Thí sinh vượt hơn 1.000 km tham dự Sơ khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2020

Thí sinh Phan Anh Thư từng là Hoa khôi THPT Nguyễn Huệ, Thừa Thiên-Huế.
Thí sinh Phan Anh Thư từng là Hoa khôi THPT Nguyễn Huệ, Thừa Thiên-Huế.
TPO - Thí sinh Phan Anh Thư bất ngờ quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 khá đột ngột nên vượt hàng nghìn cây số ra Hà Nội để ghi danh tại Sơ khảo phía Bắc.

Thí sinh Phan Anh Thư sinh năm 2000, cô là Thủ khoa đầu vào ngành Thiết kế nội thất, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Tôn Đức Thắng Tp.HCM.

Thí sinh vượt hơn 1.000 km tham dự Sơ khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2020 ảnh 1 Thí sinh Phan Anh Thư sở hữu chiều cao 1m75 và số đo ba vòng: 84-60-95. 

Khá bất ngờ khi Anh Thư tiết lộ, cô đã đặt vé máy bay gấp từ Sài Gòn để kịp bay ra Hà Nội dự Sơ khảo phía Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020.

“Sau Sơ khảo phía Nam, em mới quyết định tham gia cuộc thi nên gấp rút chuẩn bị hồ sơ để kịp ghi danh tại Sơ khảo phía Bắc. Trước đó, em khá phân vân vì muốn hoàn thành việc học cũng như công việc ở trung tâm dạy vẽ. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, em quyết định cho mình và thanh xuân của mình thêm một cơ hội để trải nghiệm”- Anh Thư nói.

Thí sinh vượt hơn 1.000 km tham dự Sơ khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2020 ảnh 2  

Anh Thư tiết lộ, hiện cô đang hợp tác mở một trung tâm dạy vẽ cho các bạn học sinh luyện thi năng khiếu. Bên cạnh đó, hàng tháng, trung tâm của Anh Thư tới những nơi vùng sâu, vùng xa và làng trẻ SOS để dạy miễn phí cho các em nhỏ.  

“Nhìn các em nhỏ ngây thơ với câu vẽ trên tay, em lại muốn nhân rộng mô hình này, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi đặc biệt khó khăn. Ở đó, những đứa trẻ yêu thích hội hoạ, mỹ thuật nhưng không có điều kiện để tiếp xúc với bộ môn này. Đây cũng là một trong những lý do em đến với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Em muốn thông qua cuộc thi truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đến với các bạn trẻ trên cả nước. Em muốn các bạn dành tuổi thanh xuân của mình để làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Chúng ta may mắn khi có điều kiện để học tập, để mơ ước nhưng với những đứa trẻ kém may mắn thì việc trở thành một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế là điều quá xa vời”- Anh Thư nhấn mạnh.

Anh Thư kể, cô từng phải thuyết phục mẹ trong một thời gian dài để theo đuổi đam mê của mình. “Mẹ phản đối việc em học vẽ và theo đuổi chuyên ngành thiết kế. Mẹ muốn em học những ngành phổ thông như y, dược hay sư phạm… Tuy nhiên, vì đam mê từ ngày còn nhỏ nên đến năm lớp 11 em đã lén mẹ đi học vẽ. Khi thi vào Đại học Tôn Đức Thắng với số điểm vẽ 9,25- đạt thủ khoa đầu vào của ngành Thiết kế nội thất, mẹ mới đồng ý cho em đi theo ước mơ của mình”- Anh Thư tâm sự. 

Thí sinh vượt hơn 1.000 km tham dự Sơ khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam 2020 ảnh 3

Anh Thư từng tham gia cuộc thi Miss World Việt Nam 2019 và lọt Top 25. Tuy nhiên, Anh Thư khẳng định cô đến với Hoa hậu Việt Nam với tâm thế là một tân chiến binh. “Mỗi cuộc thi có một màu sắc và một tiêu chí khác nhau. Và em đã thấy ở Hoa hậu Việt Nam những điều rất mới và thú vị. Em vẫn nguyên cảm giác hồi hộp, lo lắng như lần đầu tiên đến với một cuộc thi nhan sắc”- nữ sinh gốc Huế chia sẻ.

Anh Thư cho biết, cô khá thân thiết với người đẹp Ngọc Trân - cô gái được mệnh danh là “nàng thơ xứ Huế”. “Chị Trân là một người chị mà em rất ngưỡng mộ. Hình ảnh của chị trong các cuộc thi nhan sắc với danh xưng “nàng thơ xứ Huế” được xem là biểu tượng của những người con gái Huế. Chị từng chỉ bảo và hướng dẫn em rất nhiều trong những ngày đầu em xây dựng hình ảnh. Tuy nhiên, em muốn vượt qua cái bóng của chị. Không để người khác nhầm mình với bất cứ nhan sắc nào khác, em muốn lan toả giá trị nhân văn và năng lượng tích cực tới các bạn trẻ trên cả nước bằng chính những hành động của mình. Em quan niệm rằng: Chúng ta không chỉ sống để cháy hết mình với đam mê của bản thân mà còn giúp người khác có thêm động lực, nuôi hi vọng để thực hiện đam mê của họ”- Anh Thư nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.