Hiến kế cho Tiền Phong marathon

TPO - Cuộc tọa đàm với các runner (VĐV chạy bộ) phong trào đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề để tổ chức tốt hơn nữa giải Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong-giải thể thao lâu đời nhất của Việt Nam.  
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 1

               Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại buổi toạ đàm

Chiều 18/12, báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm, góp ý công tác tổ chức giải Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong.

Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, mặc dù Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong, hay còn được gọi là Tiền Phong marathon, đã có tuổi đời 59, nhưng bắt đầu từ năm 2017 mới mở đăng ký tham gia cho các VĐV phong trào. Vì thế, việc tổ chức giải cho người chạy phong trào vẫn chưa bắt kịp được với sự chuyển mình mạnh mẽ của phong trào chạy bộ trên cả nước hiện nay.

Trong gần 3 tiếng trao đổi chiều 18/12, những ý kiến đóng góp của các runner phong trào tại Hà Nội giúp lãnh đạo báo Tiền Phong hiểu thêm người yêu chạy bộ cần gì, mong muốn gì từ nhà tổ chức; chạy bộ góp phần gắn kết tình cảm gia đình, bạn bè ra sao, giúp giải tỏa áp lực công việc, cuộc sống thế nào.

Miễn cưỡng kết thúc cuộc tọa đàm khi còn một số runner chưa được đóng góp ý kiến, lãnh đạo báo Tiền Phong chân thành cảm ơn những đóng góp nhận được và mong muốn không chỉ có một mà sẽ có thêm nhiều cuộc tọa đàm trao đổi nữa với các runner phong trào trên cả nước, có sự tham gia của lãnh đạo ngành TDTT và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam.

Tiền Phong trích giới thiệu một số ý kiến tại buổi tọa đàm:

Ông Nguyễn Đỗ Hùng (66 tuổi)- VĐV cao tuổi nhất Việt Nam chạy marathon sub 4 (dưới 4 giờ): Đảm bảo cung đường chuẩn

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 2

Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong mỗi năm lại tổ chức tại một địa điểm. Điều này kéo theo mỗi năm chúng ta lại phải đo lại đường, gây khó khăn trong việc hình thành một cung đường chuẩn. Theo tôi, chúng ta phải thuê các nhà tư vấn, có thể là ở nước ngoài, để làm sao cho giải có một cung đường chuẩn được thế giới công nhận. Nếu có thể, một năm chúng ta có thể tổ chức thành hai giải, một giải luân phiên ở các tỉnh như bây giờ đang làm và một giải ở địa phương cố định nào đó (miền Bắc, Trung hay Nam).

Anh Dương Minh Việt (ERC): Chạy để trải nghiệm

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 3

Trước hết chúng ta phải xác định, người chạy là phong trào nhưng tổ chức giải chạy chắc chắn phải là chuyên nghiệp. Các giải lớn nhất thế giới hiện nay như Boston, Chicago, Berlin, Tokyo...số lượng VĐV tham dự phải giới hạn, bốc thăm, đạt chuẩn... mới được trả tiền đi chạy, quy mô từ 30-50.000 VĐV...và mình không thể gọi các giải này là các giải phong trào được vì nó được tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp.

Thứ hai, địa điểm phải thuận lợi thì mới thu hút được người chơi. Yếu tố đặc trưng của giải chạy phong trào là “thể thao trải nghiệm”, tức là người chạy không phải chỉ đến để chạy, mà còn đến để chơi. Giải của báo Tiền Phong hiện mỗi năm đều tổ chức ở một tỉnh thành, theo tôi, để tăng sức hấp dẫn, nên tránh đưa về những nơi xa xôi, hẻo lánh... Thay vào đó, nên tổ chức ở những thành phố lớn có nhiều địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Nhà Trang...để người chơi có thể kết hợp đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, du lịch...

Thứ ba, về mặt tổ chức, giải nên có phần riêng dành cho VĐV chuyên nghiệp xuất phát trước, rồi đến phong trào chạy sau. Đây là yếu tố quan trọng vì tăng chất lượng của giải và VĐV phong trào cũng được kích thích khi có VĐV chuyên nghiệp chạy ở “wave đầu tiên”. Các giải lớn trên thế giới đều làm như thế hết.

Ngoài ra, cần phải tăng tính sôi động của cuộc thi, nghĩa là chú trọng đến truyền thông cũng như các hoạt động liên quan trước, trong và sau giải; có thể kéo dài trong cả năm trời, không riêng ngày diễn ra giải.

Chị Lê Thanh Phương (LDR) - Phải chi tiết từ chiếc ly nước

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 4

Bất kỳ giải nào, làm cho trẻ em hay người lớn hay cho VĐV nước ngoài...thì cũng cần phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản như cung đường bắt buộc phải đảm bảo đủ, đúng cự ly. Thứ hai, về vấn đề an toàn. Điều tôi muốn nhắc đến đầu tiên là an toàn về y tế vì nhiều giải hiện nay không đáp ứng đủ tiêu chuẩn này. Tiếp theo là an toàn về bảo hiểm: bảo hiểm cho con người, bảo hiểm khi có sự cố cháy, nổ. Cuối cùng là an toàn về đường chạy, runner không phải chạy chung với các phương tiện giao thông.

Thứ ba là về vấn đề hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về con người, ở đây là lực lượng tình nguyện viên, những người tương tác trực tiếp với runner trên đường chạy, và hỗ trợ liên quan đến các sản phẩm cho runner tham dự: nước, điện giải, chuối, gel...Theo tôi, muốn tổ chức tốt một giải thành công thì cần những nền tảng này.

Đi sâu vào công tác tổ chức, với tư cách vừa là người chạy, vừa là nhà tổ chức, support cho nhiều giải đấu, tôi thấy rằng vấn đề hậu cần, logistics là cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến trải nghiệm của runner đối với giải. Ví dụ việc sử dụng ly 6oz hay ly 10oz, có phân biệt màu ly cho nước suối và nước điện giải, có bàn tiếp nước suối riêng nước điên giải riêng hay không cũng mang lại trải nghiệm khác hẳn nhau cho runner cũng như tác động đến đánh giá của runner về sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức. Mà tổ chức một giải chạy thì có vô vàn “tiểu tiết” cần nhà tổ chức phải chú ý như vậy.

Anh Nguyễn Tiến Đạt (Webthethao): Nên có giải cố định ở một địa điểm

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 5

Giải có slogan là “Run with Elite” (Chạy cùng các VĐV chuyên nghiệp). Theo tôi, đây chỉ là một phần thôi bởi khoảng cách VĐV phong trào và chuyên nghiệp ngày càng thu hẹp, và họ sẽ không phải là mục tiêu để các VĐV phong trào hướng đến. Nhiều giải có các Elite của châu Phi, rõ ràng là thu hút hơn các Elite của Việt Nam.

Về địa điểm tổ chức, có thể tham khảo giải IRON MAN đã có 40 năm tuổi và rất hấp dẫn. Họ có hai giải, một giải cố định địa điểm tại Kona, Hawaii. Và giải còn lại là luân phiên ở các thành phố đăng cai. Nếu muốn dung hoà giữa việc phát triển VĐV phong trào và phát triển chuyên môn cho VĐV điền kinh Việt Nam, thì theo tôi có thể tổ chức theo mô hình này.

Ngoài ra, chúng ta nên tổ chức nhiều hoạt động bên lề như chụp ảnh, các dịch vụ đi kèm như livestream, tổ chức ở nơi có các điểm du lịch vệ tinh, truyền thông hiệu quả, MC, hoạt náo viên, áo, vật phẩm tặng kèm...

Như tôi được biết, thời điểm tổ chức giải vào tháng 3 hàng năm nhằm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Đây là giải nhằm kiểm tra lực lượng cho các VĐV chuyên nghiệp tham dự các giải quốc tế, nhưng các giải quốc tế lại thường diễn ra vào tháng 8 và 9 hay cuối năm. Việc quá xa thời điểm sẽ khiến các VĐV chuyên nghiệp không thi đấu bung sức, không phấn đấu thành tích cao. Đây cũng là lý do để chúng ta cần nhắc có thể tổ chức hai giải hay không, để đáp ứng cả việc phát triển VĐV phong trào và phát triển chuyên môn cho VĐV điền kinh Việt Nam.

Runner Tô Trung Hiếu: Liệt cũng phải chạy giải Tiền Phong

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 6

Đánh giá Tiền Phong marathon là giải đấu rất có sức hút với người chạy bộ phong trào nhờ truyền thống gần 60 năm, runner Tô Trung Hiếu chia sẻ bản thân anh đã đánh liều với chấn thương lưng, bỏ ngoài tai khuyến cáo của bác sĩ nếu hoạt động mạnh có thể bị liệt, để được trải nghiệm chạy giải trên đất Buôn Ma Thuột hồi đầu năm.

Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:

Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 7
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 8
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 9
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 10
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 11
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 12
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 13
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 14
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 15
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 16
Hiến kế cho Tiền Phong marathon ảnh 17
MỚI - NÓNG