Hoa Đà Lạt tìm đường xuất khẩu

Hoa úa tàn tại vườn vì giá quá thấp
Hoa úa tàn tại vườn vì giá quá thấp
TP - Là thủ phủ hoa của cả nước nhưng Đà Lạt chỉ xuất khẩu được khoảng 10% sản lượng. Tham gia lĩnh vực này chủ yếu là các công ty lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nông dân Đà Lạt hầu như chưa thể trực tiếp xuất khẩu hoa.

Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng ước tính, năm 2019 diện tích đất trồng hoa đạt khoảng 8.890 ha với sản lượng hơn 3.350 triệu cành, trong đó xuất khẩu gần 325 triệu cành, chỉ chiếm không quá 10% sản lượng, kim ngạch hơn 48 triệu USD. 90% sản lượng hoa còn lại phải tiêu thụ trong nước. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường trong nước dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu, khiến giá cả thất thường; tư thương chi phối, ép giá hoa của nông dân. Hoa Đà Lạt nhiều lúc bị thừa ế, phải đổ bỏ cho bò ăn hoặc để thối rữa tại vườn.

Hoa Đà Lạt chủ yếu xuất sang Nhật Bản (hơn 60%), còn lại là Australia, Đan Mạch, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Về chủng loại hoa xuất khẩu, đứng đầu bảng là hoa cúc (52%), cây giống invitro (30%), hoa cẩm chướng (10%), còn lại là lily, hồng môn, hướng dương, lan hồ điệp, lan vũ nữ...

Thị phần xuất khẩu hoa tập trung vào các công ty lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó công ty Dalat Hasfarm chiếm trên 60% tổng sản lượng hoa. Dalat Hasfarm hiện là công ty hoa tươi lớn của Đông Nam Á chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu; mỗi năm trồng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường. Công ty này xuất khẩu hoa tới hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt là thị trường khó tính Nhật Bản.

Diện tích manh mún

Theo ông Aad Gordijn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, nông dân Đà Lạt cần cù, sáng tạo, làm hoa lâu năm nhưng nghề trồng hoa vẫn chưa trở nên chuyên nghiệp vì quy mô trang trại còn quá nhỏ, diện tích trung bình chỉ khoảng 2.000-5.000m2/hộ. Vì quy mô trang trại nhỏ nên người trồng hoa thiếu thốn về tài chính và không có đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ cao, nhà kính hiện đại,   không có nhiều sự đổi mới và rất khó khăn để đáp ứng đủ sản lượng.

Ông Aad Gordijn nhấn mạnh để xuất khẩu hoa, điều quan trọng nhất là có diện tích đất sản xuất đủ lớn; mặt khác phải có quy trình sản xuất hiện đại, quản lý chất lượng sản phẩm trước và sau thu hoạch bài bản. “Mặc dù có tới 190ha nhà kính, Dalat Hasfarm vẫn liên kết với hàng trăm hộ dân ở Đà Lạt để mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng. Doanh nghiệp phải đáp ứng được sản lượng lớn để vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy thì mới thực sự có ý nghĩa cạnh tranh trên thị trường”, ông Aad Gordijn nói.

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, ngành trồng hoa của mỗi địa phương nói riêng và quốc gia nói chung, muốn phát triển chuyên nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, trước hết phải xây dựng được những doanh nghiệp đủ tầm cỡ hoặc nông dân phải liên kết với nhau để tạo nên vùng sản xuất, hệ sinh thái trồng hoa quy mô lớn.

Tắc ở khâu giống

Các chuyên gia ở Đà Lạt nhận định trồng hoa phục vụ xuất khẩu cho thu nhập cao hơn rất nhiều nhưng việc xuất khẩu hoa của nông dân Đà Lạt bị “tắc” ở khâu giống. Nông dân muốn mua giống có bản quyền nhưng thiếu thông tin, còn những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng cho rằng thị trường nước ngoài luôn yêu cầu về bản quyền giống hoa và đòi hỏi cao về chất lượng nên đa số nông dân vẫn còn e dè trong việc đầu tư, liên kết để trồng hoa xuất khẩu.

Hoa Đà Lạt tìm đường xuất khẩu ảnh 1 Nhà kính của nhiều hộ nông dân thô sơ, bị ngập lụt vào mùa mưa
Bản thân Dalat Hasfarm đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng phản ánh về việc giống hoa nhập có bản quyền bị sao chép. Tại hội thảo “Bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên” vừa qua, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Những năm qua, Cục Trồng trọt, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng và Hiệp hội Thương mại giống cây trồng đã nhận rất nhiều đơn phản ánh từ tác giả, các cơ quan tác giả về việc xâm phạm tác quyền và việc không đảm bảo hiệu lực của tác quyền về giống cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định vấn đề vi phạm bản quyền giống đang là một thực tại, đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp tìm hướng giải quyết, đặc biệt trên cây hoa, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu.

Để rộng đường xuất khẩu hoa Đà Lạt, các chuyên gia cho rằng phải có biện pháp làm chủ về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng trọt từ giống đến thành phẩm. Người trồng hoa phải tuân thủ “cuộc chơi”, đặc biệt là bản quyền về giống hoa. Không thể lấy giống sao chép hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm, từ năm 2010 công ty đã bắt đầu nhập giống cúc Calimero về trồng thử nghiệm để sản xuất hoa thương phẩm. Đơn vị đã được cơ quan chức năng công nhận độc quyền kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giống hoa này. Thế nhưng chỉ vài năm sau, giống cúc Calimero đã bị sao chép và bán tràn lan tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG