Không còn là hình thức, phong trào
Phong trào tình nguyện thời gian qua được đánh giá có nhiều sáng tạo, cách làm mới, vậy những điểm mới nhất theo ông là gì?
Trong thời gian qua, hoạt động tình nguyện đã phát triển mạnh và có sự chuyển hóa rất nhanh cả về chất và lượng. Sắp tới, hoạt động tình nguyện sẽ vẫn phát triển rộng khắp nhưng sẽ không còn là những việc mang tính hình thức, phong trào, dàn trải mà sẽ có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết những việc cụ thể, thiết thực. Các hoạt động tình nguyện chuyên (tình nguyện gắn với chuyên môn, gắn với thế mạnh của chính ĐVTN) sẽ nở rộ và phát triển mạnh mẽ bởi tính hiệu quả, thiết thực, bền vững và khả năng lan tỏa. Bên cạnh đó, các hoạt động tình nguyện sẽ do các bạn trẻ chủ động xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn lực và tổ chức thực hiện. như vậy, sẽ phát huy tối đa tính sáng tạo của các bạn. Tổ chức Đoàn sẽ giữ vai trò định hướng, điều phối, giám sát để tránh các hiện tượng biến tướng trong hoạt động tình nguyện làm mất đi giá trị và làm méo mó đi hình ảnh của thanh niên.
Các hoạt động tình nguyện gắn với chuyên môn của sinh viên cần được nhân rộng và phát huy bởi ở đó sinh viên vừa có cơ hội thực hành kiến thức, kỹ năng tích lũy được trên giảng đường, vừa giúp đỡ được bà con nhân dân, thanh thiếu nhi ở địa bàn tình nguyện. Còn đối với thanh niên ở các khu dân cư, thanh niên nông thôn, hoạt động tình nguyện cần phát triển theo hướng giải quyết các vấn đề “nóng”, các bài toán xuất phát từ thực tiễn của địa phương đó, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên.
Theo ông, vậy có nên thu hút “chất xám” về nước để họ cống hiến?
“Tổ chức Đoàn ở các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, chú trọng các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khai thác những thế mạnh của địa phương để tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình thay vì chỉ tập trung vào mảng giới thiệu việc làm tại các KCN, KCX hoặc đi XKLĐ”.
TS Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội
Tôi nghĩ, không nhất thiết phải thu hút các trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ về nước làm việc bằng mọi giá. có một số ngành, lĩnh vực nếu về việt nam làm việc có thể không phát huy được tối đa và khó phát triển như thế là một sự lãng phí. Theo đó, những người Việt trẻ đang sống và làm việc tại nước ngoài vẫn có nhiều cách để cống hiến ví dụ như làm cầu nối để quảng bá văn hóa, giới thiệu về truyền thống, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam hoặc sự thành công của các bạn trên đất khách cũng là góp phần làm rạng danh Tổ quốc… Chỉ cần các bạn nghĩ đến quê hương, đất nước và nếu thực sự muốn cống hiến và đóng góp thì các bạn trẻ làm việc tại Việt Nam hay ở nước ngoài sẽ bằng cách này hay cách khác vẫn có thể cống hiến và đóng góp được.
Đối với các bạn đã trở về nước, các bạn đó đều mong muốn được đóng góp, cống hiến cho đất nước và họ mong muốn có một môi trường làm việc phù hợp để họ có thể được tiếp lửa và truyền lửa. Đấy là điều quan trọng nhất.
TS Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tập trung tạo việc làm cho thanh niên
Theo ông Đoàn Thanh niên và các Trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay cần thay đổi ra sao để tạo cơ hội việc làm cho thanh niên?
Theo tôi biết, các tỉnh, thành Đoàn đều có các trung tâm Giới thiệu việc làm hay Sàn giao dịch việc làm thanh niên. Các Trung tâm này cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tìm hiểu nhu cầu xã hội và tư vấn hướng nghiệp sớm dành cho thanh niên ngay từ khi còn là học sinh cấp III, thậm chí sớm hơn nữa để các em có đầy đủ thông tin khi chọn trường, chọn ngành nghề và định hướng việc làm trong tương lai.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn ở các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, chú trọng các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp (đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp) nhằm khai thác những thế mạnh của địa phương để tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương thay vì chỉ tập trung vào mảng giới thiệu việc làm tại các KCN, KCX hoặc đi XKLĐ.
Nhưng để khởi nghiệp thì phải có vốn?
Tùy từng điều kiện cụ thể mà tổ chức Đoàn cần có cơ chế hỗ trợ huy động nguồn lực, hỗ trợ cho ĐVTN. Ví dụ như, Đoàn cần thông tin rộng rãi về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội để sinh viên hiểu và tiếp cận. sau đó, cùng ngân hàng theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ sinh viên tháo gỡ khó khăn. Ở một số đơn vị có điều kiện thuận lợi thì Đoàn có thể phát huy các nguồn lực sẵn có hoặc chủ động tìm kiếm nguồn kinh phí, nhà tài trợ để thành lập các quỹ học bổng dành cho sinh viên hoặc hỗ trợ học phí dành cho sinh viên khó khăn, sinh viên khuyết tật…
Ngoài các yếu tố trên, tổ chức Đoàn cần phải làm gì để định hướng cho thanh niên?
Tổ chức Đoàn có ưu thế mà không tổ chức nào có được đó là nơi tập hợp được những người trẻ, năng động, dễ tiếp cận và khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy. Vì vậy, Đoàn nên khai thác thế mạnh đó theo 2 góc độ: Thứ nhất, tận dụng những kênh thông tin của Đoàn (đặc biệt là mạng xã hội, diễn đàn, cổng thông tin điện tử) trong việc nắm bắt dư luận, tâm tư tình cảm, nhu cầu thị hiếu, nguyện vọng của thanh niên để nâng cao hiệu quả của các hoạt động giáo dục, định hướng lý tưởng, lối sống cho thanh niên.
Thứ hai, thông qua các hoạt động của Đoàn để cung cấp và định hướng thông tin, các giải pháp tổ chức triển khai hoạt động phải hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Để thực sự đoàn là người bạn của thanh niên thì đoàn cần quan tâm đến giải quyết quyền lợi chính đáng của thanh niên.
Cảm ơn ông.