Hoãn phiên tòa vụ ‘Ly kỳ vụ bắt cóc đòi nợ 4,5 tỷ đồng giữa Sài Gòn’

Phạm Văn Miên tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
Phạm Văn Miên tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
TPO - Hôm nay 23/10, TAND cấp cao đưa vụ án mà Tiền Phong có bài phản ánh ‘Ly kỳ vụ bắt cóc đòi nợ 4,5 tỷ đồng’ ra xét xử. 

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Văn Yên – thẩm phán cao cấp làm chủ tọa.

Đây là phiên xử theo kháng cáo của cả bị cáo và bị hại. Trước đó ngày 6/6, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trần Văn Miên (50 tuổi, quê Nam Định) 10 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", 9 tháng tù về tội "Bắt giữ người trái pháp luật". Ngoài ra, Tòa cũng kiến nghị điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của 2 cá nhân khác liên quan đến việc cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Theo cáo trạng, năm 2010, bà Nguyễn Thị Phương Nam (47 tuổi) còn nợ Lê Thị Thảo 4,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi nợ không được, bà Thảo nhờ Miên giúp đỡ.

Chiều 10/12/2010, Miên cùng Thảo đến chung cư của bà Nam tại quận Phú Nhuận đòi tiền. Tại đây do không gặp được bà Thảo, Miên cho tiền bảo vệ chung cư nhờ thông báo cho mình khi bà Nam ra khỏi nhà.

Tối cùng ngày, khi nhận tin bà Nam vừa ra ngoài, Miên bám theo. Khi đến góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch,  Miên ập tới khống chế bà Nam đưa lên ô tô của Thảo đang đợi gần đó rồi đưa đến 1 nhà nghỉ ở quận 12.

Tại nhà nghỉ, bà Nam xin được trả dần nhưng Thảo không đồng ý. Nhóm này tiếp tục đưa con nợ đến căn nhà hoang bên hồ Trị An (Đồng Nai) giam lỏng bà Nam 4 ngày nhằm đe dọa buộc trả tiền.

Bà Nam gọi điện cho người quen mang giấy tờ đất đi cầm 1,5 tỷ đồng trả cho Thảo qua tài khoản của em gái bà này. Dù vậy bà vẫn bị nhóm này đưa đến nhiều nơi khác nhốt, buộc trả thêm 2 tỷ đồng. Bà Nam tiếp tục chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản do Miên đứng tên.

Sau khi giam lỏng bà Nam 1 tuần, Miên cho người chở bà Nam về nhà bà Nam.

Vụ án có tình tiết đáng lưu ý là tại lần xử phúc thẩm đầu tiên (tháng 10/2015), TAND cấp cao tại TPHCM nhận thấy cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu.

Trong quá trình điều tra lại, ngày 06/09/2016, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ký Quyết định số 359/C45-P7 và 360/C45-P7 khởi tố bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.

Tuy nhiên, thật bất ngờ  ngày 28/12/2017, CSĐT- Bộ Công an lại ra Quyết định số 10 và 11/C45-P7 đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội”. Từ một vụ án có 3 bị can, 3 đối tượng liên quan, đến Cáo trạng số 20/VKSTC-V2 ngày 12/01/2018 chỉ còn duy nhất  Trần Văn Miên bị truy tố.

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay 23/10, HĐXX cho biết thiếu vắng bị cáo, tòa hoãn xử, thời gian mở lại phiên xử sẽ thông báo sau.

Trước sự việc để Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Ðức thoát khỏi trách nhiệm hình sự, mới đây bà Nguyễn Thị Phương Nam đã gửi đơn kêu cứu đến Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Ðoàn đại biểu Quốc hội TPHCM  đề nghị có ý kiến xem xét lại quyết định đình chỉ điều tra số 10 và 11 của Cơ quan CSÐT Bộ Công an đối với Thảo và Ðức, tránh bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, bà Nam đề nghị khởi tố hình sự đối với nhóm tội phạm có tổ chức “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.