Hoang phế cảng và nhà máy đóng tàu

Hoang phế cảng và nhà máy đóng tàu
TP - Bên bờ sông Cái Lớn thuộc thị trấn Năm Căn và xã Hàng Vịnh (Năm Căn, Cà Mau), Cảng biển Năm Căn và Nhà máy đóng tàu do Vinalines làm chủ đầu tư, đang dở dang, hoang hóa. Người dân Đất Mũi mất đất, mất nhà và nay vỡ mộng làm công nhân.

> Tối hậu thư cho chủ tàu biển cũ nát
> Tài sản trăm tỷ 'vạ vật' trên biển vì cơ chế

Cảng không có tàu

Cô sinh viên Nguyễn Thùy Dương về thăm quê Hàng Vịnh (Năm Căn) dừng xe, nói: “Hồi nhỏ, em thấy tàu nước ngoài cập cảng này, tàu chạy chậm mà sóng dữ. Từ khi xây dựng cảng biển thì không thấy tàu vô nữa, kỳ thiệt!”.

Cô Dương nhắc đến thời điểm giữa năm 1990, Cảng Năm Căn ở thị trấn Năm Căn (Cà Mau) từ cảng sông được nâng cấp thành cảng biển để phục vụ thương mại quốc tế, với tổng vốn đầu tư hơn 111,6 tỷ đồng. Các đơn vị của Bộ GT-VT thiết kế, giám sát, thi công.

 Sau 4 năm học đại học, tự đóng học phí, được học tại TP Cà Mau với giấc mơ làm việc tại Nhà máy đóng tàu trên quê hương. Nhưng ra trường, tôi phải bán hàng.

Theo thiết kế, Cảng Năm Căn khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000- 12.000 tấn, công suất xếp dỡ hàng hóa 800.000 tấn/năm. Quá trình xây dựng, hạng mục kè bảo vệ dài 300 m dọc theo sông Cửa Lớn, do Cty Xây dựng Cà Mau thi công, đã trôi tuột xuống lòng sông 46m vào đêm 21/6/2001.

Bộ GT-VT bàn giao Cảng Năm Căn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thành lập doanh nghiệp để quản lý khai thác nhưng… không có việc làm, vì đường bộ chưa thông, đường sông nông cạn, không có tàu vào.

Năm 2006, Cà Mau chuyển giao nguyên trạng Cảng Năm Căn và Khu công nghiệp Năm Căn cho Vinashin đầu tư, khai thác. Cũng không hiệu quả. Khi Vinashin khốn đốn, cảng được chuyển cho Vinalines.

Hiện nay, Cảng Năm Căn bị bỏ hoang, cho thuê bãi đậu xe, tập kết vật liệu xây dựng. Ông Trần Hoàng Khện, Giám đốc Cảng Năm Căn, nói: “Đầu tư không đồng bộ, không có điều kiện khai thác, thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh”.

Sau khi đổi chủ, lãnh đạo Cảng Năm Căn vay vốn mua chiếc cẩu 32 tấn để bốc xếp nhưng hàng không có, chiếc cẩu nay thành đống sắt gỉ. Bà Võ Thị Huệ, cán bộ tổ chức- hành chính Cảng Năm Căn nói: “Lương cán bộ, nhân viên phải vay mượn để trả, vẫn thiếu hoài”.

Mất nhà, vỡ mộng

Ông Võ Văn Hành, Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, kể: “Năm 2006, Dự án nhà máy đóng tàu Cà Mau được triển khai trên 58 ha ở bờ sông Cái Lớn, thuộc ấp Xóm Trong của xã. Dân rất mừng, chịu giải tỏa mất nhà, mất đất nhưng cho con đi học nghề, học đại học để về làm việc tại nhà máy. Giấc mộng đẹp nay đã tan”.

Dự án giải tỏa 127 hộ dân, chủ yếu là những hộ sản xuất tôm giống, nuôi tôm thịt và mua bán nhỏ. Bà Huỳnh Thị Leo, 76 tuổi, bị giải tỏa ngôi nhà cũ rộng rãi, nay mua mảnh đất chỉ đủ cất căn nhà.

Chủ tịch UBND xã Võ Văn Hành cho biết: “Việc áp giá bồi thường không đúng thực tế khiến bà con khiếu nại. Mức bồi thường sau đó được tăng lên nhưng đến nay, lãnh đạo Nhà máy còn nợ 2,8 tỷ đồng của dân”.

Vinashin hồi đó quyết định đầu tư 300 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy đóng tàu Cà Mau, trên giấy tờ là có năng lực đóng mới tàu trọng tải từ 5.000 đến 10.000 tấn và sử dụng khoảng 4.000 công nhân.

Vinashin đã cùng các ngành các cấp của Cà Mau tuyển chọn lao động, đào tạo công nhân và mời Đại học GTVT chi nhánh tại TPHCM mở 2 lớp đại học về máy thủy và thiết kế tàu thủy.

Nữ sinh viên Nguyễn Kim Dương ở ấp Xóm Trong, vừa tốt nghiệp lớp đại học thiết kế tàu thủy, nói: “Sau 4 năm học đại học, tự đóng học phí, được học tại TP Cà Mau với giấc mơ làm việc tại Nhà máy đóng tàu trên quê hương. Nhưng ra trường, tôi phải bán hàng, bạn bè cùng lớp đại học đào tạo theo địa chỉ Nhà máy đóng tàu Năm Căn đều phải chạy việc khắp nơi, có đứa đang thất nghiệp”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG