Trả lời chất vấn của các đại biểu về hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, cả nước chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở lại các trung tâm đăng kiểm, còn lại đều đã mở hết. Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo Hòa Bình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. “Dự kiến trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình sẽ mở cửa trở lại trong thời gian tới”, ông Thắng thông tin.
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Vì sao trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài chưa được dỡ bỏ? |
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, ngoài những giải pháp mà bộ đã thực hiện trong thời gian qua, cần đổi mới cơ chế tài chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Thừa nhận, cuộc khủng hoảng đăng kiểm gây ra hậu quả rất lớn, khiến người dân và doanh nghiệp rất vất vả, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian qua có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ công chức viên chức và đăng kiểm viên bị khởi tố; 106/281 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Ngay khi xảy ra vụ việc, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an tìm cách khôi phục lại hoạt động đăng kiểm để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ cũng sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 với quy định tự động giãn đăng kiểm mà không cần đem xe đến và kiểm tra xe. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá bị quản lý và để thị trường quyết định. “Có như vậy mới đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: “Chúng tôi khi xử lý rất cố gắng nỗ lực, có cái xử lý được, có cái phải tiếp tục đàm phán”. Ảnh: Như Ý. |
Tham gia vào cuộc tranh luận, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cho rằng, khi xảy ra vụ việc, lẽ ra cơ quan quản lý phải nắm rõ hơn hết những tác động, những xáo trộn, để có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Thông qua vụ việc đăng kiểm, đại biểu cũng gửi câu hỏi đến Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng sao cho “đánh chuột không để vỡ bình”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi vụ việc xảy ra, Bộ GTVT đã phải xử lý tình huống như đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng. Đồng thời huy động tất cả các đăng kiểm viên trong cả nước để tăng cường cho các trung tâm. Đến nay, qua tháo gỡ các vướng mắc dần được giải quyết; Cục Đăng kiểm cũng đã tuyển dụng được 350 nhân lực... “Tôi cam kết với Quốc hội, với các đại biểu là chỉ hết tháng 6 này, chậm nhất là đầu tháng 7, các trung tâm đăng kiểm sẽ trở lại hoạt động bình thường”.
Vì sao chưa xóa bỏ trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài?
Dẫn nghị quyết chất vấn của Quốc hội về xử lý các dự án BOT có nhiều tồn tại, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt câu hỏi, vì sao trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài chưa được dỡ bỏ. “Nghị quyết 62 của Quốc hội đã nêu nhưng chưa được thực hiện thì trách nhiệm này của ai?”, ông Huân chất vấn. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua đã triển khai việc này, nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhà đầu tư. “Nhà nước, doanh nghiệp cũng phải bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng. Chúng tôi khi xử lý rất cố gắng nỗ lực, có cái xử lý được, có cái phải tiếp tục đàm phán, không chỉ đàm phán với nhà đầu tư mà đàm phán với ngân hàng để giảm lãi suất, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư”, ông Thắng nêu thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng nhiều dự án không phải do lỗi nhà đầu tư, cũng không phải của Nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, do nhu cầu thực tiễn phát sinh. Ông Thắng nhắc tới việc sẽ trình nội dung Nhà nước mua lại 8 dự án BOT và nhấn mạnh tất cả phải làm theo quy trình. “Bộ GTVT là cơ quan quản lý chứ Bộ GTVT không có tiền. Chúng tôi đang làm hết sức, tháo gỡ cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư và cả lợi ích của người dân”, ông Thắng nói.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phản ánh, nhiều doanh nghiệp đầu tư làm đường theo hình thức BOT, tuy nhiên sau đó Bộ GTVT lại đầu tư tuyến đường song song, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án. Đại biểu dẫn chứng nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư mở rộng đường Hồ Chí Minh quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, Bộ GTVT đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản. “Với dự án cụ thể nêu trên, khi nào nhà nước áp dụng mua lại dự án như với dự án BOT hầm Đèo Cả để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Thừa nhận trong quá trình phát triển triển “không tính toán hết được”, ông Thắng cho hay, cách đây 10-15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn. Nguồn lực thì có hạn nên phải tạo mọi điều kiện để mời gọi các nhà đầu tư. Đến khi kinh tế, xã hội phát triển, càng cần phải tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Vì vậy, rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng. Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao cho Bộ GTVT nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại dự án của nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi có tuyến tránh do Nhà nước đầu tư. “Tới đây, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cũng như cơ chế xử lý đối với các tuyến, dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước làm tuyến đường song hành”, ông Thắng thông tin.