KICSS 2019 được mở đầu bằng talkshow “Nguồn nhân lực trong chuyển đổi kỹ thuật số” với sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Tú Bảo - chuyên gia đầu ngành về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu cao cấp về toán; Tiến sĩ Vũ Tường Thụy - chuyên gia viễn thám và Công nghệ thông tin địa lý, Phó Hiệu trưởng HSU; ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Dự án Hợp tác các trường Đại học khu vực miền Trung và miền Nam, Vintech City (Tập đoàn Vingroup) cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
Tại Hội thảo, GS- TS Hồ Tú Bảo, chuyên gia đầu ngành về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số trong đó chuyển đổi kỹ thuật số là điều cần thiết. Chuyển đổi kỹ thuật số có thể được hiểu là sử dụng dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số để thay đổi toàn diện mô hình phát triển và cách chúng ta sống và làm việc.
Theo ông Bảo, hai yếu tố chính để tạo đà phát triển là kỹ thuật và con người. “Mặc dù có nhiều dữ liệu xung quanh chúng ta hơn bao giờ hết và các công nghệ kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh nhưng có sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ thông tin ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam”, ông khẳng định.
Ông Bảo cũng cho rằng việc cải thiện chương trình đạo tạo sát với thực tế là việc làm cần thiết của các trường đại học hiện nay. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho sinh viên tăng cường trao đổi học thuật quốc tế, đặc biệt là giữa Nhật và Việt Nam cũng là một giải pháp tiềm năng.
Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo
Tiến sĩ Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen nhận định, nguồn nhân lực chueyenr đổi kỹ thuật số ở Việt Nam hiên nay đăng rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu như các ngành khác. “Sinh viên Việt Nam có kiến thức tốt song kỹ năng làm việc, kỹ năng thích nghi, chuyển đôi thì chúng ta đang thiếu. Để cải thiện vấn đề này, chúng ta cần phải tích cực hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tế thông qua các kỳ thực tập, phối hợp với quốc tế để cải thiện chương trình đào tạo, đồng thời trao đổi các ý tưởng tiềm năng cho các hợp tác và phát triển Start-up”, ông Thụy nói.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Dự án Hợp tác các trường Đại học khu vực miền Trung và miền Nam, Vintech City (Tập đoàn Vingroup) cho biết, để nguồn nhân lực được đào tạo tốt phát huy hết khả năng của mình, Vingroup đã cho ra đời Vintech Fund nhằm đưa ý tưởng ra thị trường, đưa sản phẩm từ phòng Lab đến người tiêu dùng. Tại KICSS 2019, Vintech City cũng tạo ra sự kết nối giữa đại học và doanh nghiệp cũng như kết nối khoa học và thị trường.
KICSS 2019 với chủ đề chính là “Sáng tạo và đổi mới” nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác khoa học công nghệ giữa các trường đại học và Viện nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Ba Lan, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam nhằm hiện thực hoá mục tiêu đóng góp cho việc xây dựng xã hội tri thức. Đây là một chuỗi hội nghị độc đáo bao quát nhiều chủ đề trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học tri thức, quản trị đổi mới và các hệ thống hỗ trợ sáng tạo. KICSS là cơ hội để các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày các ý tưởng cùng với các lý thuyết và công nghệ nền tảng giúp con người ngày càng thông minh và sáng tạo hơn với hy vọng sẽ đem đến một chất lượng cuộc sống tốt hơn.