Cây rừng phòng hộ bên miệng vực
Đến nay, vùng bờ biển dài hơn 5km qua các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 (xã Phú Thuận) đều ghi nhận có xảy ra tình trạng bị sóng biển, triều cường xâm thực với mức độ nghiêm trọng.
Nạn xâm thực bờ biển hiện uy hiếp hàng trăm hộ dân sinh sống bên trong
Ghi nhận của PV Tiền Phong, tại khu vực bờ biển xóm Phú Mỹ, thuộc thôn An Dương 1, ngay từ điểm cuối của bờ kè chống sạt lở xã Phú Thuận ngược lên phía thị trấn Thuận An, tình trạng xâm thực, sạt lở biển diễn ra hết sức dữ dội, tốc độ xâm thực diễn ra nhanh, nghiêm trọng.
Cây đổ ngổn ngang
Hiện mép nước biển đã ăn lấn sâu vào đất liền, rừng phòng hộ từ 5 đến 6 mét. Cả đoạn bờ biển dài 400m qua thôn An Dương 1 đều bị sạt lở, hàng nghìn khối đất cát đã bị sóng đánh sập, cuốn ra biển. Ngoài 12 hộ diện di dời khẩn cấp, sóng biển và nạn xâm thực còn ảnh hưởng trực tiếp đến 30 hộ dân ở khu vực này. Một công trình tâm linh của ngư dân chuyên nghề đi biển ở xóm Phú Mỹ cũng sắp bị sóng biển xô sập. Nạn sạt lở vừa cuốn trôi hàng chục cây dương liễu trên 30 năm tuổi thuộc rừng phòng hộ ven biển.
Cây cối bị sóng, cát chôn vùi
Ông Đặng Tiến Tùy cho biết thêm, với tình hình biển xâm thực như hiện nay, khoảng 300 cây dương liễu rừng phòng hộ có khả năng bị sóng xô ngã, cuốn trôi. Người dân địa phương cũng cho rằng, với tốc độ sóng biển xâm thực dữ dội như nhiều ngày qua, khi triều cường gió chướng liên tục xuất hiện, các cánh rừng dương liễu phòng hộ ven biển Phú Thuận khó trụ nổi.
Và rừng cây bị sóng lớn cuốn đi
Theo tìm hiểu của PV, nạn sạt lở bờ biển ở xã Phú Thuận đã xảy ra từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng cảnh báo có khoảng 600 hộ dân của 6 thôn thuộc xã này bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ năm 2012 đến 2017, chính quyền các cấp đã di dời 40 hộ dân ở vùng sạt lở nguy hiểm ở thôn An Dương (xã Phú Thuận) đến tái định cư ở nơi mới.
Tất cả như chực đổ sập xuống miệng vực
Được biết, nhằm bảo đảm an toàn về đời sống, sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân xã Phú Thuận, từ năm 2014 đến 2019, bằng nguồn vốn quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh TT-Huế đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển khu vực thôn An Dương, chia ra nhiều giai đoạn, với tổng chiều dài 830m.
Gốc cây trơ rễ bên miệng vực
Đến nay, ngoại trừ những khu vực đã được xây kè kiên cố, phần bờ biển còn lại dài hàng cây số ở xã Phú Thuận tiếp tục bị sóng lớn uy hiếp, xâm thực, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Những miệng vực đáng sợ
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ UBND xã Phú Thuận, tình hình xâm thực trên địa bàn hiện diễn biến rất phức tạp, chính quyền địa phương sau khi đi khảo sát thực địa sẽ có báo cáo cụ thể lên các cấp có thẩm quyền, để có phương án ứng phó trước mắt cũng như lâu dài.