Học theo Hoa hậu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đầu tháng 1, Hoa hậu H’Hen Niê xây thư viện thứ tư tặng học sinh miền núi, ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng tiến hành đợt trồng rừng thứ tư trong dự án “Rừng Việt Nam” do chính anh khởi xướng.

Kinh phí của những hoạt động này đều do H’Hen và Hà Anh Tuấn tự bỏ tiền túi. Hành động đẹp của hai người đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ, khiến họ rủ nhau đi tặng sách và trồng cây.

Những thư viện mở ra thế giới

Ngày 18/1, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê đã khánh thành và trao tặng một thư viện gồm 10.000 quyển sách cho trường tiểu học Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, hoa hậu cũng xây thư viện cho trường tiểu học Niêm Tòng ở huyện Mèo Vạc. Trước đó, vào tháng 10/2018, H'Hen Niê khánh thành thư viện tại trường Bảo Thuận (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), nơi tập trung nhiều học sinh thuộc các dân tộc như: Chu Ru, K'Ho...

Thư viện cung cấp 3.500 quyển sách, được phân loại thành các nhóm: sách tra cứu, phát triển tư duy, kỹ năng, bộ trò chơi hỗ trợ học tiếng Anh, Toán... Dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, H'Hen Niê cũng đã xây một thư viện dành cho trẻ em tại quê nhà Đắk Lắk.

H'Hen Niê cho biết: “Tôi đã thực hiện lời hứa dùng hết tiền thưởng của giải quán quân “Cuộc đua kỳ thú” dành cho các hoạt động thiện nguyện. Kế hoạch xây thư viện được lên từ tháng 9/2020 nhưng do dịch bệnh nên thời gian xây dựng kéo dài.

Thư viện thân thiện theo mô hình Room to Read của Đại sứ quán Israel và tôi phối hợp tài trợ nằm trong dự án kéo dài 3 năm nhằm nâng cao tiếp cận sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh cấp tiểu học tại vùng sâu, vùng xa. Ngoài sách, dự án cũng mang đến một số thiết bị cho thư viện gồm kệ bàn, vật phẩm giáo dục và tranh ảnh, với tổng ngân sách hơn 300 triệu đồng”.

Kể từ thời điểm đăng quang, H'Hen Niê luôn dành sự quan tâm đặc biệt dành cho giáo dục, đặc biệt với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi vùng sâu, vùng xa. Cô nhiều lần chia sẻ, việc lớn lên ở vùng núi xa xôi giúp cô hiểu được giá trị của giáo dục là con đường duy nhất để thoát nghèo, hướng đến tương lai tươi đẹp.

Được H’Hen truyền cảm hứng, nhiều đội thiện nguyện của giới trẻ đã chuyển hướng hỗ trợ vùng cao từ cung cấp quần áo, nhu yếu phẩm, sang lập thư viện. Nhóm của Hà Ánh Dương (Hà Nội) hiện đã xây được thư viện thứ ba cho ba trường vùng sâu của Lào Cai. Nhóm “Đọc để đi xa” cùng lúc trao tặng hai thư viện cho các điểm trường ở Sốp Cộp (Sơn La).

“GS. Ngô Bảo Châu nói rằng, mỗi cuốn sách giống như một cánh cửa mở ra một thế giới mới. Xuất thân từ miền núi, trước đây cánh cửa của chúng tôi chỉ giới hạn trong làng, trong bản, xa hơn nữa là thị xã. Nhưng nhờ có sách, tôi biết đến logicstic (chuyên ngành mà tôi đang theo học), tôi biết thế giới bên ngoài rộng lớn bao nhiêu. Cho nên, trong điều kiện của mình, tôi cũng muốn giúp các em nhỏ có cơ hội nhìn ra bên ngoài như thế”, Lý Minh Tuấn - đại diện “Đọc để đi xa” chia sẻ.

Học theo Hoa hậu ảnh 1

Hoa hậu H’Hen Niê trong một lần tặng thư viện cho trường học miền núi

Cũng theo Minh Tuấn, nhờ có thư viện, rất nhiều học sinh đã bắt đầu quan tâm đến sách và hình thành thói quen đọc sách. Nhóm “Đọc để đi xa” cũng thường xuyên liên lạc với các điểm trường đặt thư viện để trao đổi, bổ sung, cập nhật sách mới cho các em.

“Của chúng ta, của quý vị, của tôi”

Trong ngày 11/1, Hà Anh Tuấn và những người bạn đã mang 5.000 cây sao đen trồng trên diện tích 7,5ha của rừng Tà Cú, Bình Thuận. Đây là lần trồng rừng thứ tư trong dự án “Rừng Việt Nam” (bắt đầu từ năm 2019) của nam ca sĩ.

Anh chia sẻ trên trang cá nhân: "5.000 cây sao đen khởi sinh trên 7,5 ha rừng khát xanh. Của chúng ta. Của quý vị. Của tôi".

Học theo Hoa hậu ảnh 2

Ca sĩ Hà Anh Tuấn trồng rừng ở Bình Thuận

Được biết, toàn bộ kinh phí trồng rừng được Hà Anh Tuấn trích ra từ những hoạt động nghệ thuật và sản phẩm âm nhạc của anh.

Trước đó, ca sĩ phối hợp lực lượng địa phương đã trồng 3.500 cây mai anh đào, thông ba lá tại Lâm Đồng; 305 cây dầu rái, chò đen ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; và 3.200 cây sa mộc ở Hà Giang.

Phong trào trồng cây gây rừng đã âm ỉ trong giới trẻ (đặc biệt là nhóm người ưa xê dịch) từ khoảng những năm 2010, tuy nhiên mới chỉ dừng ở các dự án nhỏ lẻ (từ vài chục đến vài trăm cây). Mấy năm đổ lại đây, khi xuất hiện loại bom hạt giống, việc trồng rừng được lan tỏa rộng hơn. Không thể phủ nhận, sự vào cuộc bền bỉ và mạnh mẽ của những người có ảnh hưởng như Hà Anh Tuấn đã tiếp thêm lửa cho những người trẻ theo đuổi lối sống xanh.

“Trước tôi cứ đi phượt thì ném bom hạt giống, thỉnh thoảng cũng có mua cây để trồng nhưng nghĩ lại những việc ấy nhỏ lẻ quá, không tạo được hiệu quả rõ rệt. Nhờ gợi ý của Hà Anh Tuấn, chúng tôi lập nhóm, góp quỹ rồi mua cây trồng trên diện tích rộng. Hai năm rồi, chúng tôi đã trồng được tổng cộng 1,5ha diện tích rừng ở Yên Bái và Sơn La. Vừa rồi, một người trong nhóm gợi ý, ngoài các cánh rừng, chúng tôi có thể về các làng quê, trồng cây dọc các đường làng. Năm nay chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm cách này”, anh Trần Trung Thành – sáng lập nhóm “Xanh cho tất cả” chia sẻ.

Trước đó, anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng xanh Tây Nguyên, người khởi xướng ý tưởng tạo “bom hạt giống” và lan tỏa hoạt động rải “bom hạt giống” tại Đắk Lắk cũng đã triển khai thành công mô hình vườn rừng tại huyện Lắk.

Theo đó, mỗi bom hạt giống gồm 5 loại hạt giống tương ứng với 5 tầng tán của rừng, trong đó có hạt cây tiên phong (là những loại cây dễ sống, phát triển nhanh, có tầng tán cao), hạt cây cố định đất và giữ đất, hạt cây cố định đạm và tạo nitơ cho đất, hạt cây rừng bản địa đa tầng tán và hạt cây dược liệu tầng thấp.

Theo khảo sát của nhóm, ở những nơi đã ném “bom hạt giống”, cây đều mọc lên tươi tốt. Sau 3 đợt triển khai cùng các cộng sự và tình nguyện viên, anh Thái đã làm và thả được trên 500 “bom hạt giống” tại khu vực đất trống, đồi trọc ven Quốc lộ 27 (thuộc địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk).

MỚI - NÓNG