Ý tưởng đầu tiên về Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương được khởi xướng bởi Tiến sĩ Hai Sik Sohn - Giáo sư Danh dự của Đại học Dong-A, Hàn Quốc từ năm 1995. Từ ngày thành lập (21/9/1995 tại Busan, Hàn Quốc) cho đến nay, APTA được xem là một trong những tổ chức hàng đầu về du lịch của thế giới, đại diện châu Á, với mục tiêu là:
· Tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm nghiên cứu tạo ra những sản phẩm, những nghiên cứu về du lịch và khách sạn có chất lượng,
· Chia sẻ thành tựu nghiên cứu và trao đổi ý tưởng giữa các học giả và các đối tác của họ trong thế giới kinh doanh, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Qua 25 năm hoạt động, APTA đã kết nạp nhiều trường đại học danh tiếng trên 17 nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có: Australia, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Phillipines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam,...
Như một sự tình cờ có thể nói ‘tuổi đời’ của ĐH Duy Tân (thành lập năm 1994) và APTA là gần bằng nhau. Với những nỗ lực không ngừng, sau gần 25 năm phát triển, ĐH Duy Tân được ghi nhận ở vị trí là một trong những trường hàng đầu trong khối ngoài công lập nói riêng, cũng như trong làng đại học Việt Nam nói chung, đáng chú ý với vị trí thuộc top đầu và là đại diện duy nhất của các trường ngoài công lập trong danh sách Top 5 trường Đại học Việt Nam có số lượng công bố ISI nhiều nhất hàng năm.
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Một điểm cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu của chúng tôi là về công nghệ và kỹ thuật, trong khi lượng bài nghiên cứu về Quản trị và Du lịch chỉ trên dưới 50 bài ISI và Scopus mỗi năm. Dù vậy, chúng tôi hiện có một lượng khá lớn sinh viên ngành Du lịch và Khách sạn với hơn 5.000 sinh viên (trong tổng số trên dưới 20.000 sinh viên). Tôi nghĩ APTA lần này sẽ là một cơ hội quý giá để chúng tôi học hỏi thêm nhiều điều từ các chuyên gia và các học giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Du lịch và Khách sạn”.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, đã có khoảng 200 bài tham luận của Việt Nam và nước ngoài, tập trung các chủ đề chính như:
· Nghiên cứu nâng cao về Du lịch và Khách sạn,
· Các mô hình Du lịch sinh thái,
· Du lịch y tế,
· Du lịch Điện ảnh và Kịch nghệ,
· Du lịch bền vững,
· Du lịch dựa vào cộng đồng,
· Quản lý chất lượng dịch vụ,
· Quản lý chuỗi cung ứng,
· Quản lý khách sạn,
· Quản lý và điều hành nhà hàng,
· Quản lý khủng hoảng và an toàn,
· Quản lý Du lịch Giải trí,...
Theo đó, các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của các hoạt động du lịch trong khu vực, hỗ trợ cho các hoạt động quảng bá du lịch của các thành viên trong Hiệp hội cũng như nâng cao giá trị và chất lượng của hoạt động Du lịch tại mỗi quốc gia nói riêng và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Hội Nghị APTA năm nay là một diễn đàn bổ ích, một cơ hội tốt để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch cùng giao lưu, trao đổi và sẻ chia những ý tưởng hay, những mảng kiến thức chuyên sâu để góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng ngành “công nghiệp không khói” của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đêm Gala Dinner (ngày 3.7, tại Khu Resort Palm Gardern, Hội An, Quảng Nam), Chủ tịch APTA đã nhận lại cờ từ ĐH Duy Tân để trao cho đại diện Đại học Chiang Mai, Thái Lan - đơn vị sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APTA lần thứ 26 vào năm 2020. Trước khi Hội nghị thường niên APTA kết thúc, Ban tổ chức đã “chiêu đãi” các đại biểu tham quan Cầu Vàng và cùng trải nghiệm show nghệ thuật giải trí đẳng cấp “Vũ hội Ánh dương” tại Bà Nà Hill. Là đơn vị đăng cai tổ chức, ĐH Duy Tân đã để lại sự tin tưởng, mến mộ của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị và được đánh giá là đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, tạo nhiều điều kiện và phục vụ kịp thời, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu chính đáng của đại biểu, góp phần cho Hội nghị thường niên APTA lần thứ 25 đạt kết quả mỹ mãn.
Hẹn gặp tại Hội nghị thường niên APTA lần thứ 26 năm 2020, sẽ tổ chức tại Chiang Mai - Thái Lan!