Hiến pháp phải có giá trị lâu dài

Hiến pháp phải có giá trị lâu dài
TP - Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) ngày 27/5 phát biểu như vậy trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

> Cơ hội mang tính lịch sử
> Nhân dân phải được tham gia phản biện

“Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là sửa đổi hay làm Hiến pháp là cả một cơ hội lịch sử, bởi nó sẽ chi phối hay điều chỉnh xã hội chúng ta ít nhất trong vài chục năm. Không chỉ sửa vì cái trước mắt mà phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp phải đạt mục tiêu có giá trị lâu dài”, ĐB Quốc nói.

Nhiều quyền của dân bị “treo”

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, quyền phúc quyết đang trở thành một nguyên lý mà tất cả các bản hiến pháp đều hướng tới. Nhưng hiện người dân chưa có công cụ để thực hiện quyền này.

Theo ĐB Quốc, các quyền tự do hội họp, biểu tình như đã nêu ngay trong Hiến pháp 1946 và các Hiến pháp sau này đều nhắc tới; quyền lập hội, trưng cầu dân ý, trong tất cả các văn bản đều đề cập tới, nhưng vẫn đang bị treo. Cho đến giờ vẫn chưa có các công cụ ấy.

“Vấn đề quan trọng nhất phải giải quyết là tình trạng treo Hiến pháp. Trong các bản Hiến pháp đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền của người dân, trong đó có quyền dân thể hiện quyền phúc quyết của mình. Vậy nhưng ta vẫn cứ treo suốt 68 năm qua”, ĐB Quốc phát biểu.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói rằng, người dân rất mong được phúc quyết bản Hiến pháp của mình. Theo bà Khánh, cần sớm xây dựng Luật biểu tình để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. “Trong nhiệm kỳ này, tôi mong muốn luật Biểu tình được đưa ra, nếu cứ để lại, không biết đến bao giờ luật mới được đưa ra”, ĐB Khánh nói.

Hội đồng Hiến pháp phải thực quyền

Tán thành việc thành lập chế định độc lập là Hội đồng Hiến pháp, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhấn mạnh, “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực”.

Vấn đề là khi hình thành thiết chế này, cần thiết kế chế định về trách nhiệm và quyền năng. Nếu Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền kiến nghị, sẽ không thể hiện được điều gì, thậm chí không bằng các kiến nghị của các Đoàn giám sát của Quốc hội. “Nếu Hội đồng Hiến pháp kiến nghị, nhưng chủ thể không thực hiện thì phải kiến nghị tiếp đến đâu?”, ĐB Hà băn khoăn.

 “Hội đồng Hiến pháp nếu mà chỉ làm chức năng kiểm tra, kiến nghị thôi thì có lẽ không nên quy định vì chỉ thêm ghế thôi, có cần thiết hay không?”.  

ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Nguyễn Đình Quyền chia sẻ, có rất nhiều tranh luận về Hội đồng Bảo hiến. Nghiên cứu trên thế giới, Hội đồng Hiến pháp hay Tòa án Hiến pháp phát triển mạnh ở những nước có nhiều đảng phái, là nơi giải quyết mâu thuẫn giữa các đảng phái, rất ít liên quan vấn đề của công dân.

Theo ông Quyền, nước ta không cần thiết phải có Hội đồng Hiến pháp, bởi những chức năng giao cho cơ quan này thực ra Ủy ban Pháp luật, các ủy ban của Quốc hội vẫn đang làm. Cơ chế xử lý những văn bản không phù hợp Hiến pháp cũng đã có rồi. Bây giờ chỉ cần tổ chức để những cơ quan hiện có làm tốt hơn chức năng đó.

“Xây dựng được thiết chế bảo vệ Hiến pháp trong lúc này là hợp với lòng dân. Hội đồng này cũng thích hợp đối với cơ chế các quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo. Bởi cơ quan này chịu sự kiểm soát của Quốc hội chứ không thể đứng trên Quốc hội”, ĐB Đinh Xuân Thảo nói.

Thu hồi đất phải minh bạch

Quy định tại Dự thảo Hiến pháp về trường hợp thu hồi đất tại các dự án phát triển kinh tế, ĐBQH đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Theo ĐB Đinh Xuân Thảo, điều 58 có điểm mới là thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản được bảo hộ.

Vì vậy, thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp vi phạm, không sử dụng, sử dụng không hiệu quả. Còn lại các trường hợp khác, nên dùng khái niệm trưng mua quyền sử dụng đất. ĐB Thảo cho rằng, bổ sung thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội tại Dự thảo Hiến pháp là cần thiết.

Tuy nhiên, trong Luật Đất đai phải chia ra loại nào ở mức quan trọng cấp quốc gia do Thủ tướng, Quốc hội quyết định thì được áp giá Nhà nước quy định; còn dự án cấp tỉnh trở xuống, phải áp dụng ngang giá, thỏa thuận theo thị trường.

Ở Tổ TPHCM, ĐB Lê Trọng Sang cho rằng, Dự thảo nên hiến định quyền tài sản, cơ chế trưng mua quyền tài sản của dân, như đã quy định tại điều 23 Hiến pháp hiện hành. Đồng thời không nên hiến định việc Nhà nước thu hồi đất trong Hiến pháp để tránh bị lạm dụng, thay vào đó chỉ nên quy định việc thu hồi đất ở các luật khác.

ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, nên bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội (điều 58 dự thảo). Những dự án này, nếu có lợi ích quốc gia, công cộng... thì đương nhiên nằm trong nhóm thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nếu quy định trường hợp này thì phải giải quyết thế nào đối với các dự án vì mục đích văn hóa, thậm chí vì chính trị như xây dựng tượng đài?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.