Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi

Anh Phạm Văn Phó, người hy sinh tính mạng cứu người để lại nhiều sự nhiều tiếc thương
Anh Phạm Văn Phó, người hy sinh tính mạng cứu người để lại nhiều sự nhiều tiếc thương
TPO - “Chú ơi cứu bạn cháu bị sóng cuốn trôi…!”, nghe các em học sinh chạy vào nhà hàng Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) hét to, anh Phạm Văn Phó (SN 1977) lao ra biển, vật lộn với sóng gió và không trở về. 
Sáng sớm ngày 20/2 (khoảng 7 giờ 40 phút), hàng chục cô, cậu học sinh có mặt ngay trước khu vực nhà hàng Mỹ Khê ra rong chơi dọc bờ biển. Sóng biển lớn ùn thành 5 lượn sóng đồng loạt đổ vào bờ. Đối với những người dân ở miền biển, chỉ cần nhìn vào những lượn sóng dập dồn như vậy thì không dám ra biển tắm. Tuy nhiên, những học sinh này đến từ thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa khá xa, nên đã kéo nhau ra biển.
Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi ảnh 1 Nơi xảy ra sự việc - ảnh Văn Chương
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân sống tại khu vực xã Tịnh Khê cho biết, địa điểm mà các em học sinh này định xuống tắm có một hố sâu như ao, người dân ở vùng này gọi là hũng. Trước đây, lực lượng bảo vệ tại bãi tắm đã cắm tấm bảng cảnh báo tại khu vực này, nhưng không hiểu sao gần đây lại rút đi. Có 9 em học sinh rủ nhau đi chơi thì có 8 em lội ra biển, còn 1 em ngồi trên bờ quản lý giày, dép và điện thoại cho bạn. Khi các em này vừa ra cách bờ khoảng 15 mét thì có 3 em bắt đầu bị sóng cuốn trôi ra xa, trong đó có em Nguyễn Trần Gia Khang (học sinh lớp 10 ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa). Các em khác hoảng sợ chạy ngược vào bờ và vào Nhà hàng Mỹ Khê kêu cứu. 
Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi ảnh 2 Chị Trần Thị Ngọc Thanh rơi nước mắt khi nhớ lại hành động dũng cảm của 2 đồng nghiệp – ảnh Văn Chương 
Chị Trần Thị Ngọc Thanh, nhân viên nhà hàng Mỹ Khê cho biết: “Sáng đó chưa kịp ăn sáng, anh chị em đang dọn dẹp bàn thì nghe tiếng kêu, vậy là anh Phó lao ngay ra biển, trên người mặc chiếc áo đồng phục màu đỏ và vẫn mặc quần dài. Chị thấy sóng lớn nên lao vào lấy áo phao dúi vào tay cho anh Phó mặc để bơi ra cứu người”. Chị Thanh hồi tưởng và ứa nước mắt và kể lại, anh Phó bơi ra biển khoảng 40 mét, trong khi sóng rất lớn, mọi người đứng trong bờ ai cũng run và la to lên “anh Phó ơi, coi chừng, trời ơi, chưa ăn sáng gì hết thì lấy sức đâu mà bơi…!”. 
Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi ảnh 3 Hình ảnh anh Phạm Văn Phó trên facebook để lại nhiều tiếc thương và khâm phục của bạn bè, đồng nghiệp
Chị Lê Thị Hồng Tâm, nhân viên Nhà hàng Mỹ Khê cũng có một hành động khiến mọi người giật mình. Đó là chị Tâm cởi phăng chiếc áo khoác, gởi lại điện thoại cho anh chị em, sau đó lao xuống biển, trong khi trên người không mặc áo phao. Theo chị Tâm sau đó kể lại, thì khi đó sóng lớn quá, nếu mặc áo phao sẽ bị sóng đẩy ngay ngược vào và không kịp cứu các em nhỏ đang chới với ngoài biển.  Tiếng la hét, tiếng khóc ầm ĩ, tiếng sóng biển ầm ầm như tiếng đập của đuôi thủy quái trên bờ biển. Ngay lúc đó, các nhân viên nhà hàng bấm máy vào đường dây nóng gọi các nhân viên cứu hộ trực ở bờ biển Mỹ Khê. Nhưng các cuộc gọi này trở nên vô vọng. Sự việc diễn ra gần 40 phút nhưng vẫn không thấy ai tới ứng cứu. Ngoài biển, sóng gió cồn cào và bóng anh Phó và chị Tâm giống như chiếc lá đang bị nhấn chìm. Ai cũng hét thật to “cứu, cứu, gọi cứu hộ, sao không thấy ai tới cứu người hết…!”.  Sau đó, mọi người tìm cách cứu được chị Tâm vào bờ trong tình trạng đuối nước, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, sau đó được đưa ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Còn anh Phó và cháu Khang mất tích. 
Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi ảnh 4 Chị Lê Thị Hồng Tâm vì lao ra cứu người, bị ngạt nước, nên đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng
Chị Thanh khóc và kể, anh Phó quê ở xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, vợ là giáo viên dạy cấp 2 ở TP Quảng Ngãi. Trước ngày mất, anh có nói với chị về cuộc sống gia đình khó khăn, mới trả hết nợ ngân hàng tiền vay để xây dựng nhà, bây giờ phải tiếp tục lo cho cậu con trai học hành, nên chưa tính tới chuyện sinh thêm con, vì cuộc sống còn chật vật. Vừa báo tin mừng thì anh gặp đại nạn.  Chị Lê Thị Hồng Tâm, nhân viên Nhà hàng Mỹ Khê, quê ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, là con cháu của những người từng là nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai 16/3/1968. Hiện nay chị là nhân viên phục vụ bên khách sạn. Chị là mẹ của 2 đứa con đang học lớp 1 và lớp 4, chồng chị làm nghề sửa xe máy, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Chị Tâm là người sống tình cảm, rất thương người. Chị nhìn thấy các em học sinh bị nạn, nên xem họ như con của mình và lao ra biển để cứu. 
    Hoàn cảnh người vượt sóng dữ xả thân cứu cháu nhỏ rồi vĩnh viễn ra đi ảnh 5

Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm thi thể cháu Khang - ảnh Nguyễn Ngọc 

Đến trưa hôm nay (22/2), thi thể anh Phạm Văn Phó được tìm thấy tại bãi biển trước nhà hàng Mỹ Khê chừng 300 mét.
Lực lượng chức năng hiện vẫn đang tìm kiếm thi thể em Nguyễn Trần Gia Khang. 

Hoàn cảnh anh Phạm Văn Phó và chị Lê Thị Hồng Tâm – những người xả thân cứu nạn hiện rất chật vật, khó khăn. Báo Tiền Phong mong nhận tấm lòng chia sẻ của bạn đọc gần xa và sẽ chuyển tới gia đình các nạn nhân sớm nhất. Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng gửi về Tài khoản báo Tiền Phong, số: 1231.0000.062175, tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội (ghi nội dung chuyển khoản: “Ung ho anh Pho, chi Tam cuu nguoi o My Khe, Quang Ngai”; hoặc liên hệ với tác giả bài viết: Lê Văn Chương, số điện thoại 0989 636626.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.