Hoa khôi 'máu nhiễm bùn'

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
TP - Mắt to tròn, lông mi cong vút, mảnh mai, xinh đẹp. Người ta nghĩ Thu Hà chỉ thích ngồi sau xế hộp sang trọng, nghỉ dưỡng ở resort, villa. Để rồi kinh ngạc khi thấy cô ôm vô lăng hay nhem nhuốc toàn thân cùng con xe hầm hố vượt địa hình. Lội suối, băng rừng, cõng cáp sắt, bê neo, dưới cái nắng như đổ lửa hay rét run bần bật trong cơn mưa rừng...

Đam mê “nghịch đất, phá xe”

Những trải nghiệm đáng nhớ đó, Hà vẫn tự hào trên đời này không mấy ai có được. Dân chơi offroad (chơi xe địa hình) Hà thành, không ai không biết Trương Thu Hà, cô gái vẫn được mọi người đặt cho biệt danh “Hoa khôi máu nhiễm bùn” hay “nữ hoàng xe jeep”.

Hà bắt đầu phải duyên với offroad cách đây 4 năm, trong một chuyến đi dã ngoại cùng nhóm bạn chơi xe địa hình. Không hề nhẹ tay với “lính mới”, đoàn xe chào đón cô gái xinh đẹp bằng thử thách vượt dốc núi cao 45 độ ở Sóc Sơn. Ngồi bên tay lái phụ, Hà đã hú hét. Nhưng không phải vì sợ mà vì... phê. Và dù cho hôm đó, một thành viên trong đoàn bị lật xe, gãy tay, vẫn không ngăn nổi sự phấn khích đang chảy cuồn cuộn trong mạch máu cô gái nhỏ. “Đó là lần đầu tiên tôi ngồi trên ô tô mà phải dùng hết tay, chân, thậm chí cả cơ thể bám vào bất cứ thứ gì bám được để giữ thăng bằng. Cảm giác sau khi chinh phục được thử thách thật thú vị không diễn tả nổi” - Hà nhớ lại trải nghiệm đánh dấu bước ngoặt đưa cô đến với thế giới đầy cảm xúc của offroad.

Hỏi vì sao chọn xe jeep, Hà bảo jeep là xe đa dụng, có khả năng vượt mọi địa hình và trông rất... ngầu. Thường mỗi xe có một cặp, hai người thay nhau lái chính và phụ xe (dân offroad hay gọi là chã). Hà thường làm chã. Nếu như lái chính yêu cầu cao về kỹ thuật, thì chã lại đòi hỏi thể lực tốt và khả năng ứng biến, xử lý linh hoạt trong mọi tình huống. Nhiệm vụ của chã là kiểm tra các dụng cụ, thiết bị trên xe trước khi vào bài thi; Sử dụng neo, tời khi xe bị sa lầy, mắc cạn...; Đánh xe về vị trí để chuẩn bị thi bài tiếp theo.

Tại giải Đua xe địa hình quốc tế - RFC Việt Nam 2014 ở rừng Hoành Bồ- Quảng Ninh, khi xe của Hà đang chạy vào bãi đá nhọn thì bị kẹt vào hộc đá. Mặc nước suối chảy xiết, Hà vẫn nhảy xuống để kéo dây tời móc vào gốc cây bên đường, kéo xe lên. Một đoạn khác, khi xe leo dốc trơn trượt, cũng chính Hà phải vác cái neo bồ cào nặng hàng chục cân để cắm vào đất làm điểm tựa cho xe qua. Sau khi xe qua, cô lại hì hục rút neo lên, một công việc khó gấp bội phần lúc cắm xuống. Cứ như thế, Ban tổ chức và những người tham gia đã phải bất ngờ trước một đội chơi đặc biệt: lái chính chỉ có một tay và phụ lái là một cô gái chỉ nặng 50kg, bằng “bao xi măng”, nhưng xử lý rất linh hoạt đống vật dụng cồng kềnh ngang ngửa cân nặng của mình. Những cố gắng, nỗ lực đã giúp cho đội đua của Thu Hà dành được giải “Hình ảnh ấn tượng nhất” cuộc thi.

Hoa khôi 'máu nhiễm bùn' ảnh 1

“Hoa khôi offroad” Trương Thu Hà.

Hà bảo, môn ô tô địa hình bình thường không quá khó, nhưng nếu tham gia thi đấu giải chuyên nghiệp như RFC thì vô cùng khắc nghiệt. Có năm, cả Hà Nội chỉ vài xe tham gia. Là bởi, có những bài thi vượt dốc thẳng đứng gần như 90 độ, ở dưới là bùn lầy hoặc rừng tre trúc nhọn hoắt, sơ sểnh thì nổ lốp, khéo léo thì cũng bị xây xước đầy người. Chính vì vậy, đội của cô không hề đặt nặng phải có giải mà được tham gia, trải nghiệm và chinh phục hết các bài thi đã là một chiến thắng.

Với các thú chơi xe khác, người ta bỏ tiền ra chăm xe thật đẹp, thật độc để đi khoe thì với offroad, Hà và đồng đội phải chi nhiều tiền chăm cho xe khỏe, xe “ngon” để đi... phá. Mỗi lần tham gia một một cuộc thi hay một chuyến đi offroad là một lần “phá xe”. Vượt qua những cung đường hiểm trở, lội suối, vượt đèo, chỉ cần một cú trèo dốc, một cú bay qua hố không thành công thì việc gẫy láp, vỡ cầu…, thiệt hại cả chục triệu đồng là chuyện thường tình.

Không đi những lối đường mòn

Những con đường lầy lội, những bản làng xa xôi hay những khúc cua hiểm trở trong rừng già... là nơi Hà và đồng đội trong câu lạc bộ ô tô địa hình luôn tìm đến để thỏa chí đam mê. Và thường là những cung đường chưa có lối đi.

Có những chuyến đi dự kiến 2 ngày nhưng khi vào rừng thì chẳng còn kế hoạch nào nữa bởi chẳng ai có thể biết cái gì đang đợi mình phía trước. Nhiều lần xe chết máy giữa rừng, Hà phải đi bộ cả quãng đường bùn lầy mấy chục cây số, đi qua quả đồi chỉ để xin người dân vài củ khoai hay quả bí già cứu đói cho cả đội. Vất vả, khó khăn nhưng không khiến bước chân cô lùi bước. Bởi nếu mọi thứ dễ dàng, sẽ chẳng còn gì thú vị.

Thế nên, chuyến nào về, chân cũng bầm tím, nổi u mấy cục. Nhưng Hà chả chừa. Nhiều lần chứng kiến đồng đội chấn thương, xe và người lật úp xuống suối. Hà vẫn máu. Năm 2015, Hà và đồng đội bị lật xe ở Bình Dương mà chỉ cần trôi ra 30cm nữa là cả xe cả người lăn xuống vực. Nhưng vẫn cứ đi.  

Hoa khôi 'máu nhiễm bùn' ảnh 2

Công việc của Thu Hà là kiểm tra các dụng cụ, thiết bị trên xe trước khi vượt chướng ngại vật và sử dụng neo, tời khi xe bị sa lầy, mắc cạn.

“Ngoài những chuyến dã ngoại để rèn luyện kỹ năng, tôi được cùng các anh chị thiện nguyện đến những bản làng hẻo lánh nằm sâu trong các thung lũng xa xôi như bản Phiêng Đén - Chợ Đồn - Bắc Cạn, bản Tà Số - Tà Làng ở Mộc Châu, xã Chế Tạo - Mù Căng Chải... Vượt hàng trăm cây số đường đồi núi với những con suối mùa lũ sâu và chảy xiết, những đoạn đường sạt lở. Càng vất vả, chúng tôi càng thấm thía niềm vui khi được chia sẻ với bà con nghèo” - “Nữ hoàng xe jeep” bảo, cái hay của offroad là không thể đi một mình mà luôn cần sự phối hợp của đồng đội. Chính vì thế, sau 4 năm tham gia, cô đã có thêm những người bạn, những người anh em tuyệt vời.

Có lần đang lái xe trên cao tốc Ninh Bình, thấy một chiếc xe bị hỏng bên đường, 4 anh con trai đang hì hục vần nhau với cái lốp, Hà đành bảo: “Thôi anh đi ra, em làm cho!”.

Ngoài chiếc xe jeep tậu chung với đồng đội để tham gia offroad, Hà cũng đang sở hữu một chiếc xe Samurai sản xuất năm 1993, thuộc hàng hiếm, hiện nay ở Hà Nội chỉ có 2 chiếc. Hành trình để mua được “em xe” này cũng tốn của Hà không ít mồ hôi và... nước mắt. Phải dùng đủ biện pháp xin xỏ, nịnh bợ, ăn vạ, nài nỉ... đến ngồi lỳ, ăn chực nằm chờ ở nhà một người sưu tập xe cổ, cô mới tậu được chiếc xe luôn được giới offroad săn đón này. 

Chơi xe, Hà cũng học cách tự sửa xe. Có những thời gian, gần như cả ngày cô ở lì trong gara. Sáng ngồi mài mài, trưa ăn cơm hộp, chiều lại mài mài. Mài hết rỉ sắt lại ngồi sơn tay. Hà bảo, “chiếc xe mua cũ chỉ khoảng trăm triệu nhưng tiền độ có khi mất 500- 600 triệu là bình thường”.

Bạn bè của Hà sẽ chẳng lấy làm lạ trước cảnh một cô nàng nhỏ nhắn, tiểu thư vén váy sửa xe, thay lốp bên đường. Thậm chí có lần đang lái xe trên cao tốc Ninh Bình, thấy một chiếc xe bị hỏng bên đường, 4 anh con trai đang hì hục vần nhau với cái lốp, Hà đành bảo “Thôi anh đi ra, em làm cho!”.

Tại giải RFC 2016 năm nay tổ chức tại Malaysia, Trương Thu Hà không tham gia với vai trò người chơi mà được Ban tổ chức mời sang làm trọng tài. Luôn luôn dịch chuyển để khám phá giới hạn của bản thân, bên cạnh những chuyến đi offroad đều đặn hàng tháng, những dự án nghệ thuật ấp ủ, cô gái sinh năm 1990 cũng đang chuẩn bị bảo vệ Thạc sĩ chuyên ngành kinh tế và vừa mở công ty kinh doanh đồ nội thất. Với Trương Thu Hà, cuộc đời cũng giống như một chuyến offroad và hạnh phúc chính là hành trình vượt qua những chướng ngại vật. 

Hoàn nguyên “máu nghệ thuật”

Người ta nói con gái không nên làm nghệ thuật, vất vả lắm. Thế mà đang học năm 4 đại học Kinh tế Quốc dân, Hà nộp đơn thi Sân khấu điện ảnh. Nhiều người nghĩ cô sẽ hợp làm diễn viên hoặc nghệ sĩ múa, nhưng Hà chọn khoa Đạo diễn sân khấu, 5 năm tuyển sinh một lần. Và đỗ thủ khoa. 

Không thích đi theo những con đường được vạch sẵn, lộ trình của Hà rất... khó lường và thường đi ngược lại với quan niệm “con gái thì phải thế này, thế kia...”. Người ta nói con gái phải để tóc dài, Hà cắt ngắn cũn. Người ta lại nói, tóc ngắn thì phải ăn mặc theo kiểu “tomboy”, Hà mua thật nhiều váy áo yểu điệu “bánh bèo”.

Nếu như ở sân chơi offroad, người ta gọi Hà là “hoa khôi máu nhiễm bùn” thì khi về cuộc sống thường ngày, Hà lại hoàn nguyên “máu nghệ thuật”. Hà muốn hướng đến những sân khấu nghệ thuật thể nghiệm, đa dạng. Thích thử thách với những ý tưởng ít người dám làm. Muốn trẻ hoá sân khấu truyền thống. Chuyên ngành đạo diễn sân khấu sẽ giúp cô thực hiện mong muốn đó. 

MỚI - NÓNG