Bị ảnh hưởng chất độc dioxin, Châu mang trong mình những dị tật. Tứ chi bị teo, chàng trai di chuyển bằng 2 đầu gối, bàn tay không cầm nắm được vật gì quá lâu. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình đưa Châu vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM) nuôi dưỡng.
Thế rồi, như một tia sáng rọi vào cuộc đời tăm tối, Châu cảm nhận được ngọn lửa đam mê đang cháy rực trong lòng khi lần đầu tiên chứng kiến những nét cọ bay bổng từ một cô giáo – người đến trang trí cho bức tường bệnh viện.
Châu lặng lẽ đứng sau cô, mắt không rời từng nét cọ. Đó là lần đầu tiên trong đời, Châu biết đến những gam màu sống động trong cuộc đời vốn buồn tẻ của mình.
Như tìm được ánh sáng ở cuối đường hầm, Minh Châu chuyên tâm theo đuổi đam mê hội họa. Điều đặc biệt khiến Châu được biết đến trong giới chính là kỹ thuật vẽ tranh bằng miệng.
Tay của Châu rất yếu và có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Vì thế, Châu vẽ bằng miệng. Ban đầu rất khó, thời gian hoàn thành một tác phẩm có khi lên tới 5-6 tiếng, nhưng lâu rồi cũng thành thuần thục. Tinh thần “Không gì là không thể” đã giúp Châu vượt qua giới hạn của bản thân.
Mọi người thấy cách vẽ này của Châu đặc biệt, song nó cũng chứa lắm ẩn họa, ví như có lúc bị rách quai hàm do cọ bị gãy, nuốt phải màu… khi quá nhập tâm để vẽ, là chuyện thường.
Rời làng Hòa Bình khi 17 tuổi, với vốn liếng là tài năng và nhiệt huyết, Châu tự mình mở phòng tranh, dạy học và kiếm sống bằng nghề họa sĩ. Châu luôn biết cách truyền cảm hứng cho học trò của mình, anh chưa từng nghĩ bản thân là ngôi sao trong mắt các bạn. Đơn giản rằng, anh muốn truyền ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, khiến nó mãi đỏ rực ở thế hệ kế tiếp.
20 tuổi, trong phòng tranh đầu tiên tại quận 7 (TP HCM), anh mừng rơn vì từ giờ có thể thỏa sức sáng tạo. "Sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất của người họa sĩ, tôi không cho phép bản thân sao chép ý tưởng của bất kỳ ai. Đó là cách tôi tạo nên sự khác biệt", chàng trai 9x cho biết.
Anh thường mang những tác phẩm được đem ra đấu giá của mình, cùng với tiền cát-sê biểu diễn để hỗ trợ cho các quỹ từ thiện hoặc tặng trực tiếp cho một cá nhân nào đó có hoàn cảnh khó khăn. Để từ số tiền đó, các bạn có thể nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của mình.
Điều đáng ngạc nhiên, mỗi ngày Châu chỉ ngủ 4 tiếng đồng hồ. Bởi, chàng hoạ sĩ này phải vừa sáng tác tranh, vừa soạn thảo bài vẽ cho học viên và còn tham gia hỗ trợ hình ảnh cho một số đạo diễn, nhà làm phim.
“Thời gian đầu nhiều người khuyên mình nên ngủ 8 tiếng, hoạt động ít hơn để giữ sức khoẻ. Nhưng với mình không bao giờ là đủ thời gian để mình có thể hoạt động nghệ thuật và hoạt động vì cộng đồng”, Châu chia sẻ, vẫn với đôi mắt sáng rực, ngập tràn niềm tin và khát vọng.
Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu đã được thể hiện suốt 34 phút trong phim "Chau, beyond the Lines". Đây là bộ phim tài liệu do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm, phim đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016. Năm 2017, Lê Minh Châu chính thức trở thành 1 trong 10 Nhân vật truyền cảm hứng của giải thưởng WeChoice Awards 2016.
Vượt lên nghịch cảnh, Châu nỗ lực thực hiện dự định của bản thân, truyền cảm hứng cho người kém may mắn, làm điều có ích cho cộng đồng. Đó là lý do Châu trở nên đặc biệt, để lại ấn tượng với Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương. Trong một lần đến phòng tranh của Châu trong chương trình Nối trọn yêu thương, Uyên Phương bị cuốn hút bởi những màu sắc mà anh tạo nên.
Nữ doanh nhân chia sẻ, nếu cuộc đời kém may mắn của anh là gam màu trầm thì những bức tranh hầu hết đều vẽ bằng gam màu tươi sáng, như cách anh sống luôn lạc quan và trọn vẹn. Châu bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật suốt 20 năm, kết hợp những chất liệu khác nhau, tạo ra tác phẩm riêng biệt. Châu phá vỡ những quy tắc, vượt qua những giới hạn - điều tưởng chừng như không thể.
Điều này cũng tương tự như tinh thần của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát khi viết cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” được Forbesbooks xuất bản hồi 2018, đó là dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày để đạt ước mơ đó. Trong cuốn sách cô đã chia sẻ câu chuyện về “Biến điều không thể thành có thể” của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, về một Tân Hiệp Phát nuôi dưỡng khát vọng có một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm.