Chiều 3/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) dẫn đầu đoàn Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đến kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hòa Bình. Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chấm thi từ 1/7, dự kiến đến 8/7 thì hoàn thành.
Địa phương này thuê nhà nghỉ trên địa bàn làm nơi chấm thi trắc nghiệm. Việc chấm thi tự luận được tiến hành tại một trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh.
Khu vực chấm thi trắc nghiệm là nhà nghỉ của công an, được PA83 xem xét đảm bảo các điều kiện cách ly với bên ngoài. Bên trong phòng chấm thi, đại diện của công an, thanh tra Sở GD&ĐT Hòa Bình, thanh tra trường đại học và cán bộ kỹ thuật túc trực.
Mọi sinh hoạt của cán bộ phục vụ chấm thi như ăn ngủ, tắm giặt được tiến hành ngay trong khu vực cách ly.
Với bài tự luận, đến chiều 3/7, địa phương này chấm được gần 400 bài thi Ngữ văn. Giáo viên chấm thi được thảo luận kỹ, tiến hành chấm thử 10 hoặc có nơi 20 bài để làm quen với hướng dẫn chấm.
Trong số những bài thi được chấm cho thấy 37% bài thi dưới 5 điểm, khoảng 63% trên điểm 5.
Ông Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, cho hay phổ điểm chỉ thật sự có ý nghĩa khi kết thúc việc chấm thi. Hòa Bình mới chỉ chấm hơn 400 bài Ngữ văn trong tổng số 8.000 bài nên chưa nói được kết quả.
Trao đổi với Hội đồng chấm thi Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh cho hay điểm khác biệt năm nay, việc làm tròn đến 0,25 điểm, do đó cần chấm nghiêm túc và chính xác để các trường đại học dễ xét tuyển.
Với đề thi Ngữ văn, câu hỏi “mở” đáp án phải "mở". Về nguyên tắc, bài làm của thí sinh có thể khác hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ GD&ĐT. Phương án xử lý là câu trả lời có thể khác hướng dẫn nhưng đưa ra được những ý cơ bản của yêu cầu.
"Cách trả lời đó không đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không đi ngược truyền thống dân tộc thì cán bộ chấm thi có quyền cho điểm các em”, ông Mai Văn Trinh nói.