Mai Long vẽ nhiều chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu… nhưng ông nên duyên với lụa. Một bài thơ ngày trẻ ông viết tặng vợ , bà Lê Minh Châu, cũng có những câu tụng ca lụa: “… Lụa mỏng như mây, nhẹ bay trên đầu núi/Lụa trong lành như dòng suối Mai Châu/Lụa êm đềm, xanh mướt những bờ dâu/Và dệt nắng trong những ngày thu đẹp…”.
Mai Long nói, lụa hợp với tâm hồn ông, trí óc ông, vừa lãng mạn, vừa giàu trí tưởng tượng. Cho nên gia tài hội họa của ông đến thời điểm này, tranh lụa chiếm tới 80%. Và cũng 80% số tranh lụa ấy được vẽ trên lụa ướt: “Có chỗ cần thì tôi vẫn vẽ khô nhưng phần lớn là vẽ ướt để nó loang ra, quyện lấy nhau”, ông giải thích. Chính kỹ thuật khác biệt đã giúp tranh lụa Mai Long bay bổng, giàu chất thơ, đến nỗi người ta nói: Mỗi bức tranh của Mai Long là một bài thơ.
Mai Long đưa phong cảnh Việt vào tranh của mình cũng theo cách của riêng ông: “Tôi vẽ cảnh Tây Bắc nhưng vẽ theo tưởng tượng của tôi, một Tây Bắc trong trái tim tôi, cảnh sắc hiện thực chỉ là điểm tựa, là “cú hích” của cảm xúc”. Họa sỹ đặc biệt không ưa kiểu chép hiện thực: “Cái đó là phần việc của nhiếp ảnh”, ông nói. Vì giàu trí tưởng tượng nên Mai Long mới tự tin họa nàng Kiều. Những nhân vật nổi tiếng trong văn học Việt bước vào tranh Mai Long khá nhiều và gây bất ngờ. Có lẽ ông là họa sỹ phải lòng Thị Nở. Ngắm Thị Nở ngủ bên vườn chuối hớ hênh một cách hồn nhiên, người xem sẽ phải thốt lên: Người đàn bà xấu nhất trong văn chương Việt hóa ra lại vô cùng quyến rũ trong mắt Mai Long. Chính họa sỹ cũng mê bức Thị Nở- Chí Phèo nên khi mới hoàn chỉnh bản phác thảo ông đã giữ lại mang đóng khung để tự ngắm.
Khó đoán Mai Long đã bước vào tuổi 90. Ông minh mẫn, nhanh nhẹn và hàng ngày vẫn vẽ. Ông thường vẽ vào buổi sáng nhưng có hôm mê quá, vẽ cả ngày. Thường xuyên lao động và sáng tạo là bí quyết giúp họa sỹ giữ được sự trẻ trung quên tuổi. Mai Long quê gốc Nam Định, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Cha ông là một nhà Nho học vấn uyên thâm. Mai Long tham gia kháng chiến chống Pháp, là cán bộ tuyên truyền của Ty Văn hóa- Thông tin Liên khu 10. Chính thời gian này, ông được cử đến học ở xưởng vẽ của họa sỹ Tô Ngọc Vân một năm. Sau đó, ông thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Kháng chiến do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy.
Mai Long giữ nhiều kỷ niệm về người thầy, danh họa đáng kính Tô Ngọc Vân: “Tô Ngọc Vân dáng người nhỏ bé nhưng là người có kiến thức uyên bác. Thời kỳ đó, chúng tôi sống bằng học bổng của nhà nước dành cho sinh viên, tương đương 20 kg gạo/người. Nhưng có khoảng thời gian học bổng chậm vài tháng. Bà Vân (vợ Tô Ngọc Vân-PV) đã bán cả đồ tư trang cho sinh viên vay trước để chúng tôi lấy tiền mua gạo”. Thầy Tô Ngọc Vân cũng truyền cho các trò niềm đam mê nghề nghiệp: “Có khi cả trò và thầy ngồi quanh một người mẫu để vẽ. Rồi ông đến xem bài của từng sinh viên. Người nào cần sửa chữa, ông sửa, rồi ông bị cuốn theo, cứ thế ngồi sửa hàng tiếng đồng hồ. Sinh viên quây lại xem thầy làm, học được nhiều điều bổ ích. Thầy quí trò như người em, người con”, Mai Long nhớ lại.
Chân dung tự họa Ảnh: ML cung cấp
Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến, khóa 1950-1953, như nhiều văn nghệ sỹ, Mai Long ra mặt trận, sau đó lên Tây Bắc. Họa sỹ gắn bó với Tây Bắc, hòa vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Không có gì lạ khi cảnh sắc, con người Tây Bắc trở đi trở lại trong tranh của ông. Sau khoảng chục năm sống với Tây Bắc, Mai Long trở về Hà Nội. Năm 1966, ông về làm việc tại Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Ngay cả khi làm họa sỹ ở Xưởng phim Hoạt hình, Mai Long vẫn đam mê tranh lụa. Cứ rảnh việc ở Xưởng phim, ông lại vẽ. Ông bán được rất nhiều tranh cho khách nước ngoài từ những năm đất nước còn gian khó. Tất cả tài sản ông có, như ngôi nhà ông đang ở, rộng rãi và yên tĩnh, cũng mua được bằng tiền bán tranh.
“Ngày trước, khi còn làm ở Xưởng phim Hoạt hình tôi đưa một đoàn sang Liên Xô cũ làm phim hợp tác. Những ngày sống ở nước bạn, ngoài thời gian cho công việc ở Xưởng phim, thời gian trống tôi ngồi vẽ. Một nhà văn của nước bạn vào mua tranh của tôi. Lúc đó tiền phụ cấp hàng tháng tôi nhận được khoảng 70 rúp, tôi bán bức tranh lụa cho nhà văn với giá 200 rúp. Sau đó, anh còn rủ bạn bè đến mua tranh của tôi. Khách nói, tranh lụa quá độc đáo, ở nước họ không có. Chính vị khách đầu tiên về sau đã trở thành người bạn của tôi. Nhà văn này đã giúp tôi làm mọi thủ tục để mở một phòng tranh ngay trên nước bạn. Tôi trưng bày 50 bức tranh lụa và bán hết. Có được khoản tiền lớn tôi mua họa phẩm, về còn xây được nhà, sắm được cái này, cái khác”, Mai Long kể về triển lãm đầu tiên ở nước ngoài.
Tranh lụa của Mai Long thường ở cỡ 80x100 cm, cũng có những tranh to gấp đôi. Nếu như tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) chủ yếu khai thác đề tài nông thôn thì tranh lụa của Mai Long đa dạng đề tài. Ngắm phòng tranh của ông, không khỏi bị “ngợp” bởi cảm xúc, đây là bức “Ký ức tuổi thơ”, “vẽ mô-đéc một tí”, ông giới thiệu. Còn kia là một cuộc phiêu du trong tưởng tượng của họa sỹ. Rồi “Cấy lúa dưới mưa”, “Cô gái người Dao”, “Sông Tam Bạc”, “Mùa đông ở Thuận Châu”… Đặc biệt, Mai Long còn dùng chất liệu lụa cho những bức trừu tượng: “Vẽ trừu tượng trên chất liệu lụa lại càng đẹp. Độ loang ở lụa tạo cảm giác phiêu bồng, huyền ảo”, ông khoe. Chỉ tiếc những bức trừu tượng trên chất liệu lụa của Mai Long đã nằm trong tay các nhà sưu tập.
Phác thảo Thị Nở- Chí Phèo cho tranh lụa
Vì sao ít họa sỹ trẻ theo dòng tranh lụa?. Họa sỹ Mai Long cho rằng: “Chất liệu khó vẽ, đòi hỏi hình phải vững. Trước khi vẽ lụa đã phải vẽ bản bằng chì thật kỹ. Hình không vững vẽ lụa sẽ xộc xệch”. Ông từng bán những bức phác thảo vẽ trên giấy và chì. Liệu có phải giá tranh lụa không được như giá tranh sơn dầu, nên ít người cầm cọ đam mê? Họa sỹ Mai Long cười: “Không có chuyện đó”. Tranh lụa Mai Long giá không vừa, nhất là tại thời điểm này, khi ông sáng tác ít hơn trước. Mấy chục năm trước ông bán tranh cho khách Tây, còn khoảng hơn chục năm trở lại đây đã có nhiều khách ta “gõ cửa”. Nhưng bây giờ Mai Long cân nhắc mỗi khi bán tranh. Bởi mỗi bức tranh là tâm huyết của người nghệ sỹ, ông xót xa khi mang bán những “đứa con tinh thần”: “Tôi không có nhu cầu mua sắm gì, lại có lương hưu rồi, nên bán đi cũng tiếc”. Đã vẽ cả ngàn bức tranh lụa nay Mai Long chỉ còn giữ độ vài trăm bức.
Họa sỹ nổi tiếng với dòng tranh lụa này được phong danh hiệu NSƯT nhờ những đóng góp lớn của ông cho dòng phim hoạt hình Việt Nam. Ông chính là họa sỹ của một số phim hoạt hình tiêu biểu “Chuyện ông Gióng” (1970), Kặm Phạ- Nàng Ngà (1971), Sơn Tinh- Thủy Tinh (1972)… Đây là những bộ phim khai thác từ chất liệu dân gian như truyền thuyết, cổ tích, thần thoại… giúp Mai Long phát huy được trí tưởng tượng phong phú của mình.