“Xin xỏ…chuyện không tránh được”
Theo công văn hướng dẫn về thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT ra cách đây 16 năm (tháng 3/2.000) quy định hàng năm sở giáo dục tổ chức thi cấp chứng chỉ nghề cho học sinh vào tháng 3 và trong thời gian nghỉ hè.
Chứng nhận nghề phổ thông do giám đốc sở giáo dục ký. Những học sinh có chứng nhận nghề phổ thông sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp. Trong đó, đối tượng học là học sinh THCS và học sinh THPT.
Sau đó, Bộ giáo dục có tiếp các văn bản hướng dẫn học nghề quy định, học nghề ở bậc THCS 70 tiết chỉ học ở lớp 8, học nghề ở bậc THPT 105 tiết bắt đầu học từ lớp 11. Các trường tự tổ chức dạy học nghề hoặc trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất dạy học thì phải phối hợp các trung tâm hướng nghiệp hoặc các cơ sở đào tạo nghề địa phương được sở GD&ĐT cho phép dạy nghề theo chương trình của bộ ban hành.
Sau khi kết thúc phần học, mỗi học sinh thực hiện hai bài thi gồm lý thuyết và thực hành. Trong đó, để đạt loại giỏi học sinh phải đạt tổng điểm trung bình hai bài thi từ 9.0-10 điểm; loại khá khi học sinh đạt điểm trung bình hai bài thi từ 7.0 đến dưới 9.0 và điểm trung bình là những trường hợp còn lại. Văn bản hướng dẫn ghi rõ căn cứ kết quả xếp loại thi nghề phổ thông, học sinh sẽ được hưởng mức điểm khuyến khích khác nhau (từ 0.5 điểm -2.0 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp.
Về kinh phí tổ chức thi, các sở giáo dục lập kế hoạch trình UBND tỉnh để tỉnh cấp kinh phí tổ chức thi, một phần kinh phí trích từ việc thu lệ phí thi của học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của việc cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp bậc THCS, THPT nhằm tạo động lực cho học sinh hăng hái học nghề. Từ đó, có sự phân luồng, định hướng sớm nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế điều này tạo kẽ hở để học sinh, giáo viên ở các trường, trung tâm dạy nghề…chạy điểm.
Nguyên hiệu trưởng 1 trường THCS quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, khi còn trong vai trò quản lý, trường có 100% học sinh đăng ký học nghề Tin học. Trường tổ chức dạy học thành 2 lớp tại trường phần là để dễ quản lý phần vì học nghề này học sinh thi dễ đạt điểm cao.
Theo nguyên hiệu trưởng này, có những năm học sinh đăng ký học nghề điện, hoa giấy…nhưng điểm thi kém, điểm cộng thấp học sinh, phụ huynh không mặn mà.
“Chưa kể, quá trình tổ chức thi cũng có chuyện phụ huynh, giáo viên nhờ vả này nọ để con được loại giỏi, cộng điểm tối đa. Phụ huynh này truyền tai phụ huynh kia rồi xin xỏ là chuyện không tránh được”, vị này nói.
Cần sửa đổi quy định
Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh THPT là cần thiết. Nhất là nhằm mục đích phân luồng học sinh ngay từ THCS. Khi còn học lớp 8,9 các trường nên cho học sinh cái nhìn rõ ràng về các nghề như: Sư phạm, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư cơ khí, nghề điện, bộ đội, công an…bằng cách đưa học sinh tham quan, thực tế chính cơ sở làm việc của các nghề đó.
Từ đó, học sinh có cái nhìn ban đầu về nghề. Ví dụ, là bộ đội thì các chiến sĩ phải học tập, rèn luyện, chiến đấu…như thế nào từ đó hun đúc, khơi gợi tình yêu, sự ham mê một nghề nhất định nào đó cho học sinh. Nếu làm tốt phần định hướng, sẽ chỉ có khoảng 30 - 40% lên học THPT số còn lại sẽ chọn học ở các trường trung học nghề.
Theo ông Nhĩ, khi đặt ra quy định, cần có sự quản lý tốt không để buông lỏng khiến một số nơi, một số trường tổ chức học nghề hình thức, gây lãng phí tiền bạc nhà nước, lãng phí thời gian của học sinh. Ông cũng cho rằng, các trường chỉ có vai trò định hướng, khơi gợi còn lựa chọn nghề nào trong số rất nhiều nghề nghiệp hiện nay là quyền của học sinh.
“Việc nhiều trường có 100% em chọn nghề hoa giấy hay Tin học chỉ để tiện cho công tác tổ chức dạy học là việc làm sai trái, không đạt mục đích tốt đẹp của công tác hướng nghiệp, dạy nghề”, ông Nhĩ nói. Để giải quyết bất cập hiện tại, ông Nhĩ cho rằng, Bộ nên có khảo sát, đánh giá lại thực tiễn để có sửa đổi quy định về dạy và học nghề.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình học nghề phổ thông có sự liên kết giữa bộ giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vì đa số trường học không đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức dạy nghề nên phối hợp các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề tại các địa phương để tổ chức dạy học. Vì thế, hiện nay đa số trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề ở địa phương “sống” nhờ chương trình học nghề phổ thông. Trong khi, cơ sở vật chất tổ chức dạy học cũng không đầy đủ.
Tiền Phong đã liên hệ với cơ quan quản lý, ra văn bản hướng dẫn về học và thi chứng chỉ nghề là Bộ GD&ĐT để hỏi về tính hiệu quả của chương trình nhưng nhiều ngày qua chưa nhận được câu trả lời.