Học ngành dầu khí để cha mẹ bớt cực

Học ngành dầu khí để cha mẹ bớt cực
TP - Nhà nghèo, không một giờ đến lớp học thêm nhưng Phạm Hồng Bảy ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã đỗ vào tốp đầu cùng lúc hai trường danh giá là Đại học Dầu khí và Đại học Y Huế.

> Chàng trai Nùng mồ côi vào đại học

Phạm Hồng Bảy cùng thầy chủ nhiệm năm lớp 12
Phạm Hồng Bảy cùng thầy chủ nhiệm năm lớp 12.

Bảy nhập học trường Đại học Dầu Khí sau cả tháng trời cả gia đình toan tính. Khi nhận được giấy báo đậu cùng lúc hai trường đại học với số điểm cao (25,5 điểm, cộng điểm khu vực là 27 điểm) cả gia đình Bảy nhiều đêm không ngủ.

Nếu học ngành y, mất sáu, bảy năm trời mài quần trên ghế giảng đường trong lúc cha mẹ ngày càng già yếu, không còn khả năng lao động khiến ước mơ được làm bác sỹ của Bảy đã không thể thành hiện thực.

Ngôi nhà nhỏ phủ đầy bụi khói xi măng của Bảy ở thôn Áng Sơn giờ trống trải hơn, khi trong nhà chỉ còn lại ba thân già nương tựa vào nhau.

Ông Phạm Tinh Vi (78 tuổi, bố của Bảy) cho biết, ông vừa trở về từ trường Đại học Dầu khí sau khi làm thủ tục nhập học cho Bảy.

Ông vui mừng khi nhà trường đón cha con ông rất nồng ấm và thông báo điểm thi của Bảy đứng thứ 3 toàn trường.

Giải thích về sự hiếm muộn của mình, ông gạt nước mắt cho biết: Ông là quân nhân về hưu sau 30 năm phục vụ trong ngành thông tin liên lạc từ chống Pháp đến chống Mỹ.

Năm 1989, vợ trước của ông đã đột ngột ra đi sau một tai nạn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, để lại cho ông 6 đứa con nhỏ dại.

Một mình ông không thể lo đủ đầy cho những đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đã buộc ông phải đi bước nữa.

Bà Lê Thị Thuyên, cũng chỉ vì nhà nghèo, tất bật làm thuê làm mướn nên quá lứa, lỡ thì đã tình nguyện đến với ông.

Năm 1994 hai ông bà sinh Phạm Hồng Bảy trong đói khổ, nhưng được cái Bảy có tư chất thông minh và rất ham học.

Từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông, Bảy luôn đứng đầu lớp và thường xuyên đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện và tỉnh.

Biết phận con nhà nghèo, cha mẹ tuổi già sức yếu, Bảy chăm chỉ học tập và luôn hứa với cha mẹ là sẽ làm bác sỹ để chăm sóc sứa khỏe cho hai người.

Bà Thuyên mừng tủi kể: “Hắn (Bảy) tội lắm, biết nhà nghèo nên không hề đòi hỏi, mẹ mua cho chi là dùng nấy, từ sách, vở đến áo quần, giày dép... Nhiều khi thấy bạn bè của hắn ăn mặc tươm tất, nhìn lại con mình mà tui buốt cả ruột gan. Thấy hắn học ngày, học đêm, người gầy rộc, đi mua cái gì ngon ngon về bồi dưỡng là hắn cứ gạt đi, nói là dành tiền để đi thi đại học”.

Bà Thuyên còn cho biết thêm, 12 năm phổ thông ở trường Hoàng Hoa Thám (huyện Lệ Thủy) cách nhà 7 cây số, ngoài giờ học Bảy còn phải cơm nước, chăm sóc bà cô già yếu (chị ruột của ông Vi, năm nay 90 tuổi) ở một mình, không con cái.

Từ khi Bảy nhập học, ông bà Vi phải đưa bà cô về ở trong nhà vì không còn người chăm sóc.

“Cả nhà giờ trông chờ vào đồng lương hưu 3 triệu đồng của ông ấy (ông Vi), tui thì đau yếu giờ không thể đi làm thuê, làm mướn như trước nữa. Con vào đại học thì mừng nhưng không biết có gắng gượng được cho nó đến khi ra trường” - bà Khuyên lo lắng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG