> Người đi đường lọt hố, đơn vị thi công bị phạt 25 triệu đồng
> Hai học sinh chết đuối dưới hố công trình cầu Nhật Tân
Mất mạng vì hố công trình
Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, khắp nơi đều có các công trình xây dựng, các công trình giao thông. Song, năm nào cũng xảy ra những cái chết thương tâm, nhiều trẻ em đã phải bỏ mạng tức tưởi chỉ vì những hố công trình và do sự vô cảm của các đơn vị thi công.
Ngày 3/9, hai học sinh của trường tiểu học Vân Nội rủ nhau đi câu và tử vong vì rơi xuống hố sâu của công trình thuộc dự án đường nối cầu Nhật Tân với nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài thuộc địa phận xã Vân Nội (huyện Đông Anh).
Được biết, địa điểm hai học sinh tử vong tại công trình gói thầu 2 dự án đường nối cầu Nhật Tân đi nhà ga T2 sân bay Nội Bài là hố nước rộng vài chục mét vuông, nằm cách đường quốc lộ 23B khoảng 100 m, phía tiếp giáp với đường quốc lộ 23 vào công trình có barie chốt trực và hàng rào chắn bằng tôn. Điều đáng nói tại thời điểm xảy ra vụ việc trên, hố nước công trình này đã sâu tới hơn 2m, nhưng không hề có biển cảnh báo nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 10/9, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân (Bộ GTVT) cho biết, hố nước công trình nơi xảy ra vụ việc do nhà thầu Tokyu thi công. “Sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã đề nghị nhà thầu thực hiện trách nhiệm xã hội liên quan vụ việc này”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập về địa điểm xảy ra tai nạn làm hai học sinh tử vong có được lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo nguy hiểm hay không, thì đại diện chủ đầu tư nói chưa thể trả lời “Hiện phía nhà thầu cũng chưa có báo cáo cho chúng tôi. Hơn nữa cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ, nếu muốn tìm hiểu kỹ thì phải hỏi nhà thầu thôi”, ông Minh cho biết.
Vụ việc đau lòng xảy ra một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thi công tắc trách tại các dự án, công trình. Trước đó, đã có rất nhiều tai nạn xảy ra từ sự tắc trách, cẩu thả của các đơn vị thi công như vụ một bé trai tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) tử vong vì rơi xuống hố công trình xây dựng thuộc dự án đường 5 kéo dài. Rồi đến vụ tử vong vì hố công trình ở Thạch Thất, ở Sóc Sơn… năm nào cũng xảy ra.
Thậm chí có những hố công trình một lúc cướp đi 4 sinh mạng của trẻ nhỏ như vụ việc xảy ra ở thôn Phú Đô (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm), tại công trình đường dẫn nút giao thông Phú Đô, đại lộ Thăng Long trước đây, nhưng sau đó cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm chẳng thuộc về ai (?!)
Nhiều tuyến phố như Nguyễn Xiển; Kim Giang (kéo dài); Phạm Hùng; quốc lộ 32…, hay các tuyến đường nội đô của các khu đô thị như Nam Trung Yên; Văn Phú, Trung Hòa Nhân Chính tình trạng mất nắp hố ga diễn ra như cơm bữa.
Vào giờ cao điểm khu vực cầu Lũ giao với đường Kim Giang (kéo dài) luôn xảy ra ùn tắc mà nguyên nhân bắt nguồn từ một hố ga sụt nắp. Một số họng cống thoát nước trên vỉa hè của tuyến đường này đã sập gần hết nắp và chỉ được cảnh báo rất sơ sài.
Theo Công ty thoát nước Hà Nội, rất nhiều biện pháp đã được áp dụng để chống nạn ăn cắp nắp hố ga song tình trạng mất cắp nắp hố ga vẫn diễn ra, chủ yếu loại bị mất là loại nắp gang gây nguy hiểm cho người đi đường.
“Nếu phát hiện nắp ga bị mất hay bị hư hỏng, chúng tôi sẽ triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và thay thế trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, một số nắp hố ga của các đơn vị khác, không được thay thế kịp thời, dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho người qua lại”, ông Nguyễn Công Tuyên - Phòng Kỹ thuật Môi trường nước (Cty thoát nước Hà Nội) cho biết.
Ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc lắp hệ thống rào chắn, barie, biển báo đối với các công trình xây dựng đang thi công là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, theo thanh tra xây dựng, trên thực tế nhiều dự án, nhiều nhà thầu đã bỏ qua hoặc thực hiện sơ sài các biện pháp về đảm bảo an toàn lao động, an ninh cho công trình thi công.
Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), các vụ trẻ em rơi xuống hố sâu của công trình xây dựng hầu hết diễn ra ở công trình chậm tiến độ, các dự án bỏ hoang.