Hội Gióng sau một năm được tôn vinh

Hội Gióng được xem là một trong số ít hội giữ được nét truyền thống (ảnh chụp ngày chính hội 11-5-2011 Ảnh: Xuân Phú
Hội Gióng được xem là một trong số ít hội giữ được nét truyền thống (ảnh chụp ngày chính hội 11-5-2011 Ảnh: Xuân Phú
TP - Mở rộng quy mô lễ hội, bức xúc tiền giọt dầu, lộn xộn đi hội... vẫn là điểm nóng mùa lễ hội 2011- nội dung hội nghị sơ kết quản lý lễ hội sáng 11-5 tại Bộ VHTTDL- đúng ngày chính hội Gióng- Di sản Văn hóa Phi vật thể.

> Đi hội là tốt, nhưng...
> Đón bằng UNESCO cho Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc

Hội Gióng được xem là một trong số ít hội giữ được nét truyền thống (ảnh chụp ngày chính hội 11-5-2011 Ảnh: Xuân Phú
Hội Gióng được xem là một trong số ít hội giữ được nét truyền thống
(ảnh chụp ngày chính hội 11-5-2011. Ảnh: Xuân Phú.

Lo giữ giá trị truyền thống

Hội Gióng khai hội từ mùng 7, chính hội 9-4 âm lịch, với màn dàn quân đánh trận của đội quân Thánh Gióng. Đại diện BTC (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) cho hay, năm nay không phải năm chẵn, nên bình thường nghi thức diễn ra đơn giản ở đền thờ Phù Đổng, nhưng do là năm đầu tiên được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể, địa phương tổ chức hội quy mô như năm chẵn.

Chiều 11-5, hội trận tái hiện đội quân Thánh Gióng đánh giặc ở bãi Đống Đàm- cách đền chính gần 3km. Thắng trận trở về đền chính khao quân, gặp giặc quay lại, kéo ra bãi Soi bia đánh tiếp. Trận đánh ở Đống Đàm giữa trời nắng chang chang, không làm nản lòng đoàn người nối nhau đi bộ dài mấy kilômét theo đội quân.

Ngay sau đó là trận mưa như trút, Hội Gióng khép lại bằng trận đánh truyền thống ở Soi bia. Theo lời người dân Phù Đổng, năm nào sau khi cướp chiếu ở Soi bia trời cũng mưa. Linh thiêng là ở đó.

Ông Nguyễn Ngọc Huy (thôn Phù Dực) trong Ban khánh tiết cho biết, mọi năm thường chỉ có ban khánh tiết phân công nhau trực ở đền. Hội Gióng chính thức trở thành di sản thế giới, có thêm lực lượng thanh niên xung kích phục vụ công tác an ninh, hỗ trợ ghi công đức ở đền Phù Đổng.

Về công tác chuẩn bị cho hội Gióng không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Sau nghi lễ ở đền ngày rằm tháng Giêng, BTC chuẩn bị tuyển lựa kỹ lưỡng người đóng vai ông hiệu, nữ tướng, phù giá, phường áo đỏ, đen.

Ngay sau khi hội Gióng được UNESCO công nhận, nhiều chuyên gia lo sự can thiệp thô bạo từ bàn tay quản lý nhà nước. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản văn hóa Phi vật thể (Hội Di sản Văn hóa VN) nói: “Chỉ sợ sự tôn vinh quá mức tầm quan trọng của hội, sẽ dẫn đến can thiệp thô bạo vào những nội dung đã được hoàn chỉnh của hội này”.

Đại diện BTC cho biết, sau hội Gióng này, BTC sẽ họp chấn chỉnh công tác tổ chức và thành lập CLB hội Gióng- hội tụ các vị cao niên hiểu biết nhiều về nghi lễ. Cùng với nghiên cứu tài liệu lưu trữ quốc gia, BTC sẽ tìm phương án giữ gìn những giá trị quý đúng với truyền thống.

Bệnh cũ

Những nội dung nóng trong Hội nghị trực tuyến, sơ kết công tác thực hiện công điện của Chính phủ về quản lý lễ hội ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 11-5 cũng là nội dung bàn thảo trong lễ tổng kết năm ngoái.

Báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng công tác tổ chức, tuyên truyền lễ hội năm 2011 nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó vẫn tồn tại các vấn đề: Chưa thường xuyên vận động thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Vẫn xả rác bừa bãi ở các hội, rồi giắt tiền giọt dầu vào tay Phật, đặt tiền lộn xộn tại các nơi thờ tự. Bói toán, xóc thẻ và cờ bạc trá hình tái diễn ở lễ hội.

Lễ phát ấn đền Trần Nam Định có thể xem là ví dụ điển hình về xu hướng mở rộng quy mô lễ hội. Ông Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN: “Được giao nghiên cứu đền Trần, chúng tôi nhận thấy nhiều thách thức, có xu hướng tái tạo truyền thống và có nguy cơ mở rộng quy mô quá lớn. Chưa kể mâu thuẫn lớn, như nhu cầu tâm linh của người dân ngày càng cao, nhưng hiểu biết về nghi lễ thấp”. Viện cũng được giao xây dựng kịch bản mô hình hóa hội đền Trần, dự kiến hoàn thành trong tháng tới.

Đại diện Cục Di sản văn hóa, Cục phó TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, càng hội nhỏ hội làng diễn ra càng bình yên, ở đó cộng đồng luôn nỗ lực phát huy giá trị di sản.

“Quản lý, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh còn tùy tiện, có xu hướng cơi nới làm thêm di sản. Di sản phi vật thể cũng có nguy cơ sai lệch, do trao truyền đứt quãng, nên thực hành lễ hội một cách vay mượn. Có một số hoạt động cố tình tăng tính thiêng để hút người, đặc biệt thích sự hoành tráng, quy mô”.

Trước danh mục dài bất cập trong quản lý lễ hội, đại diện cơ quan quản lý lạc quan hoàn toàn có cách. Phía Thanh tra Bộ VHTTDL đề xuất nhiều giải pháp. Như Phó Chánh Thanh tra Phạm Xuân Phúc đề xuất trình Thủ tướng quy định sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu. Mạnh dạn hơn, tiến tới cấm sản xuất, vận chuyển đồ mã.

 “Hiện nay mới chỉ cấm đốt đồ mã nơi công cộng. Lễ hội nào cũng có nhiều đồ mã, nhưng họ chỉ đốt khi đoàn thanh tra đi khỏi”, ông Phúc nói. Đại diện Đà Nẵng quyết liệt, nên xử thật nghiêm lãnh đạo địa phương nếu không quản lý tốt lễ hội.

Cục Di sản Văn hóa đề nghị kiểm kê nghiêm túc di sản. Công tác này nên có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt chú ý đến những lễ hội nào có thể đưa vào danh mục di sản quốc gia. Đồng thời, phải làm cho người dân hiểu, không nên nghĩ đến nâng tầm, sáp nhập lễ hội nhỏ thành hội lớn.

Trước mắt, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu Cục di sản Văn hóa nghiên cứu về truyền thống, nghi thức, vị trí đặt tiền giọt dầu tại các đền, chùa Việt Nam để sớm hoàn thiện các hướng dẫn về vấn đề này. Đồng thời, Cục phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở khảo sát, tổng kiểm kê và quy hoạch các lễ hội trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật tiến hành nghiên cứu làm rõ hai khái niệm “văn hóa tâm linh”, “mê tín dị đoan”, tạo điều kiện cho địa phương quản lý.

Khai mùa Phật đản

Chiều 10-5 Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế khai mở mùa Phật đản 2011 - Phật lịch 2555, bằng triển lãm cổ vật tại Trung tâm Văn hóa Liễu Quán.

Sau triển lãm nghệ thuật ẩm thực qua cổ vật vừa được giới thiệu trong Festival nghề truyền thống, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tiếp tục giới thiệu bộ cổ vật đề tài văn hóa Phật giáo với gần 100 hiện vật.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường ra mắt bộ sưu tập cổ vật dân gian với ba dòng sản phẩm của người Việt, Khơme và người Hoa, sự tiếp biến của văn hóa Phật giáo từ Thuận Hóa - Phú Xuân vào vùng đất mới Nam Bộ.

Hôm nay 12-5 ông Trương Ngọc Tường có buổi thuyết trình đề tài Phật giáo Nam Bộ. Ngày 13-5 ông Trần Đình Sơn thuyết trình đề tài Tư tưởng cư Nho mộ Thích thời Nguyễn.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG