Cầm đàn tranh ngược và các loại 'sạn'

Cảnh chơi đàn tranh ngược trong “Trạng Quỳnh”
Cảnh chơi đàn tranh ngược trong “Trạng Quỳnh”
TP - Bộ phim chiếu Tết Nguyên đán 2019 “Trạng Quỳnh” bất ngờ “nóng” trở lại nhờ công nhặt “sạn” của NSƯT Thành Lộc. Anh phát hiện ra lỗi cầm đàn tranh ngược của nhân vật Điềm, do diễn viên Nhã Phương thủ vai, bằng một dòng trạng thái ý nhị: “Không nghĩ là thời xưa người ta có thiết kế đàn tranh dành cho người thuận tay trái”.

Từ phim điện ảnh

“Cả đoàn phim không ai phát hiện là cây đàn tranh bị ngược hết! Xem mà giật mình luôn, phim điện ảnh đó! Đã là phim ảnh thì lỗi nặng hơn thuộc về đạo diễn và chính người diễn viên đã quá tắc trách với kỹ năng của mình”, Thành Lộc bày tỏ thái độ. Khi câu chuyện chơi đàn tranh ngược trong “Trạng Quỳnh” trở nên ồn ào, Thành Lộc muốn mọi chuyện dừng lại, anh nói: Chỉ có ý định chia sẻ một góc nhìn, đăng vui vui  vậy, chứ không có ý định công kích ai, không có ý bắt bẻ ai. Thực ra, trước khi bị Thành Lộc “soi”, “Trạng Quỳnh” dù khiến nhiều người tròn mắt khi công bố doanh thu trăm tỷ thì đây vẫn là bộ phim bị đánh giá thấp về nội dung lẫn diễn xuất của diễn viên. Ngay khi mới “chào đời” “Trạng Quỳnh” đã bị xem như một nỗi buồn, một sự thất vọng đầu năm của phim Việt.

Cho đến nay, diễn viên Nhã Phương hay đạo diễn Đức Thịnh chưa phản hồi về chuyện cầm đàn tranh ngược. Chắc cũng chẳng biết phải nói gì khi chứng cớ rành như thế? Im lặng vẫn là giải pháp tốt, rồi mọi thứ sẽ qua, vì “thượng đế” lại bận bịu với những vụ “bắt lỗi” khác.

Ngược dòng thời gian, một tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị bắt lỗi nhưng không phải bắt lỗi diễn viên, mà bắt lỗi về ảnh thờ, trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang”. Đây là bộ phim nói về cuộc sống, tâm trạng của hai người già nơi đất khách quê người, Hoài Linh vào vai Tư Lành, Chí Tài vào vai Năm Triều.

Phim bị khán giả phát hiện ảnh thờ vợ ông Tư Lành giống chân dung vợ Tưởng Giới Thạch, bà Tống Mỹ Linh. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhanh chóng tiếp thu ý kiến của khán giả và nhận sai sót. Nguyên nhân dẫn đến sai sót: Do người Việt kiêng không dùng ảnh thật đưa lên bàn thờ nên họ tạo một bức ảnh hư cấu, thông qua một bức ảnh có sẵn trên mạng, chẳng ngờ lại ra bà Tống Mỹ Linh (?!).

Tới phim truyền hình

So với phim điện ảnh thì những vụ bắt lỗi nho nhỏ ở phim truyền hình nhiều không kể xiết. Mấy ngày qua, khán giả rộn ràng với màn đeo khẩu trang ngược của nữ diễn viên truyền hình đang “hot” Bảo Thanh trong bộ phim “Những ngày không quên”. Bị “thượng đế” bắt lỗi quyết liệt, Bảo Thanh lên tiếng rằng,  nhân vật do cô thủ vai phải thoại nhiều, mà chiếc khẩu trang ấy phải đeo ngược mới nói được, “không là được hai câu nó tuột xuống tận cằm”.

Cầm đàn tranh ngược và các loại 'sạn' ảnh 1 Thầy giáo làng trong phim “Mắt biếc” lại là tay chơi hàng hiệu

Lý giải này của Bảo Thanh cũng nhận được đồng tình từ một vài khán giả, họ công nhận loại khẩu trang này cứ đeo đúng chiều là bị rộng không ôm mặt được, phải đeo ngược mới không bị rộng. Nữ diễn viên còn nói thêm: Khẩu trang mà cô dùng không phải khẩu trang y tế, nên không có qui định là phải đeo thế nào mới đúng, chỉ cần người sử dụng đeo chặt, kín mũi, ngăn ngừa khói bụi và giọt bắn ra ngoài là được.

Nhiều người nói phản ứng của Bảo Thanh cực kỳ thuyết phục song câu hỏi đặt ra, tại sao làm phim về mùa COVID-19 lại không cố gắng chọn một loại khẩu trang đạt chuẩn, để đeo đúng vẫn có thể giao tiếp tốt? Không biết chiếc khẩu trang Bảo Thanh dùng thuộc nhà sản xuất nào, đến nay chưa thấy họ lên tiếng giải thích vì sao lại sản xuất những chiếc khẩu trang dùng ngược tốt hơn dùng xuôi? Làm cả một bộ phim tuyên truyền phòng chống dịch nhưng thứ cần tuyên truyền nhất lại chưa để tâm. Lại còn lí luận không phải khẩu trang y tế thì đeo thế nào cũng được. Ở đây, diễn viên hay đạo diễn đáng trách?

Nhặt “sạn” phim truyền hình Việt vốn là thú vui của nhiều “thượng đế”. Như bộ phim gây sốt “Cầu vồng tình yêu”, ở tập 26, Minh Khang (do Hồng Đăng thủ vai) đến đón Mộc Miên (Hồng Diễm) bằng chiếc xe ô tô màu đen biển số 30D-6786 nhưng đến khi xe chạy đến địa điểm cần dừng lại biến thành màu trắng với biển số 30E-6789.

Cũng trong phim này, nhân vật Diễm Lệ (do Diệu Hương đóng) đã bị “soi” bộ tóc, bước lên tầng với mái tóc xoăn, bước xuống nhà đã hóa ra tóc thẳng… Hay hàm răng của nam diễn viên Việt Anh trong phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng thành đề tài bàn tán cho khán giả. Khi gặp bố vợ tương lai, Tuấn Sơn (Việt Anh đóng) để lộ hàm răng thẩm mỹ trắng sáng, nhưng thoắt cái soái ca này gặp Vân (Bảo Thanh đóng) thì hàm răng lại xỉn màu, không thẳng hàng ngay lối… Những “lỗi” diễn viên sắm vai bà mẹ nghèo, thầy giáo làng nhưng sử dụng phụ kiện hàng hiệu xảy ra ở cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình.

Tuy “sạn” không ảnh hưởng nhiều đến sức lan tỏa của bộ phim, song chúng lại khiến khán giả buồn cười, tụt hứng. Thậm chí có “thượng đế” cảm thấy mình không được tôn trọng: “Khán giả có thể bỏ qua nhưng xin nhắc các nhà làm phim: Đừng tưởng người xem không biết chi”, một độc giả bình luận sau khi một bộ phim điện ảnh bị nhặt “sạn”. 

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.