Mòn mỏi chờ đợi
Chị Nguyễn Việt Hồng (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết, từ giữa tháng 2/2023 chị đã hoàn thành đăng ký học lái xe ở trung tâm T.C (quận 10) và đến cuối tháng 3, chị hoàn thành việc học lý thuyết. Tuy nhiên, từ đó đến nay (giữa tháng 5/2023), chị vẫn chưa được trường thông báo lịch học thực hành lái xe.
“Khi đăng ký, phía trung tâm đảm bảo đến gần cuối tháng 8 sẽ có kỳ thi và sẽ có giấy phép lái xe (GPLX). Tôi đã nộp tiền đến giai đoạn 3, tổng cộng 19 triệu đồng và còn khoảng 3-4 triệu đồng nữa là đủ tiền cho cả khóa. Tuy nhiên việc học thực hành không suôn sẻ khiến tôi lo ngại sẽ không đủ điều kiện thi vào cuối tháng 8”- chị Hồng cho biết.
Theo chị Hồng, chị đã gọi điện thoại cho trung tâm dạy lái xe nơi chị đăng ký học thì được thông tin là do đang trong thời gian thanh tra toàn diện các vấn đề ở các trung tâm đào tạo lái xe, cho nên chưa cấp được thẻ DAT (tích hợp tất cả thông tin học viên và quá trình dạy-học), vì vậy chưa sắp xếp được lịch dạy thực hành.
“Họ chẳng có thông báo chính thức đến cho học viên, dự kiến đến thời gian nào có thể quay lại học thực hành, tôi thấy rằng thông tin phía trung tâm đưa ra chưa rõ ràng. Thanh tra là việc của thanh tra, nhưng việc đảm bảo quyền lợi của người đi học thì theo tôi trung tâm vẫn phải đảm bảo”- Chị Hồng bày tỏ.
Nhiều học viên lái xe tại TPHCM cho biết đang phải chờ đợi rất lâu nhưng vẫn chưa được thực hành. Ảnh minh họa: Hữu Huy |
Tương tự, chị Võ Thị Thúy Phượng (ngụ TPHCM) cùng đăng ký học lái xe tại cơ sở trên cũng cho biết đã đi học xong phần lý thuyết từ tháng 3/2023 và sau đó, phía trung tâm cho biết phải đợi cấp thẻ DAT mới có thể xếp được lịch dạy thực hành.
“Theo giải thích của trường là hiện nay Sở GTVT đang kiểm tra, thẩm định, rà soát lại công tác đào tạo lái xe. Và vì vấn đề đang trong quá trình thanh tra nên Sở chưa cấp được thẻ DAT và không có thẻ này thì không triển khai dạy và học lái xe được”- chị Phượng cho hay.
Chị Phượng cho hay, ban đầu chị được nhân viên của trung tâm cho biết sau khi học lý thuyết vài tuần thì sẽ có thông tin và có thẻ DAT thì có thể học thực hành. Theo quy định mới, phải có thẻ DAT mới tích hợp được thông tin học viên cùng số giờ học, tuyến đường học và số lượng km theo quy định.
“Theo lộ trình, tôi sẽ phải học thực hành từ tháng 4 cho đến trước ngày thi vào cuối tháng 8/2023 để đủ 710 km (với GPLX hạng B1 theo quy định). Tình hình này nếu kéo dài thì tôi e rằng tiến độ đến cuối tháng 8/2023 sẽ không thể đảm bảo điều kiện số giờ học và số km để dự thi sát hạch GPLX được”- chị Phượng lo lắng.
Trong ngày 17/5, PV Tiền Phong đã liên hệ với một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại TPHCM để tìm hiểu vấn đề. Tuy nhiên, nhân viên tại các trung tâm này đều đưa ra nhiều lý do để yêu cầu PV phải đặt lịch phỏng vấn hoặc để lại câu hỏi cho lãnh đạo và sẽ thông tin sau.
Sở GTVT không phải đơn vị cấp thẻ DAT
Thông tin với PV Tiền Phong, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM phân tích, hiện nay trong quá trình đào tạo lái xe ô tô có phần lý thuyết và thực hành. Trong phần thực hành có phần chạy đường trường, quy định học viên học GPLX phải chạy đủ số km đường trường cùng tối thiểu thời gian học lái.
Từ tháng 6/2022, quy định bắt buộc phải lắp trên xe thiết bị DAT để giám sát hành trình. Mỗi học viên sẽ có một thẻ DAT định danh để quẹt vào thiết bị DAT trên xe nhằm nhận dạng khi bắt đầu phiên học và quẹt lần nữa khi kết thúc phiên học.
“Sau quá trình học lý thuyết và thực hành, trường sẽ tổ chức thi và cấp chứng chỉ tốt nghiệp sơ cấp nghề lái xe. Sau khi cấp chứng chỉ thì học viên mới đủ điều kiện để đi thi sát hạch GPLX. Việc đào tạo và cấp chứng chỉ là việc của trường, còn sát hạch là nhà nước sát hạch. Việc cấp thẻ DAT cho học viên là trường phụ trách thực hiện, Sở GTVT không phải là đơn vị cấp thẻ DAT cho học viên”- ông Bùi Hòa An cho biết.
Cũng theo ông An, thiết bị và dữ liệu DAT là do phía trường và Cục Đường bộ giám sát. Dữ liệu sẽ được lưu ở máy chủ của trường, dữ liệu về quá trình học tập của học viên sẽ được truyền về máy chủ của Cục Đường bộ. Sở GTVT sẽ có trách nhiệm duyệt danh sách học viên thi sát hạch GPLX bằng cách đối chiếu hai số liệu trên với nhau.
Gần 1/3 giáo viên dạy thực hành nghỉ việc
Theo ông Bùi Hòa An, sở dĩ nhiều học viên phải chờ đợi rất lâu để được học thực hành như hiện nay là do thiếu giáo viên dạy thực hành ở các trung tâm/trường dạy lái xe.
“Quy định đối với đào tạo hiện nay là 1 giáo viên/1 xe ô tô chỉ được phép dạy tối đa 5 học viên/khóa học. Theo quy định, một trung tâm/trường có 50% giáo viên cơ hữu thì được hợp đồng thuê thêm 50% giáo viên từ bên ngoài. Nhưng hiện nay ở TPHCM, dù trường lớn thì chỉ có khoảng 100 giáo viên, tức là trong vòng 1 khóa khoảng 4 tháng dạy được khoảng 500 học viên. Nếu theo quy định, một giáo viên thực hành chỉ dạy 5 học viên/4 tháng thì rất khó khăn về kinh tế cho phía trường”- ông An cho biết.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM. Ảnh: Thành Nhân |
Cũng theo ông An, do quy định như thế nên các trường muốn tuyển thêm học viên thì phải tăng thêm số lượng giảng viên, nhưng không phải trường nào cũng có thể chi trả lương cho số lượng lớn giảng viên tăng thêm.
Chính vì vậy, một số trường/trung tâm đã phải linh động ký hợp đồng thêm với giáo viên bên ngoài theo hình thức giáo viên chỉ đứng tên (không tham gia dạy học hoặc tham gia giảng dạy trong thời gian rảnh và dạy thay, dạy thế giảng viên cơ hữu trong một số trường hợp). Việc này giúp các trường tuyển thêm học viên theo quy định (1 giáo viên thực hành lái xe/5 học viên) và cũng đảm bảo được vấn đề chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên qua thanh tra và cơ quan Công an đã xác định vấn đề trên có dấu hiệu sai phạm. Do đó, các giáo viên ký hợp đồng theo hình thức đứng tên như đã nêu ở trên đã phải thôi việc.
“Tình hình chung hiện nay là các trung tâm, các trường đang thiếu giáo viên. Sở GTVT TPHCM đang quản lý 59 trung tâm, trường dạy lái xe. Trên khoảng gần 9.000 giáo viên dạy thực hành lái xe mà Sở GTVT quản lý thì đã có gần 3.000 người nghỉ việc, chiếm đến gần 1/3”- ông An nêu thực trạng.
Chính vì vậy, theo ông An, hiện nay một giáo viên dạy thực hành lái xe chỉ nhận được tối đa 5 học viên/khóa học theo quy định và cũng không thể bố trí người dạy thế, dạy thay. “Do đó, các trường, trung tâm đã lỡ nhận học viên rồi thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với học viên”- ông An nói.
Ông An cho biết, giai đoạn trước dịch bệnh COVID-19, trung bình một ngày ở TPHCM có khoảng 10 kỳ thi sát hạch ô tô, mỗi kỳ thi có gần 200 người tham gia. Một ngày có khoảng gần 2.000 người thi sát hạch GPLX và một năm Sở GTVT cấp mới khoảng 600.000, cấp đổi khoảng 400.000 GPLX. Nhưng hiện nay một ngày ở TPHCM chỉ có khoảng 1-2 kỳ thi, số lượng GPLX cấp mới cũng giảm theo đáng kể.
"Hiện nay có khoảng 90% cơ sở đào tạo lái xe là doanh nghiệp tư nhân. Do đó, các vấn đề đào tạo do các đơn vị này tự chủ hoàn toàn. Để giải quyết bài toán này cần thay đổi cơ chế, chính sách và các quy định liên quan”- ông An nói.