Học đàn tranh tắm bùn, 'ăn kem kiểu Ý': Giới chuyên môn nói gì?

TP - Mới đây, hình ảnh về một khóa học đàn tranh của thầy V.T - một nghệ nhân nổi tiếng ở Đồng Nai đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Những hình ảnh ôm hôn giữa ông này và học trò, cùng màn thầy trò chụm đầu “ăn kem kiểu Ý” bị cho là phản cảm, dung tục.

“Tắm bùn và nhận bảo kiếm”

Những ngày này, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi, có những hành động gần gũi, ôm ấp, quàng vai bá cổ, tắm bùn, thậm chí chụm đầu ăn chung một que kem… cùng các cô gái ăn mặc “mát mẻ”. Người đàn ông trong những tấm hình đó là nghệ nhân đàn tranh V.T - ở khu D.T.T (Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai). Còn các cô gái là học viên đến học đàn tranh. Được biết, D.T.T là căn nhà được vợ chồng ông V.T xây dựng theo lối xưa, để học nhạc và dạy nhạc.

Học đàn tranh tắm bùn, 'ăn kem kiểu Ý': Giới chuyên môn nói gì? ảnh 1 Hình ảnh thầy trò “ăn kem kiểu Ý” khiến dư luận bức xúc

Trên trang facebook D.T.T cũng thường xuyên đăng tải rất nhiều hình ảnh, khoảnh khắc đàn ca sáo nhị hoặc ngao du sông nước, vui vẻ đời thường của người thầy râu tóc bạc phơ cùng học viên nữ. Hình ảnh được đăng kèm những dòng trạng thái rất thi vị, cho rằng việc học nhạc phải “thoát tục” và bay bổng. Đặc biệt, trước khi được truyền nghề, các học viên sẽ phải trải qua một nghi thức kì lạ là xuống ao cùng thầy “tắm bùn và nhận bảo kiếm”.

Nói về khoá học đặc biệt của mình, ông V.T giải thích: “Chuyện tắm bùn và nhận bảo kiếm là thủ tục có 2 ý nghĩa lần lượt là thanh lọc cơ thể và tri ân khía gỗ đã tạo nên cây đàn”. Còn chuyện “ăn kem kiểu Ý” cùng học trò, ông T. khẳng định đây là việc “hết sức bình thường bởi học viên của ông đa phần từ nước ngoài về”.

Ông T. cho rằng, với những hình ảnh đó, nếu nhìn với con mắt của những người “phàm phu” thì họ sẽ đưa ra nhận xét như trên mạng xã hội. Còn dưới con mắt của “trượng phu” họ sẽ nhìn nhận và hiểu theo cách khác. “Vì nhiều người có cách nhìn như vậy nên tôi vẫn nói cách dạy nhạc của tôi không dành cho người phàm phu. Chỉ những ai thật sự yêu nhạc dân tộc cổ truyền, hướng đến những người đã đạt đến cõi ngộ mới theo học được”, ông nói.

Học đàn tranh tắm bùn, 'ăn kem kiểu Ý': Giới chuyên môn nói gì? ảnh 2 Theo nghệ nhân V.T, cách dạy của ông giúp học viên khơi dậy tiềm năng và cảm thụ âm nhạc dân tộc tốt hơn

Một điểm lạ lùng nữa là khoá học đàn tranh của thầy T. chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mỗi người chỉ được dạy trong khoảng 3 ngày, bao gồm các kĩ năng cơ bản sau đó tự tập. Nếu sau 3 ngày vẫn không chơi đàn được thì người đó được xem là không có năng khiếu.

Nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra bức xúc với cách dạy đàn tranh này của ông V.T. “Chưa bàn đến chuyên môn, nhưng cách giao tiếp giữa thầy và trò như thế là đã trái đạo lý rồi”, tài khoản Trung Nguyễn nhận xét. “Học đàn thôi mà phải ăn mặc hở hang, rồi ôm ấp thế á? Nguỵ biện!”, tài khoản Hương Trà bày tỏ. “Thoát tục đâu chả thấy, chỉ thấy dung tục, nhảm nhí!” một người dùng tên Hoàng Kim bức xúc.

Tuy nhiên, dù bị dư luận lên án, ông V.T khẳng định “không quan tâm” và sẽ vẫn dạy các học viên theo phương pháp mới mẻ của mình. Ông cho rằng đó là cách để ông “giới thiệu và gìn giữ âm nhạc dân tộc cổ truyền cho thế hệ mai sau”.

“Minh oan” cho đàn tranh

Theo các nhà nghiên cứu nhạc cụ dân tộc, đàn tranh thuộc họ dây, chi gảy có xuất xứ từ cây đàn sắt của người Trung Hoa. Đàn tranh được du nhập sang đất Việt từ thời nhà Trần. Qua gần 80 thập kỷ, người Việt Nam đã Việt hóa để cây đàn mang nhiều điểm nhấn phù hợp với văn hóa âm nhạc dân tộc mình.

Học đàn tranh tắm bùn, 'ăn kem kiểu Ý': Giới chuyên môn nói gì? ảnh 3 NSND Phương Bảo (Nguyên giảng viên, Trưởng bộ môn đàn tranh- Nhạc viện Hà Nội)

Nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Huyền (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sông Tranh cho biết, với kiểu dáng gọn nhẹ, đặc biệt âm điệu giàu sức biểu cảm và khả năng diễn tấu phong phú, ban đầu, đàn tranh được xem là cây đàn “quý tộc” chỉ xuất hiện ở chốn cung đình xa hoa, phục vụ cho vua chúa và các bậc tao nhân mặc khách. “Người chơi thường pha trà, tắm rửa, xức dầu thơm để thanh lọc cơ thể, gột rửa bụi trần trước khi chơi đàn. Bởi vậy, ở những người chơi đàn tranh luôn toát ra khí sắc thanh tao, thoát tục”, chị nói.

“Dần dần, nhạc cụ này đã hòa mình với đời sống của tầng lớp nhân dân lao động bình dân, bên cạnh các nhạc cụ dân tộc khác như: nhị, sáo, đàn bầu… Các nghi lễ có thể không còn được giữ hoặc bị biến đổi. Tuy nhiên, không vì thế mà được phép làm mất đi tinh thần thanh tao, tinh tế của đàn tranh bằng những hành động phản cảm, đầy tính nhục dục”, nghệ sĩ Ngọc Huyền phân tích. Chị cũng cho rằng, đây là cây đàn của Việt Nam, bởi vậy, người chơi phải hướng đến văn hoá của người Việt, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Đồng quan điểm, nghệ sĩ Hương Đức (CLB Đàn tranh Hương Đức) cũng thốt lên: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy học đàn tranh thì phải tắm bùn!”. Nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy đàn tranh, chị chia sẻ, bản thân luôn hướng cho học viên đến với tình yêu của âm nhạc dân tộc, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống.

“Tôi cũng dạy học trò phải thanh lọc. Nhưng là thanh lọc tâm hồn, chứ không phải bằng những hành động kỳ dị. Đàn tranh Việt Nam vốn mang vẻ đẹp kín đáo, nữ tính, thường gắn với hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài nền nã, sang trọng. Các học viên người nước ngoài khi đến với tôi cũng sẽ theo tinh thần ấy. Chứ họ không nhân danh phương Tây để đòi hỏi phải thoáng, phải thân mật, suồng sã quá mức. Bởi vậy, nếu những hình ảnh về khoá học đàn tranh kia là sự thật thì theo tôi người thầy đã không tôn trọng giá trị của âm nhạc”, nghệ sĩ Hương Đức bày tỏ.

Nguyên là giảng viên Nhạc viện Hà Nội (Trưởng bộ môn đàn tranh), từng đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, giảng viên đàn tranh, NSND Phương Bảo chia sẻ: “Chúng ta cũng không nên lo lắng là đàn tranh sẽ bị hiểu sai lệch giá trị, bởi sự việc trên chỉ là ý thích của một cá nhân để phục vụ mục đích cá nhân, chứ không đại diện cho cả một loại hình nghệ thuật. Nó chỉ thể hiện sự cuồng tín mà thôi. Mục đích có thể đúng, khi hướng đến những điều tốt đẹp, nhưng hành động thì lại gây phản tác dụng. Người hiểu thì còn thông cảm, chứ người không hiểu lại nghĩ rằng muốn học đàn tranh thì phải tắm bùn thoát tục”.

Nghệ sĩ Phương Bảo phân tích, cái hay nhất của đàn tranh chính là sự linh hoạt. Không chỉ là những giai điệu nhẹ nhàng, thanh tao như xưa nữa mà còn thể hiện được cả những cảm xúc mãnh liệt, sôi nổi. Chính sự làm mới đó giúp đàn tranh dễ hoà nhập hơn với cuộc sống hiện đại. “Tôi ủng hộ những tư duy làm mới, phá cách. Nhưng làm phải khéo. Giống như khi vẽ tranh khoả thân, ngoài việc do người xem cảm nhận thì cái tài của họa sĩ là phải vẽ như thế nào để đại chúng nhìn vào thấy được sức sống và vẻ đẹp hoàn mỹ, chứ không phải là sự phản cảm, thô tục”, nguyên Trưởng bộ môn đàn tranh của Nhạc viện Hà Nội nhận định.

MỚI - NÓNG