Hiền Quan rất đông nhưng không có sự phân luồng giao thông, hàng quán bên đường lộn xộn do không được phân khu. Đoàn rước từ đền ra ruộng phải đi qua đường nhưng không có phương án bố trí nên người dân đứng tràn lan, đội bảo vệ đoàn rước phết rất vất vả.

“Theo quan sát của tôi, rất ít người quan tâm tới nghi lễ tế trong đền bởi phần hội-cướp phết- đang quá mạnh”, bà Ninh Thị Thu Hương nói. Muốn đề cao nghi lễ theo bà Hương không thể có chuyện tổ chức rình rang cướp trong hai ngày như hiện nay, cũng không thể khư khư giữ cách tung phết ra cho người ta tranh cướp. Không riêng cướp phết, Bộ VHTTDL đề nghị một loạt các lễ hội nóng như chọi trâu Đồ Sơn cần thay đổi phương thức tổ chức, coi trọng phần nghi lễ hơn nữa.

Công văn số 691 do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ ký ngày 28/2 gửi UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, đề xuất phương án phục dựng lễ hội đúng với nghi thức của lễ hội truyền thống đảm bảo văn minh, lành mạnh”. Bộ cũng nhắc tới sự việc để xảy ra hỗn loạn, tranh cướp không theo kế hoạch của địa phương đề ra nhằm chấn chỉnh lễ hội Phết.

MỚI - NÓNG