> Hoang mang 'hố tử thần' nuốt nhà trẻ, 20 nhà dân
> 'Hố tử thần' ở Quảng Ninh là do nằm trên 'dòng sông cổ'
Vụ sụt lún ngiêm trọng nhất diễn ra ngày 26/8 khiến một người bị thương khi đang ngủ. Tuy nhiên, đến nay số hộ dân bị ảnh hưởng do hiện tượng sụt lún tăng lên hàng ngày và mới đây nhất ngày 30/8 tiếp tục ghi nhận hiện tượng sụt lở…
Hố sụt lún ngày 30/8. |
Nạn nhân của hố tử thần tiếp tục tăng
Chiều ngày 30/8, tại nhà ông Đào Hồng Thoái tổ 53, khu Hải Sơn xuất hiện một hố sụt lún lớn giữa phòng khách.
Trước đó, khu vực phòng khách này xuất hiện những tiếng động lạ khi bước chân trên nền nhà. Nghi dưới móng nhà đã bị rỗng, chiều nay gia đình mới dùng một mũi khoan bê tong khoan xuống nhà thì bất ngờ toàn bộ nền nhà đổ sập xuống.
Hố rộng khoảng 2 m2 và sâu 2 mét. Cùng lúc đó tại một hộ dân liền kề là bà Nguyễn Thị Hồng cũng xuất hiện hiện tượng tương tự khi bước chân vào phòng ngủ nghe thấy như tiếng trống.
Ông Bùi Đình Dậu, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả cho biết, hiện tượng sụt lún, nứt gãy nhà dân đã diễn ra từ đêm 25/7 khiến nhà của ba hộ dân là ông Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Xuân Hùng tổ 51, khu Hải Sơn 1 bị lún nứt nghiêm trọng và chính quyền đã phải khẩn trương di rời ba hộ dân này.
Tuy nhiên, đến ngày 26/8 lại xảy ra tiếp hiện tượng sụt lún và lần này nghiêm trọng hơn khi toàn bộ một phòng ngủ, gian bếp bị sụt lún và kéo theo người và đồ đạc. Đến nay, theo khảo sát có tới hơn 20 hộ dân bi lún nứt và có hiện tượng sụt lún. Rất có thể nhiều ngày tới, số hộ bị ảnh hưởng có thể tăng lên vì nằm trong vành đai sụt lún.
Ngày 30/8, chúng tôi trở lại, điểm xuất hiện sụt lún là ngay trong phòng ngủ gia đình ông Bùi Bá Thành.
Tại đây đã biến thành một ao nước và chính quyền địa phương đã đổ hàng chục m3 đất, sỏi xuống hố tử thần tại chính nơi đặt giường ngủ của con gái ông Thành ngủ và rơi xuống hố nhưng số đất này cũng mất hút như những vật dụng bị rơi xuống cùng chị Thu.
Có mặt tại khu vực này là hàng chục người dân vẫn tiếp tục di chuyển đồ đạc ra khỏi nơi nguy hiểm. Từ sáu hộ dân ban đầu đến nay đã có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng bất thường này.
Hoang mang
Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng sụt lún, UBND TP Cẩm Phả cùng các ngành chức năng khoanh vùng, cắm biển báo nghiêm cấm người và các phương tiện qua lại nơi sụt lún, đồng thời nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của hiện tượng sụt lún để tìm hướng khắc phục.
Người dân hoang mang vì sụt lún. |
UBND TP Cẩm Phả đang cùng với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Địa Vật lý nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra biện pháp xử lý lâu dài.
UBND phường Cẩm Đông, TP.Cẩm Phả đã tổ chức các lực lượng xuống di dời người, tài sản còn trong nhà, đồng thời dán biển cấm khắp nơi có thể xảy ra sụt lún.
Tuy nhiên, đến nay, mặc dù chính quyền địa phương rất khẩn trương khắc phục sự cố đảm bảo an toàn cho dân nhưng nguyên nhân hiện tượng sụt lún vẫn chưa được tìm ra.
Trong khi đó, số hộ dân bị ảnh hưởng ngày càng nhiều. Tính từ ngày bắt đầu xảy ra sự việc 25-7 đến ngày 16 giờ 30 phút, ngày 29-8, tại phường Cẩm Đông, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã có 1 nhà trẻ, 22 nhà dân ở tổ 50, 51, khu Hải Sơn bị kéo tụt xuống lòng đất.
Nhiều giả thuyết, chưa kết luận nguyên nhân
Theo ghi nhận của phóng viên, người dân đang vô cùng hoang mang. Bà Vi Thị Hoa, 47 tuổi trú tại tổ 50 cho biết, từ đầu năm, gia đình tiến hành xây dựng nhà mới. Ngôi nhà ba tầng khang trang trị giá xây dựng hơn một tỷ đồng chưa kịp vào nhà mới đã phải di ròi khẩn cấp vì hiện tượng sụt lún và co kéo của địa chất. Hiện, ngôi nhà mới không được chính quyền cho phép sinh hoạt bởi có thể gặp nguy hiểm. Bà Vi cho biết cóp nhặt cả đời và vay mượn để xây nhà giờ không được ở nữa.
Cùng với hàng loạt hộ dân khác kể cả những ngôi biệt thự lớn, hàng loạt hộ dân đang phải tìm kiếm nơi ở trọ hoặc tá túc người thân. Riêng nhà ông Bùi Bá Thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn đang được chính quyền hỗ trợ san lấp hố tử thần vẫn đứng ngồi không yên vì không biết dọn đi đâu vì ông bà tuổi cao sức yếu.
Chiều chiều, tại khu dân cư tổ 50 và 51 khu Hải Sơn trở nên nháo nhác và nhộn nhịp vì người hiếu kỳ. Đầu các con ngõ đến các nhà biệt thự, nhà dân được niêm phong bằng tờ giấy với nội dung “khu vực cấm”. Những hộ dân chưa bị dán cảnh báo cũng đang hoang mang vì không rõ nhà mình có bị ảnh hưởng vì hiện tượng bất thường này hay không và những người di rời bao giờ thì mới được về lại nhà.
Tại hiện trường, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, Đại học Mỏ địa chất cho biết, có rất nhiều nguyên nhân để dự đoán hiện tượng này. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu rất có thể dưới khu vực này có một dòng sông ngầm do kiến tạo địa chất dạng Kast. Vì khu vực này trước đây là biển và Quảng Ninh là thủ phủ dạng địa chất đá vôi. Vì vậy sau hàng triệu năm nước ngầm tạo ra dưới vùng này một cái hang khổng lồ và nước vẫn chảy. Qua hàng ngàn năm chảy thì bóc dần bóc dần lớp bề mặt tạo ra các khoảng trống. Dưới sức nặng của ngôi nhà hoặc nước mưa thấm sẽ tạo ra sụt lún. Để có kết luận chính xác thì phải có các máy móc chuyên dụng.
Mặc dù, được một số chuyên gia địa chất xác định sơ bộ nguyên nhân hiện tượng sụt lún là có thể do hiện tượng sụt lún do dưới khu vực này là địa hình dạng Kast có nhiều hang động chứa nước. Tuy nhiên, người dân vẫn đang hoang mang cho rằng dưới khu vực này có đường lò khai thác than từ thời Pháp thuộc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 30/8, ông Phạm Văn Mật, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho biết, dưới khu vực sụt lún không có đường lò nào của ngành Than.
Trước câu hỏi của phóng viên về đường lò thời Pháp thuộc, ông Mật cho biết, sau năm 1954 khi Pháp bàn giao các mỏ cho ta không để lại tài liệu nào về địa chất. Tuy nhiên, theo khảo sát vỉa thì không có vỉa than chạy xuống dưới biển.
Sau khi nhận được thông tin về hiện tượng sụt lún, Tập đoàn đã yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ xác minh lại các đường lò nếu có tại khu vực này nhưng không có. Giả thuyết về hiện tượng sụt lún của dạng dịa chất Kast vẫn đang được đặt ra vì khu vực này nằm trong vịnh Bái Tử Long.