Ở bài báo trước, chúng tôi đã nêu ra một tình huống “dở khóc, dở cười” khi phóng viên nhập vai đihọc thuê ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bị thầy giáo gọi lên bảng làm bài tập. Nhưng bi hài của “thị trường” học thuê – thi hộ chưa dừng lại ở đó.
Trong suốt nửa tháng thâm nhập thực tế, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều người “cùng cảnh ngộ” học thuê. Nhưng, chúng tôi nhập vai làm điều tra. Còn họ là những sinh viên hoặc cô cậu cử nhân vừa mới tốt nghiệp, đi học thuê chuyên nghiệp để kiếm tiền.
Sinh viên H. gửi địa điểm lớp học cho phóng viên đi học thuê.
Cuộc hội ngộ của những sinh viên “lạ”
Như đã nói ở bài báo trước, chúng tôi được sinh viên tên N.T “thuê” học hộ ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nằm trên phố Vĩnh Tuy vào thứ Bảy (ngày 15/3). Cậu này dặn dò kỹ tôi khi vào lớp phải chọn ngồi cùng bạn nam trong lớp và nên ngồi ở hàng nghế cuối. Đúng như kịch bản được gợi ý, tôi đã chọn ngồi hàng ghế ở dãy giữa. Ngồi kế bên tôi là một cậu thanh niên đeo kính cận, mặc áo gió, quần bò, trông khá giản dị.
Quang cảnh lớp học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Ảnh cắt từ clip của phóng viên)
Sợ bị phát hiện, suốt 20 phút đầu ngồi học, tôi không dám hé răng trò chuyện. Thậm chí, cũng không dám nhìn ngó xung quanh. Bỗng cô giáo gọi từng sinh viên đứng dậy trả lời. Lúc này, tôi thực sự bối rối và quay sang hỏi bài cậu sinh viên đeo kính ngồi kế bên. Cậu quay sang nhìn tôi cười hềnh hệch: “Mình không biết làm đâu. Buổi trước mình nghỉ học nên cũng không rõ”. “Thế buổi trước cậu cũng nghỉ học à?”, cậu sinh viên hỏi ngược lại tôi.
Câu chuyện cởi mở hơn. Cậu mới thẳng thắn thú nhận mình tên Nam, đi học hộ cho sinh viên T.C. “Nói thật mình là người đi học thuê. Mình không biết gì về môn Kế toán này đâu mà bạn hỏi. Mình chỉ có nhiệm vụ đi học, chép bài và điểm danh”, Nam nói.
“Ồ ra là thế!”, tôi thốt lên nhưng trong bụng nhủ thầm: “Hóa ra mèo mả gặp gà đồng, học thuê giáp mặt học hộ”. Nam giới thiệu mình quê ở Thanh Hóa. Trước đây, Nam từng là sinh viên của một trường cao đẳng ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Mới ra trường được mấy tháng, chưa xin được việc nên Nam lang thang trên mạng Internet để tìm người nhờ đi học hộ, lấy tiền ăn và trả tiền nhà trọ ở Hà Nội.
Phóng viên (áo cam) trong lớp học tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nam đi học thêm cho sinh viên T.C với tiền công 50.000 đồng/buổi. Nếu học ở cơ sở 2 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ ở đường Tam Trinh, Nam sẽ được trả 60.000 đồng vì quãng đường xa hơn.
Chơi game và chờ điểm danh
Ngày 16/3, chúng tôi được sinh viên nữ tên T.H thuê học ở lớp liên thông đại học, Khoa Ngữ văn K3, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN). Lần này, để tiện phối hợp điều tra và ghi hình, tòa soạn đã cử tới… 3 phóng viên “đi học” đến lớp học vào ngày Chủ nhật (2 phóng viên nam, 1 phóng viên nữ).
Lớp học có khoảng 60 sinh viên, trong đó có 6 nam. Nhóm chúng tôi phân công ngồi ở các vị trí khác nhau trong lớp. Ngồi chưa ấm chỗ, nữ đồng nghiệp của tôi gặp tình huống khó xử khi một sinh viên nữ hất hàm hỏi: “Bạn đi học hộ ai đấy?”. Hóa ra, chuyện học thuê, học mướn ở đây diễn ra như cơm bữa, nghĩ vậy song chúng tôi không đáp lời.
Ngồi bên cạnh tôi là hai sinh viên nam đang chăm chú vào chiếc điện thoại chơi game và nghe nhạc. Thấy lạ, tôi quay sang hỏi, nam sinh viên tên Hiệu thản nhiên đáp: “Mình không phải là sinh viên trường này. Mình đi học hộ bạn. Bạn chỉ yêu cầu điểm danh thôi nên mình không cần viết bài”. Lập tức, sinh viên còn lại tên Thành cũng chẳng ngại ngần thú nhận cũng là người đi học thuê.
Như vậy, nếu tính cả chúng tôi, cả lớp học có 6 sinh viên nam thì có tới 4 người “đi học thuê”. Mọi việc diễn ra nhẹ nhàng và dễ dàng hơn chúng tôi tưởng.
Sinh viên nghe nhạc ngay trong giờ học ở ĐH Sư phạm Hà Nội
Hiệu còn khoe, cách đây nửa tháng cậu cũng đi học thuê trót lọt cho một sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với giá 50.000 đồng/1 buổi. Hôm nay, Hiệu đi học thuê cho sinh viên tên N.V.B cũng với giá đó.
Chơi game và chờ điểm danh. Đó là suy nghĩ của nhiều người đi học thuê. Buổi đi học thuê ở Trường Đại Sư phạm Hà Nội, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến điều này. Lớp học bắt đầu từ 13h35, giảng viên vào lớp trong khi sinh viên vẫn tranh thủ nói chuyện và làm việc riêng. Trên bục giảng, giáo viên giảng cứ giảng, còn sinh viên ở dưới lớp thản nhiên lướt web, facebook, thậm chí chơi game…
Chúng tôi tiếp tục bắt chuyện với một cô gái trẻ đang ngồi lướt mạng đọc báo. Cô khiến chúng tôi chú ý bởi mỗi lần giáo viên gọi hỏi bài là cô lại giật mình. “Mình đi học hộ cho dì họ. Không chỉ môn này, mình còn học hộ cho dì nhiều môn khác", cô gái tên H. nói.
Chúng tôi thắc mắc vì sao người dì họ của cô bận tới mức không đi học được vào chủ nhật, H. cười: “Bận gì đâu, suốt ngày dì chỉ ở nhà ăn, ngủ. Hôm nào phải về quê, dì cũng nhờ em đi học hộ”.
Theo Nguyễn Đức - Tuyết Hoàng - Hồng Phú