Thực ra, là một cơ quan báo chí đã sáng lập ra và đến nay vẫn là nhà tổ chức của cuộc thi, cũng có những thời điểm báo Tiền Phong nản lòng muốn thôi, không tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nữa. Tôi nhớ năm 2012, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Ðà Nẵng (mà trong đó Ðặng Thu Thảo đăng quang) rất không thành công về mặt tài chính để lại gánh nặng cho báo và Công ty Tiền Phong (đơn vị phối hợp). Rồi dư luận, thị phi này nọ không có thật nữa. Một lần, tôi lên gặp Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn thời điểm đó là anh Nguyễn Ðắc Vinh để báo cáo công việc, nhân thể nói cả về khả năng dừng sân chơi Hoa hậu. Anh Vinh đăm chiêu nghe tôi trình bày rồi chậm rãi nói: “Ðó là sân chơi văn hoá vào loại rộng lớn nhất mà nữ thanh niên của chúng ta có được. Tiền Phong và anh cố giữ và tổ chức thế nào đó để có hiệu quả và được dư luận ủng hộ”.
Tôi cảm cái tâm ý của người lãnh đạo trẻ ấy và từ ấy đến nay, báo Tiền Phong cùng đối tác là Công ty Sen Vàng đã nỗ lực hết sức không chỉ duy trì mà đưa được cuộc thi lên một trình độ tổ chức và tầm cao mới không ai có thể phủ nhận.
Với mục tiêu ngay từ những ngày đầu là tạo một sân chơi văn hoá cho nữ thanh niên Việt Nam, nơi tôi luyện thêm và tôn vinh, làm lan tỏa vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã vượt qua những định kiến, những khuôn mẫu, tạo ra một sinh hoạt văn hoá mới, một giá trị tinh thần mới.
Ðó là nơi thực sự tôn vinh vẻ đẹp con người, cả về bên ngoài lẫn tâm hồn. Ðặc biệt trong những lần thi cuối đây, các hoạt động trong khuôn khổ phần thi Người đẹp Nhân ái của Hoa hậu Việt Nam đã đạt đến quy mô rộng lớn và làm được những điều chạm đến trái tim của nhiều người, tạo nên một giá trị riêng có của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mà không có cuộc thi sắc đẹp nào làm được.
Một giá trị văn hoá - tinh thần thì khó có thể đo định và quy được ra tiền.
Nhưng không chỉ có vậy: xét khía cạnh thuần kinh tế thì Hoa hậu Việt Nam về tổng thể thuộc loại sự kiện có thể tạo ra những giá trị vật chất lớn hơn những gì mà nó tiêu đi. Không phải ngẫu nhiên mà các tỉnh, thành phố lại đón nhận, nhiều nơi là thuyết phục, lôi kéo cuộc thi về với mình, cho dù đó chỉ là vòng chung khảo khu vực hay hoạt động đồng hành. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp lại mặn mà với cuộc thi và nhiệt thành tài trợ cho nó.
Là cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn nhất, nghiêm túc nhất, được thừa nhận rộng rãi nhất, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có mãnh lực cuốn hút và có sức quảng bá rất lớn. Tôi nhớ khoảng mươi năm trước, một người có trách nhiệm của đài truyền hình đã truyền hình trực tiếp cuộc thi nói với chúng tôi rằng Hoa hậu Việt Nam là chương trình thu hút đông người xem nhất và mang lại doanh thu lớn nhất cho đài trong cả năm đó.
Chắc chính bởi cả hai lý do muốn đóng góp xây dựng một giá trị văn hoá và hiệu quả kinh tế mà trong giai đoạn đầu của lịch sử cuộc thi dài 30 năm, các thương hiệu lớn như Pepsi, Samsung, Shiseido… mới gắn bó nhiều năm với nó. Ðó cũng là lý do để ở giai đoạn sau này, tập đoàn lớn như Vingroup, Tuần Châu nhiều lần đón cuộc thi về với các cơ sở nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Việt Nam của mình. Ðồng hành với cuộc thi từ một đến nhiều lần là các tên tuổi VietJet, Sun Group, BIDV… Những kỳ gần đây, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã gắn bó với cuộc thi nhiều kỳ liền như Thanh Hằng Beauty Medi, Ðại Việt, Long Beach Pearl…
Hai cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cuối cùng, hiệu quả quảng bá của nó khiến mỗi cuộc có đến 25 - 30 doanh nghiệp đồng hành. Cuộc thi 2018, thậm chí chỉ còn 10 ngày cuối cùng vẫn có doanh nghiệp đến đề nghị được tham gia tài trợ.
Với sức thu hút công chúng và năng lực quảng bá của mình, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam góp phần xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tạo ra các giá trị lớn hơn số tiền mà các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào cuộc thi.
Về phía các tỉnh, thành thì nhiều nơi muốn đưa cuộc thi Hoa hậu Việt Nam về để giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là khai thác thế mạnh phát triển văn hóa - du lịch. Nhiều người lầm tưởng BTC đưa thí sinh đến tổ chức các sự kiện, chụp ảnh, quay các clip ở những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, các địa điểm có những nét độc đáo về văn hoá hoặc nghề truyền thống vv… đơn giản là tìm nơi để có hình ảnh đẹp cho cuộc thi. Thực ra đó cũng chỉ là một trong cáclý do. Cái chính là để quảng bá cho các địa phương, đóng góp vào việc tạo các cơ hội phát triển cho các nơi đó.
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã có lịch sử 30 năm. Một cuộc thi không tạo ra được những giá trị vượt trội không có lý do gì để có thể tồn tại lâu như thế.
Với sức thu hút công chúng và năng lực quảng bá của mình, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam góp phần xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tạo ra các giá trị lớn hơn số tiền mà các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào cuộc thi.