Cả thầy và trò đều gặp khó
Theo Bộ GD&ĐT, đơn vị đã công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 theo hướng giữ ổn định như những năm trước. Đối với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tinh thần là cơ sở sẽ tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.
Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 của một trường THPT tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết ngay từ đầu năm học em xác định sẽ đăng ký nguyện vọng (NV) vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ngoài học trực tuyến ở trường, Trang đăng ký học thêm các bộ môn để có kiến thức chuyên sâu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trang nói, giáo viên luyện thi chủ yếu luyện các dạng bài theo cấu trúc đề của các kỳ thi tốt nghiệp những năm gần đây để học sinh có kỹ năng làm bài. Tuy nhiên, mới đây em khá bất ngờ khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ chỉ tuyển sinh khoảng 10-15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Còn lại, trường này sẽ tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp với phương án tuyển sinh riêng. “Như vậy, em sẽ phải cấp tốc học làm sao để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường mình có nguyện vọng hoặc buộc phải hạ mục tiêu”, Trang nói.
Học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 |
Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, điều may mắn là học sinh của địa phương vẫn được học trực tiếp (75%) kết hợp trực tuyến. Nhà trường vừa dạy kiến thức chương trình lớp 12 vừa ôn tập cuốn chiếu để học sinh có nền tảng cơ bản, chắc chắn chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Bộ GD&ĐT đã công bố sẽ giữ nguyên phương thức kỳ thi “2 trong 1” do đó, học sinh yên tâm ôn luyện. Tuy nhiên, năm nay, các trường ĐH có thể sẽ dành chỉ tiêu tuyển sinh rất thấp từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp, thay vào đó có phương thức tuyển sinh riêng buộc việc dạy và học phải thay đổi phù hợp.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và các phần mềm chuyên dụng, thực hiện tốt công tác thi, tuyển sinh năm 2022 và giai đoạn 2023-2025.
Cũng theo ông Thuần, hiện nay học sinh cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi vừa phải học, ôn tập theo phương thức thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa học để đáp ứng các kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức kỳ thi 1 mục tiêu nhằm xét tốt nghiệp, học sinh có năng lực, nguyện vọng vào trường ĐH nào sẽ tập trung để phấn đấu vào trường đó sẽ thuận lợi hơn. Trong giai đoạn này, học sinh nhờ giáo viên tư vấn chọn ngành nghề, cơ hội việc làm khiến thầy cô cũng lúng túng vì phải đọc thông tin, cân nhắc rất nhiều mới có thể đưa ra lời khuyên.
Trường ĐH nên cho thi thử
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi cũng dự đoán năm nay sẽ gia tăng các trường tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực. Do đó, trường học phải xác định đổi mục tiêu dạy học, một mặt đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp tỉ lệ cao mặc khác phải dạy học mở rộng kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể đáp ứng các kỳ thi. “Năm ngoái, đề thi khá dễ, nhiều học sinh đạt 29, 30 điểm vẫn không đỗ trường tốp trên do đó, các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng là dễ hiểu. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các trường nghiên cứu phương thức tuyển sinh trực tuyến sẽ thuận lợi cho thí sinh hơn”, ông Trung nói.
TS Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nói rằng những năm qua trường ĐHQG đã tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực; một số trường khác cũng xét tuyển học bạ… nên trường cũng phải xây dựng phương án dạy học phù hợp. Trường yêu cầu giáo viên vừa dạy vừa kiểm tra để đảm bảo học sinh có kiến thức nền tảng chắc chắn nhất để “có bột gột nên hồ”, sẵn sàng cho các kỳ thi. Phía học sinh, năm nay ngoài thi tốt nghiệp THPT cũng cần xác định rõ có nguyện vọng thi vào trường ĐH nào để theo dõi, nghiên cứu phương thức đánh giá năng lực của họ.
Bà Quỳnh cho rằng, để không “làm khó” học sinh, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn định hướng chung cho các trường ĐH, Học viện, CĐ… trong việc thiết kế các đánh giá năng lực sẽ gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình và kiến thức đặc thù của ngành. Làm như vậy sẽ thuận lợi cho học sinh hơn. Tuy nhiên, vấn đề của học sinh nhà trường là đã có gần 1 học kỳ phải dạy học trực tuyến, các em cần sớm được đến trường để giáo viên rà soát, đánh giá chất lượng thật. Hiện nay, học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hy vọng các em được học trực tiếp. “Tôi rất hy vọng, các trường ĐH có phương thức tuyển sinh riêng năm nay có hướng dẫn thật tỉ mỉ như dựng video hoặc tổ chức thi thử để học sinh không bỡ ngỡ”, bà Quỳnh nói.