HLV U22 Thái Lan: 'Không sợ các đối thủ châu Á thì ngại gì SEA Games'

Worrawoot dẫn dắt đội U22 Thái Lan hiện tại từ khi các học trò còn ở lứa U21. Ảnh: Thairath.
Worrawoot dẫn dắt đội U22 Thái Lan hiện tại từ khi các học trò còn ở lứa U21. Ảnh: Thairath.
Ông Worrawoot Srimaka tự tin với trình độ vượt trội của bóng đá Thái Lan, và khao khát hướng đến Word Cup chứ không chỉ tấm HC vàng ở SEA Games.

Thời còn thi đấu, Worrawoot là một thành viên xuất sắc trong thế hệ Dream Team của bóng đá Thái Lan. Ông từng đoạt ba HC vàng SEA Games, hai lần vô địch King Cup với tuyển Thái Lan và hai lần đăng quang AFC Champions League cùng CLB Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan. Không nhiều danh thủ có được bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ như vậy ở xứ Chùa Vàng. 

Hiện tại, Worrawoot là HLV trưởng tuyển U22 chuẩn bị cho SEA Games 29 tại Malaysia. Trước khi lên đường thi đấu ở ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhà cầm quân này đã chia sẻ với báo Thairath về triết lý bóng đá, khát vọng cũng như nhiều vấn đề liên quan đến đội bóng mà ông đang đảm nhiệm.

- Ông thấy thế nào khi đảm nhiệm vị trí HLV trưởng U22 Thái Lan?

- Điều đầu tiên là tôi cảm thấy tự hào. Và tôi tin rằng ai đứng ở vị trí này cũng có cảm nhận như tôi. Đảm nhiệm vị trí HLV tuyển quốc gia là một điều tuyệt vời, tôi không quan tâm việc đó là đội lớn hay các đội trẻ.

- Ông dự tính sẽ xây dựng đội bóng này như thế nào?

- Tôi không có nhiều sự chuẩn bị trước khi nhận vị trí này. Sau khi tận mắt chứng kiến các học trò của mình, tôi nhận thấy họ không thể so được với lứa đội tuyển U23 trước đây. Tuy nhiên, tôi đặt niềm tin vào họ vì đó là những người dám thể hiện. Đây cũng là cơ hội của họ để đoàn kết thành một tập thể nhằm phụng sự quốc gia.

Tôi chọn những cầu thủ tốt nhất và phù hợp với chiến thuật nhất, chứ không chọn cầu thủ theo "dây" - hay còn gọi là cầu thủ thân với CLB của mình. Mọi người đều có cơ hội lên tuyển như nhau. Uy tín và hình ảnh của tôi được xây dựng từ khi còn thi đấu cho đến lúc cầm quân là điều quan trọng nhất, không gì có thể vượt qua được. Và tôi cũng muốn cho mọi người thấy một điều rằng HLV Thái Lan nếu được trao cho cơ hội, sẽ không thua kém những HLV nước ngoài.

- Theo ông, một tuyển thủ quốc gia phải như thế nào?

- Điều đầu tiên, cầu thủ phải có khát khao thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia. Thứ hai, đó là cá tính của một tuyển thủ. Thứ ba, cầu thủ phải có kỹ thuật tốt, nếu không thì phải tiếp thu chiến thuật nhanh. Tôi nhấn mạnh lại việc cá tính tuyển thủ có nghĩa là phải có "tinh thần dân tộc" – đó là cá tính đặc trưng của bản thân mỗi tuyển thủ, chẳng hạn như sự tự tin, dám thể hiện những điểm tốt hay phải dám chịu trách nhiệm trước những gì mình làm ở cương vị tuyển thủ quốc gia để trở thành một nhân tố đặc trưng trong đội tuyển.

HLV U22 Thái Lan: 'Không sợ các đối thủ châu Á thì ngại gì SEA Games' ảnh 1 Với Worrawoot, mỗi cầu thủ, khi đã mang trên mình màu cờ sắc áo Thái Lan, phải thi đấu với tinh thần dân tộc. Ảnh: Thairath.

- Ông nghĩ gì trước tin đồn rằng ông được chọn nắm đội U22 quốc gia vì là cạ cứng với Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Witthaya Laohakul?

- Tôi là HLV trưởng đội Suphanburi - đội cán đích thứ ba ở Thai League năm 2015 - trước khi đăng ký dự tuyển vào vị trí HLV trưởng U21 Thái Lan. Lúc ấy, tôi là HLV bản địa có thành tích ở Thai League tốt nhất trong các ứng viên. Còn nếu nói tôi là học trò của ông Witthaya, thì mọi người nghĩ sao cũng được. Tôi không thể phủ nhận việc Witthaya là thầy của mình, vì tôi cũng từng thi đấu cho Chonburi trong hai mùa trước khi chuyển đến Suphanburi.

Với lại, cũng không có nhiều bất ngờ khi tôi làm HLV câu lạc bộ rồi bước lên làm HLV tuyển quốc gia nhỉ? Tôi khác với một số người chưa có thành tích ở CLB nhưng vẫn có cơ hội nắm các đội tuyển quốc gia. Mọi người nhìn vấn đề theo khía cạnh nào cũng được thôi, nhưng để rõ ràng nhất thì hãy nhìn vào đội tuyển U22 Thái Lan đã làm được những gì và được mọi người tôn trọng ra sao.

- Lần đầu tiên làm việc với bà Watanya Wongopasi - Trưởng đoàn bóng đá nam  U22 Thái Lan, ông phải điều chỉnh những gì để phù hợp với công việc?

- Đã làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì phải có những điều chỉnh cho phù hợp với tập thể. Bản thân tôi cũng như Trưởng đoàn phải tự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu công việc. Phải công nhận rằng Watanya có tầm nhìn quản lý chuyên nghiệp nên có thể hỗ trợ tốt cho việc phát triển hình ảnh cũng như sự nổi tiếng của đội bóng. Chúng tôi chỉ cần tập trung vào việc làm tốt chuyên môn.

HLV U22 Thái Lan: 'Không sợ các đối thủ châu Á thì ngại gì SEA Games' ảnh 2 Worrawoot thoải mái khi nhờ có lãnh đội Watanya, ông được toàn tâm toàn ý tập trung vào các vấn đề chuyên môn ở U22 Thái Lan.

- Các trợ lý của ông đóng vai trò như thế nào?

- Trong tập thể ban huấn luyện, ai cũng là những nhân tố quan trọng. Trong đó, Issara Sritaro và Naruphol Kaenson là những trợ lý đắc lực nhất cho tôi. Issara có nhiều kinh nghiệm trong môi trường Thai League, là người giỏi vi tính nên lên kế hoạch do thám đối thủ cũng như nhắc nhở tôi những việc chi tiết tỉ mỉ. Còn Naruphol là người làm việc nhiều với Giám đốc Kỹ thuật Witthaya ở đội bóng Chonburi nên rất chuyên nghiệp trong việc lên kế hoạch và quản lý các buổi tập.

- Việc tập trung đội tuyển theo lịch nghỉ thi đấu để chuẩn bị cho "FIFA Day"- lịch đấu chuẩn của FIFA - ảnh hưởng như thế nào đến đội bóng của ông?

- Theo tôi, chúng ta phải tuân theo sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, theo lịch thi đấu quốc tế. Không thể bắt các CLB ngừng cả tháng để đội tuyển tập trung như trước. Tôi luôn nói với các học trò rằng dù có lên tập trung đội tuyển hay không thì bản thân mỗi người phải biết cách giữ phong độ và thể lực.

Chỉ riêng thời gian lên tập trung ở đội tuyển là không đủ các tuyển thủ tích luỹ hay phát triển thể lực. Đó là thời gian để thử nghiệm đội hình và chiến thuật cho đội. Cơ bản là các cầu thủ của tôi đã thực hiện tốt yêu cầu. Tuy nhiên, ở trận giao hữu gần đây nhất gặp Iraq, các cầu thủ chủ chốt đã không chơi đúng sức, không được thi đấu chính thức nhiều ở lượt về Thai League 2017. Tôi và ban huấn luyện đã mang những thống kê này để làm việc với các cầu thủ. Họ cần phải nỗ lực và ý thức được trách nhiệm để có thể làm tốt hơn mức có thể.

- Những cầu thủ lứa tuổi U20 của Thái Lan hiện tại không được đánh giá cao bằng những cầu thủ cùng lứa tuổi ở những thời điểm trước đây. Lý do vì đâu?

- Tôi cho rằng, việc quản lý tuổi của cầu thủ trẻ trước kia chưa chặt chẽ. Có nhiều cầu thủ ở độ tuổi 20-21, nhưng tuổi thật có thể đến 25. Điều này cũng xảy ra ở nhiều nền bóng đá trên thế giới. Nhưng tuổi cầu thủ ở đội chúng tôi hiện tại là thật. Thực tế là chúng tôi không thành công ở vòng chung kết U19 châu Á năm ngoái. Nhưng tôi cũng nói với học trò của mình rằng vào thời điểm đó có thể phong độ không được như ý, nhưng bây giờ là lúc các bạn thể hiện bản thân. Tôi cũng khuyến khích và truyền cảm hứng cho học trò hiểu niềm tự hào khi khoác lên mình chiếc áo tuyển quốc gia lớn đến mức nào.

HLV U22 Thái Lan: 'Không sợ các đối thủ châu Á thì ngại gì SEA Games' ảnh 3 Worrawoot tin rằng các học trò của ông không ngán các đối thủ trong khu vực, khi có nhiều người trong đội đã vươn tới trình độ châu Á.

- Ông nghĩ thế nào về những cầu thủ Thái kiều, hay còn gọi là những cầu thủ mang hai dòng máu, tham gia đội tuyển quốc gia?

- Những cầu thủ Thái kiều, hay người mang trong mình hai dòng máu, thi đấu cho đội bóng của quốc gia mà họ trưởng thành là chuyện bình thường. Nhưng nếu họ quay về nơi gốc gác để thi đấu thì đó là vấn đề họ muốn chứng tỏ bản thân, muốn thi đấu cho đội tuyển quốc gia nơi đây. Điều quan trọng là khi khoác lên mình màu áo Thái Lan, thi đấu đại diện cho hơn 70 triệu người dân Thái Lan, đó là niềm tự hào dân tộc. Và đó cũng là điều khác biệt giữa cầu thủ Thái và những cầu thủ có hai dòng máu. Sự khát khao cống hiến, tính chuyên nghiệp và sự can đảm là những điều cần phải có ở những cầu thủ này. Không giống như xã hội Thái Lan, nơi mọi người đều thoải mái thân thiện, khi các cầu thủ đại diện cho quốc gia thì phải cố gắng hết mình trong tập luyện và kiên định để đạt được mục tiêu đề ra trong thi đấu.

- Công tác chuẩn bị của U22 Thái Lan cho SEA Games 2017 như thế nào rồi?

- Tôi và ban huấn luyện đã thu thập đầy đủ thông tin về các đối thủ trong khu vực. Chúng tôi cũng thường xuyên thi đấu giao hữu với các đội như Malaysia, Singapore và Việt Nam nên cũng hiểu nhau. Chỉ có Myanmar là chúng tôi chưa có dịp đọ sức, nhưng tôi cũng cử đội đi xem giò họ cẩn thận rồi. Điều quan trọng là các học trò của tôi không phải sợ bất cứ đối thủ nào. Một số cầu thủ Thái Lan thi đấu ở vị trí tiền đạo và hậu vệ ở Thai League có trình độ vượt trội so với các cầu thủ châu Á ở các đội bóng khác. Trình độ châu lục mà chúng ta còn không sợ, thì lo gì khi quay về thi đấu với các đội khu vực Đông Nam Á nhỉ?

- Anh chịu áp lực như thế nào khi U22 Thái Lan phải bảo vệ HC vàng bóng đá nam SEA Games?

- Áp lực thì chắc chắn là có rồi. Khi chọn con đường dẫn dắt U22 Thái Lan, tôi có áp lực mang lại niềm vui cho người dân Thái Lan. Bên cạnh đó, chúng tôi phải thi đấu trên sân của Malaysia, và đây còn là lần đầu tiên SEA Games hạ độ tuổi của cầu thủ xuống, nên áp lực rất lớn. Sức ép cũng đến nếu chẳng may chúng tôi thua trận, nhất là thua các đội trong khu vực Đông Nam Á. Dù sao, tôi cũng quyết định đón nhận những áp lực cũng như những rủi ro đó. Tôi luôn quan niệm rằng "người không sai là người không làm gì hết", do đó muốn biết đúng sai, tôi phải xắn tay vào làm thật sự. Điều quan trọng là cố gắng hết sức trong công việc.

HLV U22 Thái Lan: 'Không sợ các đối thủ châu Á thì ngại gì SEA Games' ảnh 4 Worrawoot có xuất phát điểm tốt với vị thế một huyền thoại của bóng đá Thái ở cả cấp độ ĐTQG lẫn CLB. Ảnh: Fox Sports.

- Đâu là yếu tố tác động tiêu cực nhất đến việc bảo vệ HC vàng SEA Games?

- Áp lực từ bản thân cầu thủ là nguyên nhân đáng lo nhất, trong đó có sức ép từ phía khán giả nhà. Giả sử Thái Lan gặp chủ nhà Malaysia ở trận chung kết, có khoảng 50.000 hay 100.000 khán giả đến sân gây áp lực. Đó là điều chúng tôi phải tính toán trước vì các học trò của tôi chưa có trải nghiệm với điều này. Bản thân tôi thì ko có gì ảnh hưởng vì tôi trải qua nhiều rồi. Nhưng tôi tin các học trò sẽ thích nghi được và thể hiện được bản thân.

- Bên cạnh công việc ở đội U22, ông còn là trợ lý đắc lực của HLV trưởng ĐTQG Thái Lan Milovan Rajevac. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?

- Cộng tác với Milovan là điều rất hữu ích cho công việc của tôi vì ông ấy có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các đội bóng tham dự vòng chung kết FIFA World Cup. Người làm được điều này chắc chắn phải có những năng lực đặc biệt. Có nhiều người nói rằng dẫn dắt đội tuyển Ghana vào thời điểm đó thật ra cũng đơn giản vì đó là lứa cầu thủ tốt nhất trong lịch sử bóng đá nước này. Nhưng chẳng lẽ Liên đoàn nước đó không chọn người tốt nhất dẫn dắt cho đội tuyển của họ sao? Làm việc với những người giỏi sẽ giúp tôi học được nhiều thứ, tích lũy những điểm mà tôi còn thiếu. Mới làm việc chung có vài ngày mà tôi đã tích lũy được một số vấn đề cho công việc.

Vẫn biết HLV giỏi ở châu Âu rất nhiều, nhưng một khi chúng ta có điều kiện làm việc với một trong những HLV giỏi đó, tôi nghĩ mình nên tích lũy những kiến thức hiện đại đó cho riêng bản thân. Đến một ngày nào đó, khi có cơ hội thì HLV Thái Lan cũng có thể đưa đội tuyển dự vòng chung kết FIFA World Cup bằng chính phong cách riêng của người Thái.

- Điểm thu hút của đội tuyển U22 Thái Lan hiện nay là gì?

- Tôi thấy tinh thần là điểm mạnh nhất của đội tuyển này. Khi các cầu thủ thi đấu quyết tâm và hết mình thì kết quả tốt sẽ đến thôi. Nhưng ít ra khi các cầu thủ khoác lên mình chiếc áo tuyển quốc gia, họ phải thể hiện cho mọi người thấy họ là người Thái Lan đang thi đấu vì những người hâm mộ bóng đá Thái Lan. Khác với bạn thi đấu cho bản thân. Cầu thủ thi đấu không quyết tâm không nỗ lực hết mình thì chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong đội tuyển quốc gia Thái Lan.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.