Mùa thứ 3 làm giám khảo Giọng hát Việt nhí, anh có sợ mình sẽ đi vào lối mòn không?
Tôi nghĩ, yếu tố tiên quyết để một cuộc thi thành công là ở thí sinh, nếu thí sinh tốt, hát hay, có nội lực, cộng hưởng với nhiều thứ khác thì cuộc thi đó đã đạt được phần trăm thành công rồi. Yếu tố thứ 2 mới kể đến giám khảo.
Thực ra giám khảo là nghề làm dâu trăm họ, rất khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi chỉ luôn nỗ lực vượt lên những gì mình từng làm, mang đến những điều mới mẻ và tâm huyết nhất cho các em. Hai năm trước, tôi và Lưu Hương Giang đã để lại những dấu ấn nhất định, vì thế điều quan trọng bây giờ là tạo ra những sắc màu mới. Nếu nói sợ, tôi chỉ sợ nhất là mình không có nhiều cảm xúc và cảm hứng để làm việc. Nhưng ơn trời, tôi thích làm việc với trẻ con, bọn trẻ rất hiếu động, đáng yêu. Bản thân các em đã tạo niềm cảm hứng cho tôi và là chất xúc tác để tôi luôn cố gắng làm cho mới mẻ.
Bây giờ ở ta nở rộ quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng nhí. Theo anh, chúng ta đã quan tâm đến việc đào tạo những tài năng để các em có thể phát triển một cách bền vững?
Tôi nghĩ, việc chính của các em vẫn là học. Bản thân tôi cũng đã có những định hướng cho các em vào những môi trường học tập và đào tạo chuyên nghiệp hơn. Tôi cũng đề xuất cho Quang Anh vào nhạc viện học bài bản để theo đuổi con đường âm nhạc bền lâu.
Nhưng sau những cuộc thi, nhiều em vắt kiệt sức đi biểu diễn, kiếm tiền. Anh có ủng hộ điều đó?
Tôi nghĩ, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu các em đi biểu diễn sớm, các em cũng có lợi thế hơn, cọ xát nhiều với môi trường âm nhạc khắc nghiệt. Còn những em lựa chọn con đường phát triển bền vững, cũng có lợi thế riêng. Bởi cuối cùng thì cũng là tìm cho mình một con đường đi đến thành công, sớm hay muộn, không quá quan trọng. Tôi không có định kiến với việc nhiều học trò tham gia các cuộc thi, rồi đi hát, kiếm tiền quá sớm. Đó là lựa chọn của các em. Tuy nhiên, các học sinh của tôi, tôi đều định hướng cho việc học hành, để có thể phát triển sự nghiệp một cách bền vững.
Vừa làm giám khảo Giọng hát Việt nhí, lại vừa làm Giám đốc âm nhạc The Voice, Hồ Hoài Anh có vẻ lấn quá sâu vào thế giới giải trí rồi đây?
Tôi vẫn chỉ làm những việc liên quan đến âm nhạc. Thực sự bây giờ rất bận rộn, tôi và Giang chủ yếu ở Sài Gòn. Với vai trò Giám đốc âm nhạc The Voice, tôi là người kết nối và gọt dũa cho các thí sinh. Tôi không áp đặt điều gì cho các huấn luyện viên bởi họ đều là những người dày dạn kinh nghiệm. Có chăng tôi chỉ gọt dũa cho các em một chút thôi.
Tôi nghĩ, đây là một năm có nhiều khởi sắc vì có nhiều thí sinh tài năng, các em có thể vừa hát, vừa sáng tác, chơi đàn. Hơn nữa chúng tôi cũng có sự chuẩn bị kỹ từ mọi khâu, vũ đạo, sân khấu, đến trang phục để đạt được hiệu quả cao nhất, thu hút khán giả, bởi đây là một chương trình game show trực tiếp.
Nhưng rõ ràng, các chương trình game show thường mượn các scandal, hay các chiêu trò để lôi kéo khán giả. Anh có quan điểm như thế nào về chuyện ca sĩ Tuấn Hưng mắng học trò của mình trên sân khấu Giọng hát Việt. Đó có phải cũng là một cách gây chú ý?
Tôi cho rằng, những chiêu trò sẽ không có cơ hội để tồn tại lâu dài. Bản thân chương trình Giọng hát Việt đang có sự thu hút riêng mà không cần đến những scandal. Tình huống của Tuấn Hưng, đó là cách xử lý riêng của anh ấy, không liên quan đến chương trình.
Lâu rồi, thấy Hồ Hoài Anh mải mê với các chương trình giải trí, hình như anh đã đi xa khởi điểm ban đầu của mình là một nghệ sĩ đàn bầu. Nhiều người vẫn trông chờ các dự án cá nhân của anh đấy.
Có lẽ đây chưa phải là điểm rơi của tôi. Tôi chờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Còn bây giờ tôi đang quá bận rộn với lịch làm việc kín mít. Nhưng tôi nghĩ rằng, mình vẫn đang làm nghề và cống hiến, ở một góc độ khác thôi. Công việc, trước hết là để kiếm sống. Còn những điều mình tâm huyết ư, có lẽ phải chờ. Cuộc sống, mỗi thời điểm có những lựa chọn công việc khác nhau. Có thể thời điểm này, tôi đang có quá nhiều dự án giải trí, nhưng tôi vẫn làm những bản phối và sáng tác đấy chứ.
Vợ chồng Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang.
Nhiều người bảo anh là thức thời, biết tận dụng khả năng của mình để kiếm tiền. Chứ toàn tâm toàn ý với âm nhạc dân tộc thì nghèo lắm?
Tôi nghĩ đó là chuyện hiển nhiên. Người ta dù làm bất cứ việc gì cũng có mục đích kiếm tiền, nuôi sống bản thân và gia đình rồi mới tính đến chuyện cống hiến. Tôi còn gia đình. Nếu tôi chỉ đơn giản làm công việc giảng dạy ở trường thì không thể tồn tại chứ nói gì đến chuyện chăm lo cho vợ con. Vấn đề là mình phải biết thời điểm nào làm cái gì thôi.
Đối với nghệ thuật dân tộc, tôi cần thời gian, khi đã lắng hơn, không phải quá lo nhiều đến cơm áo gạo tiền, tôi sẽ trở lại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn là giảng viên dạy đàn bầu trong Học viện Âm nhạc Quốc gia. Điều đó không bao giờ thay đổi. Và tôi cũng mong, đến lúc đó, sự đầu tư của nhà nước cho nghệ thuật dân tộc đúng mực hơn.
Tôi không thể sống như mẹ tôi ngày xưa, NSND Thanh Tâm. Cả đời mẹ cống hiến cho âm nhạc, chỉ có danh hiệu mà thôi. Điều ý nghĩa là mẹ tôi đã âm thầm hy sinh cả cuộc đời truyền dạy cho những thế hệ học trò và bây giờ họ đã trưởng thành. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời mẹ. Chứ nói về vật chất thì chẳng có gì.
Tôi nhớ, ngày xưa vì nhà nghèo nên anh không thể học piano. Mẹ anh, NSND Thanh Tâm đã chọn cho anh cây đàn bầu. Anh có bao giờ ân hận vì điều đó?
Điều mà tôi luôn biết ơn mẹ là đã cho tôi học đàn bầu. Càng lớn tôi càng hiểu giá trị của truyền thống. Nếu mình có nền về âm nhạc truyền thống tốt thì ra đời có thể vận dụng vào mọi lĩnh vực của âm nhạc. Bởi truyền thống là gốc rễ, nền tảng. Nó đa dạng, phong phú nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển.
Lại nói chuyện ngày xưa, anh từng nhiều năm là "ca sĩ quán" lăn lộn kiếm sống. Phải chăng vì thế mà bây giờ anh không bỏ qua những cơ hội kiếm tiền?
Thực ra, tôi đã vượt qua những chuyện đó từ lâu rồi. Vật chất không quyết định mọi vấn đề trong đời sống. Trước đây tôi cũng nghĩ, theo đuổi con đường âm nhạc truyền thống rất vất vả, cuộc sống sẽ nghèo khổ. Nhưng giờ tôi không nghĩ thế nữa. Cuộc sống điều quan trọng nhất là mình cảm thấy hạnh phúc với những lựa chọn của mình, tiền bạc quá đủ đầy chắc gì đã vui. Nhiều đồng nghiệp của tôi, có thể họ không giàu có, nhưng tôi rất nể trọng họ, bởi sự đam mê, bởi tình yêu và sự hy sinh họ dành cho nghệ thuật. Đấy mới chính là niềm vui và hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang và quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên.
Nói thế có vẻ mâu thuẫn khi anh từng cho rằng, cuộc sống phải có tiền và anh đang lao vào công cuộc kiếm sống đấy thôi?
Tôi nghĩ, cuộc sống phải có tiền, nhưng tiền không phải là thứ tiên quyết, càng không phải là thước đo của một cuộc sống hạnh phúc. Có thể ở thời điểm hiện tại, công việc đang cuốn tôi đi, và mọi người sẽ nghĩ rằng tôi lựa chọn nó vì tiền. Nhưng tôi vẫn làm nghề đấy thôi, theo một cách khác. Và tôi sẽ trở lại với những dự án cá nhân trong thời gian gần đây.
Anh và ca sĩ Lưu Hương Giang lúc nào cũng bên nhau trong các sự kiện. Nhiều người nói vợ chồng anh là một hình mẫu lý tưởng trong thế giới showbiz vốn bất an. Anh có tin vào hạnh phúc bền lâu?
Tôi không bao giờ dám nhận chức danh ấy, chẳng có hình mẫu nào quá lý tưởng cả, bởi cuộc sống mà, vốn dĩ nó đã không hoàn hảo rồi. Tôi chỉ cố gắng sống tốt, sống tử tế với nhau và hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Lạy trời mình may mắn chưa gặp trắc trở gì nhiều mà thôi.
Anh có tin vào số phận?
Tôi không tin vào số phận một cách mù quáng, để rồi phó mặc cho số phận mà không cố gắng. Nhưng tôi tin, tính cách con người tạo nên số phận. Tôi sùng đạo nhưng đức tin của tôi là cố gắng làm nhiều việc tốt, sống lương thiện - mình sẽ có cuộc đời yên ổn và bình an. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chuyện làm nghề của tôi và Giang. Chúng tôi cứ đi chậm rãi thôi, không bon chen, không ồn ào, nhưng sẽ đến những đích cần đến.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.