Học trực tuyến kéo dài: Rối loạn tâm thần rình rập

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều học sinh nhỏ tuổi đang phải đối mặt với tình trạng rối loạn thích ứng, rối loạn vận động, rối loạn lo âu dẫn tới trầm cảm sau thời gian dài học trực tuyến.

Rối loạn tâm thần

BS Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Khám Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, Bệnh viện Tâm Thần TPHCM cho biết, gần đây phòng khám tiếp nhận ngày càng nhiều trẻ được đưa đến khám và rất nhiều phụ huynh than phiền về việc trẻ lười học, quậy phá, không nghe lời.

Học trực tuyến kéo dài: Rối loạn tâm thần rình rập ảnh 1

Học trực tuyến đang gây ra nhiều hệ lụy cho con trẻ. Ảnh: Vân Sơn

Qua thăm khám đã phát hiện nhiều trẻ bị rơi vào tình trạng rối loạn thích ứng, rối loạn vận động ngoài ý muốn khi phải chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến và phải thường xuyên tập trung trước màn hình máy tính. Việc học trực tuyến đang gây ra những hệ lụy về tật khúc xạ. Ngoài ra, sóng wifi, sóng màn hình đã tác động lên hệ thần kinh của trẻ gây ra sự mệt mỏi cho hệ thần kinh.

Bên cạnh đó, ánh sáng xanh từ màn hình khiến nhiều trẻ bị rối loạn giấc ngủ, gây mất ngủ thường xuyên. Nhiều trẻ bị đảo lộn chu kỳ giấc ngủ, tình trạng lặp đi lặp lại khiến trẻ rơi vào rối loạn chu kỳ thức - ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, vận động, học tập. Nhiều trẻ có những hành vi chống đối, cãi lời người lớn, không tuân thủ kỷ luật.

Đặc biệt, nhiều trẻ từng học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu vì không kịp tiếp thu kiến thức thông qua học trực tuyến như việc học trên lớp. Qua thực tế thăm khám, các bác sĩ ghi nhận, trẻ không hiểu hết được bài khi học trực tuyến nhưng không biết hỏi ai hoặc sợ phải hỏi lại cha mẹ, thầy cô nên đã gây ra tâm lý lo âu dẫn tới trầm cảm và có suy nghĩ tiêu cực, nguy hiểm đến sức khỏe, sinh mạng.

“Hiện nay, nhóm trẻ từ 12 tuổi trở xuống chưa được chích ngừa vắc xin, nhiều phụ huynh đang lo lắng không muốn cho con đến trường nhưng đều ý thức được việc học trực tuyến quá nặng nề với trẻ. Trên thực tế, trẻ con nhiễm COVID-19 không phải là vấn đề đáng lo ngại so với người lớn. Trẻ nhiễm COVID-19 thậm chí còn nhẹ hơn nhiều so với bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi hoặc viêm tiểu phế quản. Việc cho trẻ đi học trở lại là cần thiết nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch trong nhà trường”.

BS Trương Hữu Khanh,

Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM

Giải pháp hỗ trợ con trẻ

Các bác sĩ cho biết, khi trẻ đối mặt với những rối loạn tâm thần thường có các biểu hiện thay đổi tính tình, thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt, thường có những phản ứng thái quá, trẻ không muốn chia sẻ với ai. Khi phát hiện tình trạng trên, phụ huynh tuyệt đối không nên bỏ qua mà cần quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ tâm lý cho con trẻ.

Người lớn không nên áp đặt suy nghĩ và cách giáo dục một chiều mang tính chủ quan của mình lên con trẻ mà phải thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các con, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp để tránh cho trẻ rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, phản ứng một cách quyết liệt hoặc phải miễn cưỡng chịu đựng sự áp đặt.

Với những trẻ đã gặp phải các vấn đề bệnh lý tâm thần, từ rối loạn giấc ngủ, rối loạn thích ứng, rối loạn cư xử, rối loạn cảm xúc và nghiêm trọng hơn là trầm cảm, loạn thần, phụ huynh cần sớm đưa con em mình đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, có những giải pháp chuyên môn giúp trẻ phục hồi sớm.

Theo BS Kiều Tiên, trong thời gian trẻ học trực tuyến, nhà trường cần chủ động những phương án dạy và học để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, đồng thời giảm áp lực, căng thẳng khi trẻ thường xuyên phải ngồi trước các thiết bị điện tử. Gia đình cần giữ cho trẻ một chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học, không ăn nhiều chất béo, ngủ đúng giờ, đủ giấc.

Cần quan tâm đến thời gian giải trí cho trẻ nhưng phải hạn chế tối đa việc giải trí bằng thiết bị điện tử. Phụ huynh cần kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo và đưa con đến những hoạt động mang tính chất kỹ năng, thực tế, đảm bảo sự phát triển của trẻ một cách lành mạnh.

MỚI - NÓNG