Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay, 5/9, cùng hàng triệu học sinh trên cả nước, những trẻ em ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Mù – một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) cũng có một lễ khai giảng thật vui mặc dù dãy phía trước ngôi trường cũ vẫn còn đang ngổn ngang công trình dãy phòng học kiên cố mới đang được xây dựng.

Theo thầy phó Hiệu trưởng Nguyễn Chí Anh, nhà trường có 26 cán bộ giáo viên, đảm nhiệm công tác dạy học và chăm lo đời sống 680 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó hơn 70% ở nội trú. Theo chính sách, các em ở bán kính 2km tính từ điểm trường sẽ được ở nội trú. Trong số các em học sinh nhỏ tuổi, có nhiều em nhà xa, giao thông khó khăn, khi vào năm học phải hàng tháng mới được bố mẹ đón về thăm nhà.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 1

Sân trường ngổn ngang vật liệu xây dựng dãy phòng học mới

Trong buổi tập trung tại trường trước ngày khai giảng, những gương mặt ngây thơ, những cặp mắt sáng long lanh e dè quan sát khách lạ, nhiều em mới bắt đầu được tiếp nhận vào lớp 1 còn chưa biết tiếng phổ thông mới thấy sự vất vả của các thầy cô giáo nơi đây. Ngoài công tác dạy chữ, các thầy cô còn kiêm cả làm cha làm mẹ chăm sóc từng giấc ngủ, bữa ăn cho các em học sinh nội trú, hướng dẫn các em mọi kỹ năng để sống tự lập và hòa nhập với tập thể.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 2

Phòng nội trú gọn gàng sạch sẽ trước ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023

Là điểm trường ở xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhìn vào số lượng học sinh của điểm trường tiểu học xã Bản Mù cho thấy, nhận thức của đồng bào Mông về cái chữ cho con em đã được nâng lên. Cùng với đó Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số đã góp phần thúc đẩy người dân quan tâm đến việc cho con em đến trường.

Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Học sinh bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn (40% mức lương tối thiểu chung) và tiền nhà ở (10% mức lương tối thiểu chung), hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 3

Trường có 680 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5

Anh Giàng A Thái, Phó chủ tịch xã Bản Mù, sinh năm 1993 – một trong 2 lãnh đạo xã trẻ nhất của huyện Trạm Tấu, cho biết, Xã Bản Mù có diện tích 122,75 km², dân số năm 2019 là 5.690 người, mật độ dân số đạt 46 người/km². 100% cư dân của xã Bản Mù là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống cư dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nguồn lợi từ chăm sóc bảo vệ rừng. Trong những năm qua, đồng bào đã có những bước nhận thức vượt bậc về việc ứng dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất. Để làm tốt điều đó việc đầu tiên phải đi học để đọc được cái chữ. Do đó, các gia đình người Mông, đặc biệt là các gia đình trẻ đã quan tâm cho con em đến trường.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trang A Tùng (31 tuổi) và vợ Giàng Thị Văn (35 tuổi) ở thôn Mù Thấp. Căn nhà truyền thống của người Mông nằm ven một sườn dốc cao. Anh Tùng cho biết, anh có 3 đứa con, đều đi học nội trú ở trường THCS Khâu Ly cuối tuần mới về. Những năm trước khi còn học tiểu học, các con anh cũng được các thầy cô giáo ở điểm trường nội trú, bán trú xã Bản Mù dạy dỗ. Anh Tùng cho biết, các con được ở nội trú nên vợ chồng anh có nhiều thời gian để chăm sóc đàn trâu và nương khoai sọ - một đặc sản của vùng núi cao Trạm Tấu. Khi chúng tôi đến, vợ chồng anh vui mừng khoe vừa dỡ một một vạt khoai để bán thu về được 3 triệu đồng.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 4

100% học sinh là con em người dân tộc Mông

Được sự kết nối của anh Giàng A Tặng, Bí thư huyện Đoàn Trạm Tấu, trong chuyến lên Bản Mù chia sẻ yêu thương với học sinh vùng cao trước ngày khai giảng, một nhóm thiện nguyện đã mang đến với thầy trò của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Mù 680 suất quà tặng gồm 2.000 cuốn vở do công ty K.Long gửi tặng, kèm sách giáo khoa đủ trang trải cho các em học sinh năm học 2022-2023, bánh kẹo và 10 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 5

Các nhà hảo tâm gửi tặng thầy trò nhà trường

Phát biểu tại buổi trao quà, anh Giàng A Tặng cho biết, huyện trạm tấu, toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn, ngoài thị Trạm Tấu nằm trong vùng đô thị, năm 2020 có xã Hát Lìu đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã vùng cao còn lại chủ yếu là con em người dân tộc Mông còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tri thức. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục rất chú trọng nâng cao giáo dục thế hệ trẻ, làm sao cho các em tiếp cận được nhiều tri thức nhất có thể vì các em là thế hệ vừa giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời cũng là những thế hệ từng bước xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Đồng hành cùng các cấp các ngành địa phương, trong những năm qua, Trạm Tấm đã được đón nhận nhiều tình cảm của các doanh nghiệp, hội nhóm, nhà hảo tâm dành cho quê hương Trạm Tấu.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn ảnh 6

Học sinh vùng cao luôn cần sự chia sẻ của cộng đồng

Chia sẻ tại buổi trao quà cho học sinh nhà trường, thầy phó Hiệu trưởng Nguyễn Chí Anh, 15 năm gắn bó với công tác giáo dục ở huyện vùng cao, cho biết, các em học sinh và đồng bào dân tộc nơi đây còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và trở ngại trong việc tiếp cận tri thức. Do đó, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng về mọi mặt để hỗ trợ động viên bà con. Những món quà đến với học sinh nhà trường luôn là niềm động viên to lớn đối với thầy và trò của ngôi trường vùng cao quanh năm mây phủ.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.