Hội nghị cấp cao Ảrập bất đồng về Syria

Ghế dành cho đoàn Syria tại hội nghị thượng đỉnh Ảrập ở Baghdad để trống Ảnh: AP
Ghế dành cho đoàn Syria tại hội nghị thượng đỉnh Ảrập ở Baghdad để trống Ảnh: AP
TP - Các nhà lãnh đạo Ảrập hôm 29-3 dự hội nghị thượng đỉnh tại Iraq, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria, nhưng không tìm được tiếng nói chung trong việc can thiệp đến mức nào để chấm dứt đổ máu ở nước này.

> Kết quả hội nghị hạt nhân còn khiêm tốn

Sự bất đồng của các nhà lãnh đạo dự hội nghị chứng tỏ cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã trở thành một cuộc chiến tranh gián tiếp của các cường quốc.

Các quốc gia vùng Vịnh như Ảrập Xêút, Qatar… cho rằng, Syria đang được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Iran nên muốn phá vỡ liên minh Syria-Iran bằng cách cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Qatar và Ảrập Xê út đều là quốc gia có số dân người Hồi giáo dòng Sunni chiếm phần lớn, trong khi Iran là quốc gia có phần lớn dân số là người Hồi giáo dòng Shiite. Hai nhóm tôn giáo này khó tìm được tiếng nói chung.

Trong khi Qatar và Ảrập Xê út tỏ ra hăng hái thúc đẩy việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Syria, nhiều nước còn lại miễn cưỡng công khai ủng hộ lập trường của Qatar và Ảrập Xêút.

Iraq tỏ ra bối rối trước đề nghị của các nhà lãnh đạo Qatar và Ảrập Xê út vì chính phủ Iraq hiện nay cũng do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo.

Hơn nữa, chính phủ Iraq có quan hệ tốt đẹp với chính phủ Iran - một đồng minh hàng đầu của Syria.

Do lập trường của các quốc gia thành viên Liên đoàn Ảrập còn nhiều khác biệt, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Ảrập trước đó chọn những vấn đề trung dung để cho các nhà lãnh đạo thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh.

Dự thảo nghị quyết của hội nghị thượng đỉnh có nội dung bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào Syria. Dự thảo còn bày tỏ ủng hộ những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Syria về tự do và dân chủ.

Dự thảo kêu gọi Tổng thống Assad thực hiện ngừng bắn để tạo điều kiện cho lực lượng cứu trợ vận chuyển hàng nhân đạo tới tay những người cần được cứu giúp.

Dự thảo nghị quyết còn lên án những hành động bạo lực giết người, kêu gọi các bên cam kết thực hiện một giải pháp hòa bình và đối thoại dân tộc.

Hội nghị thượng đỉnh Ảrập bày tỏ ủng hộ kế hoạch hòa bình 6 điểm về vấn đề Syria của ông Kofi Annan - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ảrập.

Phát biểu trước các phóng viên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Hoshyar Zebari thừa nhận, hội nghị lần này không đưa ra được điều gì mới cho Damascus.

Kết quả có thể gặt hái được ở hội nghị chỉ là những lời cam kết tiếp tục thực hiện các nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng Syria.

Chính phủ Syria đã chấp nhận kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan nhưng phe đối lập với Tổng thống Assad cho rằng, ông Assad chấp nhận kế hoạch này chỉ để câu giờ.

Đây là lần đầu tiên Iraq tổ chức một hội nghị quốc tế lớn ở Baghdad kể từ khi Mỹ rút quân. Chính phủ Iraq muốn chứng tỏ đã kiểm soát được tình hình trong nước.

Tuy nhiên, do vấn đề Syria quá nóng nên các đại biểu dự hội nghị ít quan tâm đến tình hình của Iraq.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG