Hoạ sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng

Tác phẩm của họa sĩ Xu Man
Tác phẩm của họa sĩ Xu Man
TP - Tôi không còn nhớ tôi quen họa sĩ Xu Man từ hồi nào, nhưng ngay từ buổi đầu gặp gỡ, chúng tôi đã rất thân thiết, cứ như hiểu nhau lâu rồi. Bản tính ông dễ gần, nhưng không phải dễ hiểu.

Giờ đây nhớ lại cuộc đời ông, qua không biết bao đêm anh em tôi ngồi bên ghè rượu cần “trút bầu tâm sự”, ông kể chuyện đời cho tôi nghe, không phải để tôi ghi chép và viết lách. Tôi thực lòng khi ấy chả có ý thức lấy tài liệu để viết mà chủ yếu muốn hiểu biết sâu hơn kỹ hơn về một người đàn ông BahNar từng trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc. Hơn nữa, ông, một họa sĩ  lừng danh mà tôi chả thấy khác tí nào với “đồng bào” cả khi ngồi vẽ lẫn khi ngồi chuyện trò. Gần ông, tôi chưa bao giờ thấy ông thanh thản, kể cả lúc dạo chơi. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt trong đời sống ông rất giản đơn.

Mới gặp lần đầu, không ai nghĩ ông là họa sĩ. Bởi vì, ngay từ đôi tay vụng về của ông đưa ra bắt, cũng đã toát lên cái vẻ nhọc nhằn của người quen lao động nặng. Cả vóc dáng ông, cái cách đi lại lúc nào cũng như đang chuẩn bị làm gì đó, hơi lom khom, không ra vội vã nhưng lại chăm bẵm một cách đơn độc. Bàn tay ông ráp rúa và chai sạn. Ðôi vai ông hình như có hai khối u. Và nhất là đôi bàn chân to bè, ngay cả những lúc đi chân trần, tôi vẫn có cảm giác ông đang kéo lê một đôi dép to bè, bết đầy đất đỏ. Chỉ có đôi mắt ông là toát lên cái vẻ đặc biệt khiến ta giật mình: một đôi mắt tinh ranh và hóm hỉnh, luôn luôn ánh lên giữa hai gò má nhô cao.

Ông ngồi trước giá vẽ đặt xuống bất cứ chỗ nào, và ngay lập tức, mọi tác động quanh ông hoàn toàn vô nghĩa. Mới đầu người ta phân cho ông một căn phòng nhỏ, ngay cạnh một nhà trẻ. Ông kê chiếc giường một sát tường, khu vực còn lại ngổn ngang tôn, gỗ, khung vải, khay, đĩa và những hộp sơn, những bó bút. Ông đặt giá vẽ trước cửa nhà, lúi húi làm việc. Căn phòng đã chật ấy rất nhanh bị chất đống lên những bức tranh, những phác thảo, những vật liệu mà ông thu lượm được. Rồi người ta lại chuyển những bức tranh mới vẽ của ông vào trong kho. Ðôi lúc gặp ông, vừa ái ngại cho điều kiện làm việc của ông, vừa khó chịu vì cái tính im lặng đến nhẫn nhục ấy, tôi đã nhắc ông nên “đòi” một phòng làm việc to hơn.

Ông cười:

Ðòi làm gì? Ðược phòng to hơn lỡ người ta lại đề bạt lên làm giám đốc thì sao!

Tôi nhớ một buổi sáng sương mù năm 1975, chiếc hon-đa của tôi vừa lên hết dốc thì bị chết máy. Tôi đang loay hoay sửa chợt thấy một chiếc xe bò kềnh càng chở bức tranh lớn. Người cầm càng xe đã có tuổi, nhưng khỏe mạnh, mồ hôi nhễ nhại. Ông ta hất đầu bảo tôi cho hon-đa tránh vào lề đường. Phía sau xe một vài anh em trẻ đẩy. Ði bên cạnh là một ông già để râu dài, có cái dáng của người chỉ huy cuộc hành trình không được vui vẻ ấy. Thoạt đầu tôi không nghĩ người kéo càng xe là Xu Man. Nhưng khi chiếc xe đến sát thì tôi nhận ra ông. Cuộc hành trình của chiếc xe bò ấy hướng lên đoạn dốc thoai thoải không cho phép tôi hỏi han Xu Man điều gì.

Bức tranh lớn được khiêng vào phòng. Họa sĩ Xu Man giới thiệu họa sĩ Huỳnh Văn Thuận với tôi. Rồi mỗi người lại vào với công việc của mình. Tôi thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận hướng dẫn cho anh em trang trí phòng tranh rất tỉ mỉ. Ông tự tay lồng mẫu khung kính đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhất là cách bày tranh, treo tranh. Hôm ấy họa sĩ Xu Man làm việc có vẻ không vui. Thì ra, theo lời một anh bạn cùng làm với tôi nói là, sáng hôm ấy, ở Ty Văn hóa có một vài người eo xèo gì đó về việc này việc nọ, có liên quan tới công việc của ông, nhất là khi ông yêu cầu các phòng cho người giúp việc, và bị phản ứng, tuy không chính thức, nhưng lại rất khó chịu. Nghe đâu chiều hôm đó về Ty họp, Xu Man đã “nổ” rất dữ. Ông chỉ thẳng vào mặt một anh chàng trưởng phó phòng gì đó chuyên chỉ tay năm ngón, và hay buông những lời mai mỉa về người này người nọ. Ông chúa ghét những kẻ khệnh khạng khoác áo đạo mạo nhưng kỳ thực bên trong dốt nát và ngu đần. Ðó là những thằng lười - có lần ông nói với tôi. Mà đã lười thì không bao giờ thông minh được. Càng không bao giờ thằng lười lại là người lương thiện. Ông rất hay chì chiết những kẻ chây lười.

Ông rất mê phong cách làm việc tỉ mỉ kiên nhẫn của người bạn già Huỳnh Văn Thuận. Hai ông đi với nhau có cái gì đấy cọc cạch dị thường. Một người luôn tất bật, chăm bẵm và sẵn sàng lao vào công việc, đó là Xu Man. Còn người kia lúc nào cũng có vẻ thận trọng chừng mực. Có lần tôi bắt gặp hai ông đang chụm đầu vào nhau lần dở những mớ tài liệu ghi chép của Xu Man bó lộn xộn từ trong một cái gùi cũ kỹ. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận ngồi chò chõ vuốt lại mép từng tờ ký họa cho phẳng phiu lại, rồi ngắm nghía, rồi đặt riêng từng tờ theo sự sắp xếp của ông. Còn Xu Man thì cầm cái gùi giơ lên giũ giũ. Xu Man có vẻ như đã quên cái gùi ấy từ lâu, giờ đây được bạn nhắc tới, nét mặt ông sáng rỡ và linh động. Ông giải thích cho bạn những chi tiết mà chỉ ông mới hiểu qua mớ tài liệu rối rắm đầy sinh động ấy. Chừng như chính cái việc lục lại tài liệu này đã đánh thức một mảng đời sống động, khiến ông có lúc như đứa trẻ vồ vập, có lúc ngồi bần thần, đầu óc để tận đâu đâu.

Tôi ngồi xuống cạnh hai ông. Không ngờ sự có mặt của tôi lại tạo nên cái không khí vui vẻ khác thường. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cảm thấy yên tâm hơn khi có sự chứng giám cuộc lục lọi đống tài liệu của bạn mình. Còn Xu Man hình như có cớ để kể hết kỷ niệm này tới kỷ niệm khác, lấn át cái mặc cảm không cần thiết mà bạn mình đang có. Tình bạn của hai ông được tạo nên ngoài những sự tính toán hơn thiệt mà cái chính là, dường như hai người luôn tìm được ở nhau cái mà mình đang thiếu. Tôi thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận săm soi mãi những bức ký họa đã ố màu và thậm chí nhàu nát, còn Xu Man thì nhấp nha nhấp nhổm, lúc nói tiếng BahNar với tôi, rồi chợt như nhận ra sự bất nhã của mình, ông lại nói tiếng Kinh, như là để thanh minh với bạn.

Cuộc thỏa thuận liên danh sáng tác giữa hai ông hôm đó ngẫu nhiên tôi là người được chứng kiến. Tôi nghi rằng trong nghệ thuật, cũng có thể có trường hợp hai tâm hồn bù đắp cho nhau, ở những phần khiếm khuyết mà chính từng người không thể tự khắc phục được. Tôi cũng đã nhiều lần tò mò “xem trộm” hai ông làm việc. Những ống màu của Xu Man nặn ra rất nhanh biến mất. Còn họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thì ngược lại. Ông pha màu ngay trên đầu từng ống típ được nặn ra một cách tằn tiện. Một người vẽ rất nhanh, còn một người thì nắn nót kỹ lưỡng. Hai người có phong cách làm việc khác nhau ấy, nhưng lại rất “chịu” nhau.

Thế rồi “Hai chị em”, “Hạnh phúc” và “Anh em”. Ba bức sơn khắc được hoàn thành trong một năm. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã “xử lý” mớ tài liệu mà Xu Man thu thập trong nhiều năm bằng chất liệu mà ông tâm đắc nhất. Kết quả của ba bức tranh ấy hai ông chưa thật thỏa mãn. Tuy nhiên đó cũng là một thành công rất đáng trân trọng. Và cái chính là hai ông càng trở nên gắn bó. Suốt mấy năm liền, năm nào người ta cũng thấy họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lặn lội vào Tây Nguyên, vừa để sáng tác, vừa để được cùng bạn đàm đạo chuyện đời.

*

Sau mấy năm về hưu, Xu Man lặn lội lên núi đẵn gỗ, tích cóp tiền, làm được căn nhà sàn lợp ngói. Ngày ăn mừng nhà mới theo phong tục là một ngày hội của không chỉ gia đình chủ nhà. Ðó là ngày vui của cả buôn làng. Hôm ấy tôi và nhà dân tộc học trẻ Nguyễn Quang Tuệ cùng họa sĩ Viết Huy “bám càng” book Thuận về làng chúc mừng ông. Lần đầu tiên tôi thấy ông rạng rỡ và hào sảng. Ông linh động bên ghè rượu cần cùng bà con buôn làng hát hò nhảy múa cả đêm. Bên cạnh ông lúc nào cũng có bạn già Huỳnh Văn Thuận.

Từ ông toát ra cái vẻ hồn nhiên chân chất đến trong suốt. Tôi sẽ kể về “cuộc đời lang thang”, theo cách tự gọi của ông sau. Nhưng giờ đây, tôi chợt nhớ nét mặt của ông hôm ấy thật rạng rỡ, chừng như mọi nỗi gian truân của cuộc đời bỗng nhiên tiêu tan. Bà vợ ông gùi một gùi những quả bầu khô đựng nước lên nhà, lặng lẽ lấy ghè rượu từ trong xó tối ra, đặt trước mặt chúng tôi. Vẫn lặng lẽ, bà ngồi bên bếp, thổi lửa. Ông lấy cần rượu cắm vào ghè và vít cần cho chúng tôi.

- Sướng lắm, ông nói về cái sự về hưu của mình. Muốn uống rượu từ giờ đến tối, đến sáng mai, sáng mốt cũng được...

Tôi bắt đầu chất vấn:

- Anh vẫn vẽ đấy à?

- Vẽ chớ. Không vẽ thì chết ngay.

- Thế còn việc ruộng rẫy?

- Cũng phải làm chớ. Không làm thì ăn gì?

Viết Huy tự động đứng lên, cầm mấy tờ chân dung treo trên tường xuống ngắm nghía. Xu Man cười ngượng nghịu:

Mình vẽ một cái chân dung hai tiếng, người ta cho một dạc lúa (khoảng 5kg). Lương của đồng bào cao hung!

Ông lại khôi hài. Tôi biết ông nói thế, tức là ông không có ý định kiếm sống theo cái lối làm ăn đó. Ông quen sống nghèo, đến nỗi, nếu thấy mình sướng hơn người khác một chút, là áy náy, là tự dằn vặt.

- Mình về với bà con thì phải sống chung với bà con...

Ông nói vừa như để thanh minh, vừa như khẳng định sự tồn tại của mình. Và điều ấy khiến chúng  tôi cùng rất nhanh hiểu. Ngày ông đi thoát li là một kẻ nô lệ và ngày ông trở về là một cán bộ cách mạng lão thành.

- Ðồng bào còn khổ, nhiều lúc mình mắc cỡ ghê lắm.

Ông luôn quan tâm đến đời sống chung của dân làng. Và đặc biệt là gia đình, vợ con. Mỗi lần có nhuận bút ở đâu đó, ông vội vã đi mua cá khô, mắm khô, mì chính và quần áo cho các con các cháu. Phần còn lại, ông chỉ dùng vào mua màu, bút vẽ và những thứ thuộc về nghề nghiệp. Ông coi đó cũng là những thứ “lương khô”, và có lẽ đó là những món tiêu pha nặng nhất đối với ông.

- Nếu em là lãnh đạo tỉnh, em sẽ xây cho anh một cái nhà thật to, đem toàn bộ tranh của anh về treo, giống như một bảo tàng – tôi nói.

Ông cười ranh mãnh:

E-ứ-cà-bắt-bơm-cán-bộ! Ông nói tiếng Ba Na. (Mày không biết làm cán bộ).

Bà vợ ông đã luộc xong con gà. Ông rộn ràng hẳn lên. Ba anh em ngồi quây quanh ghè rượu, bên cạnh là cái rá đựng con gà luộc bốc khói. Huy lôi từ trong túi ra mấy cái bánh mỳ. Buổi trưa ở làng thật yên tĩnh. Cuộc đời có những lúc thảnh thơi thế này, hỏi còn đòi hỏi gì hơn. Thế nhưng, tôi chợt thấy trong khóe mắt ông có điều gì đấy. Chúng tôi mời bà vợ ông ngồi lại cùng uống rượu, nhưng bà lắc đầu lặng lẽ lui xuống cầu thang. Huy cầm con gà xé đôi, đặt vào một cái đĩa nhôm vừa lấy ra trong một cái gùi, để phần cho gia đình. Ông vít cần rượu cho chúng tôi:

- Con gà đang đẻ, bà ấy giết đãi khách đấy.

Ông nói, không phải chỉ để nói với chúng tôi. Tôi hiểu, ông vừa thay mặt anh em cảm ơn tấm lòng hiếu khách đặc biệt của bà vợ hiền.

Nhưng đó là truyền thống của người BahNar mình. Ông nói thêm.

*

Trong toàn bộ các tác phẩm của mình, ông không vẽ cái gì khác ngoài biểu hiện tình cảm và khát vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Hội hè, một trong những nguồn cảm hứng lớn và thường trực trong con người nghệ sĩ. Tranh của ông biểu hiện những nét tươi khỏe trong sáng của người Tây Nguyên. Có thể nói, các “nhân vật chính” trong tranh Xu Man là cả một cộng đồng người. Và đặc biệt, cái cộng đồng người ấy đã quần tụ lại chung quanh một niềm tin, cũng trong sáng, tươi nguyên và chân chất. Không một bức tranh nào của ông không biểu hiện tình cảm của bà con các dân tộc Tây Nguyên đối với cách mạng. Chủ đề ấy hình hành tự nhiên như chính cuộc đời của họa sĩ. Không có cách mạng, không hiểu rồi cuộc đời của họa sĩ Xu Man sẽ ra sao? Và ông khẳng định: Không có cách mạng, Xu Man mãi mãi là thằng Siêu Dơng nô lệ!

Ngày còn ở trong rừng đánh Mỹ, ông đã từng đi gùi hàng dưới đồng bằng, từng vào ấp làm công tác gây dựng cơ sở, làm anh nuôi khi cần thiết. Và đặc biệt làm nương phát rẫy, đi săn bắn cải thiện, vẽ truyền đơn, vẽ tranh cổ động. Ông không thắc mắc, không đòi ưu tiên, mặc dù ông biết, có từng lúc từng nơi, người ta chỉ coi ông là một cán bộ tuyên truyền. Thậm chí, người ta chỉ quan tâm tới ông khi cần trang trí hội trường, hoặc những công việc đại loại như vậy.

Ông không từ chối một công việc nào.

Hoạ sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ
Hoạ sĩ Xu Man: Con thiêng của rừng ảnh 2 Tác phẩm của họa sĩ Xu Man
MỚI - NÓNG