Hội nghị ngành giáo dục: Triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao lưu với học sinh trong Lễ phát động Trường học hạnh phúc tại trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày 22/4/2019  
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao lưu với học sinh trong Lễ phát động Trường học hạnh phúc tại trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày 22/4/2019  
TP - Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT cho biết, đây là năm học sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; vừa là năm bản lề, vừa là năm bứt phá để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 

Sáng 6/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành phố. Lãnh đạo bộ ngành, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch các tỉnh thành cùng giám đốc các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường đại học, chuyên gia giáo dục và các thầy cô trên cả nước tham dự.

Bộ GD&ĐT đã trình và được Quốc hội thông qua 2 Luật quan trọng, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi). Song song với đó, Bộ tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong năm học vừa qua, ngành GD&ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD&ĐT thực hiện. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa.

Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở bậc học phổ thông được nâng cao. Việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tiếp cận chương trình GDPT mới được triển khai hiệu quả. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến.

Chất lượng Giáo dục đại học (GDĐH) ngày càng được nâng cao. Đã có 6 cơ sở GDĐH và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Một số trường ĐH đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.

Việc hợp tác quốc tế trong giáo dục được đẩy mạnh với nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ đã được ký kết. Nhiều cơ sở GDĐT đã chủ động tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; công tác thanh tra giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học… được triển khai tích cực, hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đang từng bước được nâng lên. Năm học vừa qua các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học; xây mới 38.165 công trình nước sạch và 60.000 nhà vệ sinh.

Trong năm học 2019-2020, ngành GDĐT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua; củng cố công tác thanh tra; triển khai tổ chức hiệu quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020.

9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp đã được ngành GDĐT thực hiện 3 năm qua sẽ tiếp tục được triển khai bài bản, hệ thống.

9 nhóm nhiệm vụ gồm: (1) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước; (2) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; (3) Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên,  bảo đảm an toàn trường học; (4) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; (5) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; (6) Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐT; (6) Hội nhập quốc tế trong GDĐT; (8) Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT; (9) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: (1) Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT; (2) Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; (3) Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT; (4) Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; (5) Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT.

MỚI - NÓNG