Hiệp ước Nhật – Mỹ bảo vệ Senkaku/Điếu ngư

Hiệp ước Nhật – Mỹ bảo vệ Senkaku/Điếu ngư
TPO - Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tuyên bố như vậy vào sáng 17-9, sau cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang thăm Tokyo.
Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/ Điếu Ngư
Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/ Điếu Ngư .

VOR dẫn nguồn tin từ Tokyo cho biết, Tokyo và Washington thống nhất ý kiến rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, được bảo vệ bởi hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng cho biết, hòn đảo không phải là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán, nhưng "giữa Tokyo và Washington có một sự hiểu biết lẫn nhau được thỏa thuận này đảm bảo".

Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi các bên giữ bình tĩnh, cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm trong tình huống này có thể kích động bạo lực và cuối cùng dẫn đến cuộc xung đột trong khu vực.

Trong khi đó, ngày hôm nay, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển lên Liên Hợp Quốc những tài liệu mới về đường viền thềm lục địa của nước mình, vượt ra bên ngoài khu vực 200 hải lý trên biển Hoa Đông.

Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tài liệu này được đưa ra xem xét tại Ủy ban Liên Hợp Quốc về ranh giới thềm lục địa, cơ cấu hoạt động trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Lập luận của Bắc Kinh cho rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nếu quốc gia nào có thềm lục địa mở rộng ra ngoài khu vực 200 hải lý được xem như bắt đầu từ đường biên giới cơ sở, thì quốc gia đó có trách nhiệm thông báo với Ủy ban Liên Hợp Quốc về biên giới. Ủy ban có thể xem xét và đưa ra khuyến nghị về phân định ranh giới bên ngoài của thềm lục địa.

Tài liệu của Trung Quốc gắn trực tiếp với cuộc tranh chấp lãnh thổ cùng Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo đó, Bắc Kinh phản đối ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và cho rằng đường ranh giới đó cần dịch chuyển sang phía đông, đến ranh giới thềm lục địa.

Đầu tuần trước, Nhật Bản đã mua lại quần đảo Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân. Động thái này gây ra sự phản đối gay gắt của Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức điều 6 tàu hải giám tiến vào khu vực quần đảo tranh chấp. Đáp lại, Tokyo tức tốc thành lập Ban chỉ đạo khủng hoảng.

Theo chuyên gia Sergei Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga, khủng hoảng tại biển Hoa Đông đang diễn biến khó lường, và bất cứ lúc nào cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Sergei Pravosudov phân tích: “Đây là sự bùng phát mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thậm chí có thể dẫn đến xung đột quân sự quy mô nhỏ. Xét theo tình hình, tất cả diễn biến đang dẫn tới kịch bản trên”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG